Có những người làm ăn tấn tới, khá giả nhanh, có những người cuộc sống chỉ dừng ở mức ổn định. Tuy nhiên họ giống nhau ở chỗ đều phải trải qua một thời kỳ đầu cực kỳ khốn khổ nơi xứ người, xét cả về khía cạnh vật chất lẫn tinh thần.
|
Hình minh họa. |
Rào cản ngoại ngữ
Phụ nữ Việt định cư nơi xứ người, có nhiều trường hợp nhập cư khác nhau: du học, kết hôn với người bản địa, xuất khẩu lao động... Những năm gần đây, phụ nữ nhập cư chủ yếu xét theo hai trường hợp đầu.
Chỉ trừ "dân du học" xin được học bổng một phần hoặc toàn phần, có nền tảng học vấn và vốn ngoại ngữ sẵn ở nhà, khi sang đến nước sở tại, họ hòa nhập nhanh và biến ngoại ngữ được trang bị sẵn có ở nhà thành bệ phóng trong công việc và nghiên cứu nơi xứ người.
Số còn lại luôn "lao đao" với thứ ngôn ngữ của đất nước sở tại. Cho dù đã được bạn bè, người thân, họ hàng tư vấn và chỉ "đường đi nước bước" ngay khi còn ở Việt Nam, đã chuẩn bị tinh thần trước khi sang miền đất mới bằng cách tham gia những khóa học ngoại ngữ cơ bản khi còn ở nhà, thế nhưng phụ nữ Việt những năm đầu mới nhập cư luôn lâm vào tình trạng "lao đao ngoại ngữ" vì không theo kịp cách nói nhanh, lướt gió, nuốt chữ, nói tắt...của người bản địa.
Những khóa ngoại ngữ cơ bản đầu tiên được trang bị sẵn ở Việt Nam chỉ giúp họ một hai tháng đầu "bơi" được ở xứ người, với những diễn đạt tối thiểu trong cuộc sống: hỏi đường, muốn mua loại thực phẩm nào, giá cả bao nhiêu... Nhưng cuộc sống đâu chỉ dừng ở những nhu cầu tối giản như vậy. Khi định cư lâu dài nơi bản địa, những vấn đề mới của cuộc sống phát sinh như đi bác sĩ khám bệnh, gia hạn giấy tờ, học lái xe...Tới đây chị em mới bắt đầu "thấm" dần những rào cản do khác biệt ngôn ngữ đem lại.
Chị Lan Minh - định cư theo trường hợp kết hôn với người Việt có yếu tố nước ngoài ở Đức đã 5 năm. Thời gian đầu chị khá tự tin vì vốn ngoại ngữ đã trang bị sẵn khi còn ở Việt Nam. Bận bịu con nhỏ cùng với sức ép công việc nơi xứ người sinh tâm lý chủ quan. Chị không trau dồi để vốn tiếng Đức của mình phát triển thêm. "Cái gì không đầu tư dài hạn thì xài mãi cúng hết", đến khi con gái đầu lòng của chị vào lớp 1, phải đương đầu với những khó khăn khi đối diện với các loại giấy tờ liên quan tới con nhập học, chị mới tá hỏa.
|
Hình minh họa. |
Rồi những năm tháng sau đó là "bơi" cùng bài vở của con, kèm cặp con học. Thế là hai mẹ con chị bất đắc dĩ trở thành "đôi bạn cùng tiến". Khi con gái bắt đầu với những chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái của người bản địa thì chị tức tốc đăng ký tại trường dạy tiếng nước ngoài do ban Thị chính thành phố quản lý một khóa tiếng Đức nâng cao. Theo chị tâm sự "nếu không nỗ lực cùng con thì sẽ không hiểu gì để dạy con học trong những năm sau này".
Còn với chị Ánh, tuổi đã gần 50 mới lần đầu kết hôn và sang Đức định cư, thì tiếng Đức là một "nỗi ám ảnh kinh hoàng". Mặc dù đã rất nỗ lực khi tham gia các khóa học tiếng khi vẫn còn ở Việt Nam, cũng như ngay sau khi sang Đức đã tức tốc đăng ký ngay một khóa học cơ bản do chính người bản địa dạy bài bản - nhưng hạn chế tuổi tác khiến chị không thể nào tiến bộ so với chính bản thân những ngày đầu mới học.
Tuy nhiên, chị vẫn kiên trì đăng ký học lại các khóa ngoại ngữ tại bản địa khi điều kiện thời gian cho phép, bởi "mưa dầm thấm lâu", chị tin là mình sẽ thu lượm được thành quả không nhiều thì ít cho những nỗ lực không ngừng của bản thân.
Có con nhỏ, chấp nhận lùi một bước
Những phụ nữ khi mới nhập cư theo trường hợp kết hôn, con cái luôn là ưu tiên số 1 trong những kế hoạch cuộc đời họ. Độ tuổi sinh đẻ có hạn, họ phải dành thứ tự ưu tiên cho những lựa chọn trong cuộc sống. Mặc dù có thể trước đó, họ đang có một công việc ổn định và chỗ đứng vững chắc ở nước sở tại - nhưng một khi xác định có con, những Việt kiều - phụ nữ bỏ dở công việc đang làm với bao hoài bãi, và lui về hậu phương lo cho gia đình con cái.
Ở nước ngoài, những nhu cầu liên quan đến "dịch vụ" luôn luôn đắt đỏ và kèm theo các giấy tờ liên quan nhiêu khê. Nếu như thuê một người giúp việc ở Việt Nam rơi vào tầm 3-6 triệu, chỉ chiếm 1/3 hay có khi 1/5 tổng thu nhập của cả hai vợ chồng/tháng, thì ở nước ngoài, để hưởng dịch vụ tương đương cho con cái họ, số tiền bỏ ra đã ngốn gần một nửa số tiền kiếm được, con số quá sức chịu đựng của bất cứ cặp bố mẹ trẻ có con nhỏ nào.
Đó là chưa kể tới ở Mỹ và các nước châu Âu, nhân quyền con người luôn là số 1, và luật pháp thì hầu như không có kẽ hở. Để thuê một người giúp việc, số tiền bỏ ra quá nhiều đã đành, lại phải cộng thêm những giấy tờ bảo hiểm kèm theo để đảm bảo quyền lợi của người làm. Tất cả những yếu tố trên khiến những người phụ nữ mới nhập cư phải bỏ hẳn một nửa đam mê trong cuộc sống - là công việc, để toàn tâm toàn trí lo cho con nhỏ.
Chị Lan Vũ, một người có con nhỏ ở Hà Lan tâm sự, "thay vì cày cuốc, đầu tắt mặt tối đi làm kiếm tiền để dùng số tiền đó thuê người giúp việc - thì mình bỏ thời gian tâm sức đó chăm sóc chính con cái của mình. Con được gần mẹ, mẹ có cơ hội dõi theo từng quá trình phát triển của con mà không cần có người thứ ba xa lạ can thiệp vào. Đó là cách đầu tư cuộc sống hiệu quả nhất khi mới bắt đầu lập nghiệp nơi đất lạ".
Đi vào quỹ đạo
Ở Đức và các nước phương tây, làm mẹ là một "nghề". Để làm cho trọn vẹn thành công cái "nghề" nhọc nhằn nhưng không kém vinh quang này, đòi hỏi người phụ nữ luôn phải nỗ lực không ngừng. Chính phủ Đức còn có chính sách khuyến khích và động viên đối với phụ nữ đang có con nhỏ ở nhà chăm con trong 9 năm con đầu đời.
Tuy nhiên những phụ cấp cho mẹ ở nhà chăm con (300 euro/tháng, kéo dài trong vòng 1 năm, tiền nuôi con nhỏ: 190 euro/tháng, kéo dài đến khi con trưởng thành và trình bảng lương đầu tiên)... chỉ đảm bảo tối thiểu nhu cầu cuộc sống ở các nước phương Tây, khi mà giá cả tiêu dùng luôn trên đà đắt đỏ.
Chính vì thế, gánh nặng tài chính hầu như dồn hết lên đôi vai người đàn ông, trụ cột gia đình. Thay vì hai bảng lương của cả hai vợ chồng kiếm được, đủ để dễ thở và trang trải một cách nhẹ nhàng những chi phí cuộc sống, thì giờ tất cả chỉ trông chờ vào phúc lợi xã hội nhỏ bé cùng đồng lương của chồng. Những gia đình có con nhỏ, chỉ có một đầu lương - thật sự khó khăn về kinh tế.
Tuy nhiên, khi con cái đã đủ độ tuổi đi mẫu giáo (quy định như ở Việt Nam, khi trẻ bắt đầu 3 tuổi) thì chị em đã có phần rảnh rang dễ thở hơn. Họ bắt đầu có nhiều thời gian để trau dồi thêm ngoại ngữ, học lái xe và đi làm. Cuộc sống dần dần đi vào quỹ đạo.
Mọi thứ không phụ thuộc hoàn toàn vào người kiếm tiền chính trong gia đình nữa mà đã san sẻ làm đôi. Khi mức thu nhập trong gia đình tăng lên cũng là lúc đời sống kinh tế gia đình khấm khá sung túc. Chị em đã có điều kiện đi du lịch nhiều hơn, gửi tiền về cho bố mẹ già nơi quê nhà trang trải cuộc sống.
Những vất vả và thiệt thòi của chị em Việt kiều khi sinh sống trong một môi trường xa quê hương bản quán, cộng với đức tính cần cù nhẫn nại - đã khiến những người đang làm cha làm mẹ tôi luyện tinh thần "sắt đá" cho thế hệ thứ hai - con cái họ.
Thực tế, những gia đình gốc Á có con học rất giỏi trong môi trường Âu, là một cách thông minh để Việt kiều khẳng định chỗ đứng của họ và con cái trong môi trường Âu Mỹ rộng lớn.
Minh Anh