Lấy chồng vì sợ ế

16/03/2022 - 11:45

PNO - Suốt 20 năm chung sống, anh luôn chi li tính toán với tôi từng ngàn. Số tiền còn lại từ 50 triệu đồng lãi mỗi tháng, anh đổi đô-la gửi cho vợ con anh.

Tôi quen anh năm 2000. Khi ấy anh đã ngoài 50, tôi mới ngoài 30. Chúng tôi gặp nhau trong một câu lạc bộ dưỡng sinh. Anh đã ly hôn, vợ con anh đã định cư ở Đức, anh sống một mình trong căn nhà mặt tiền rộng lớn trên đường Nguyễn Đình Chiểu. 

Trước mắt mọi người, tôi là cô gái được xem sắp ế. Anh nói anh không xuất cảnh vì anh bị đột quỵ và tiểu đường. Qua những lần hẹn hò, anh đề nghị để có tiền đủ cho hai chúng tôi sinh sống, anh sẽ bán căn nhà của mình, lấy tiền gửi ngân hàng. Và anh sẽ đến nhà tôi ở.

Chúng tôi tới với nhau hoàn toàn không có tình yêu (Ảnh minh họa)
Trong mắt mọi người, tôi là cô gái ế, khó có cơ hội tốt. Chúng tôi tới với nhau hoàn toàn không có tình yêu (Ảnh minh họa)

Ba mẹ tôi không còn nữa. Ba chị em gái chúng tôi xúm xít trong căn nhà nhỏ thuộc Q.Tân Bình, TP.HCM. Tiền lãi ngân hàng hằng tháng của anh là 50 triệu đồng. Anh chỉ cho tôi 2.000 đồng ăn sáng (thời giá năm 2000) và 10.000 đồng (thời giá 2020). Anh điểm tâm phở hoặc những món ăn cao cấp, còn tôi chỉ một gói xôi lót dạ.

Cơm trưa, anh đóng tiền cho tôi và cùng ăn trưa với chị em tôi. Cơm chiều tôi ăn “ké” hai chị, còn anh sẽ đưa tiền cho tôi, bảo mua món gì anh thích. Nghĩ mình “gái lỡ thời” chấp nhận sống chung không cưới hỏi, kiếm một đứa con cho vui. Thế nhưng, tôi rất đau khổ khi anh không thể cho tôi đứa con. 

Suốt 20 năm chung sống, anh luôn chi li tính toán với tôi từng ngàn. Số tiền còn lại từ 50 triệu đồng lãi mỗi tháng, anh đổi đô-la gửi sang Đức cho vợ con anh. Tôi hơi buồn, nhưng an ủi dù gì căn nhà anh bán cũng có phần của vợ con. Phải để cho họ hưởng chứ. Tôi cũng đã lờ mờ biết được vì tính gia trưởng, vợ con anh mới đành bỏ anh ở lại Việt Nam.

Năm 2018 anh bị đột quỵ lần thứ hai và nằm liệt một chỗ. Trong lúc chăm sóc vệ sinh cho anh, tôi luôn nghe anh vỗ về: “Bà ráng lo cho tôi. Khi tôi chết, con trai tôi sẽ cho bà số tiền để bà dưỡng già”.

Tôi đề nghị con số 10.000 USD. Anh vui vẻ gật đầu. Giữa năm 2021, anh bị COVID-19 và không qua khỏi. Lúc này tôi mới biết vợ anh có người chị ruột ở Việt Nam. Sau khi tôi gửi cốt anh vào chùa, người chị vợ cùng con trai ở Đức về nước, đến yêu cầu tôi đưa hết giấy tờ ngân hàng. Tôi hỏi về số tiền 10.000 USD anh hứa cho tôi, họ nói họ không biết chuyện đó. Tiền lãi ngân hàng còn lãnh hai tháng, tức 100 triệu đồng, tôi xin phần đó, họ gật đầu. 

Thế nhưng, đến ngày lãnh tôi mới biết họ đã rút toàn bộ tiền ấy. Tôi và anh sống không đăng ký kết hôn. Tôi không có tư cách gì để đòi hỏi những gì tôi đã cho anh. 20 năm làm vợ hờ của anh, 20 năm anh ở “chùa” nhà chị em tôi, 20 năm tôi hầu hạ anh. 

Hai chị tôi cũng không có chồng, họ sống cô độc, khép nép trước những lời dị nghị của họ hàng, hàng xóm. Tôi không muốn giống như hai chị.  Vì sợ ế, tôi mới bằng lòng lấy anh vô điều kiện. Tôi có người đàn ông sống cùng, nhưng chẳng biết thế nào là hạnh phúc. Suốt 20 năm, anh luôn gia trưởng mắng mỏ tôi trước mặt hai chị tôi. Tôi cố gắng chịu đựng vì nghĩ dù sao anh sẽ còn chút tình nghĩa. Nào ngờ… 

Nguyễn Ngọc Hà

(Ghi theo lời kể của chị Lê Thị Tuyết M. - Q.Tân Bình, TP.HCM)    

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI