Lấy chồng, sao lại bỏ cuộc chơi: Cân bằng bắt đầu từ “sống bằng cuộc đời của chính mình”

08/03/2023 - 17:18

PNO - Khi có nữ ca sĩ, diễn viên nổi tiếng lên xe hoa, các trang mạng lại giật tít “lấy chồng bỏ cuộc chơi”. Hiện có phong trào cô dâu trong ngày cưới cầm bảng thông báo “lấy chồng bỏ cuộc chơi” và chụp ảnh khoe lên trang cá nhân. Người con gái lấy chồng có thể mang theo của hồi môn là những thú vui riêng không hay những cuộc chơi từ đây đã trở thành vùng cấm?

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, tiến sĩ Lê Minh Công (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM) hội ngộ với bạn đọc Báo Phụ nữ TPHCM xoay quanh đề tài này.

Tiến sĩ Lê Minh Công
Tiến sĩ Lê Minh Công

Phóng viên: Thưa tiến sĩ, từ bao giờ và vì sao đối với phụ nữ thì chồng và cuộc chơi trở nên “khéo là ghét nhau” như thế?

Tiến sĩ Lê Minh Công: Tôi cho rằng, phụ nữ có cảm nhận chồng và cuộc chơi “khéo là ghét nhau” chỉ khi họ không tự chủ được mối quan hệ với chồng và “cuộc chơi” của họ mà thôi. Phụ nữ cần luôn chủ động trong cuộc đời mình và nếu thấy điều gì quan trọng, làm cho mình hạnh phúc thì theo đuổi chứ đừng vì ai mà thay đổi, về lâu dài có thể làm mất đi bản thân. Nhiều phụ nữ lựa chọn cuộc sống khi lấy chồng rồi sẽ không giữ mối quan hệ/chơi với ai nữa, nhưng có người vẫn chọn cả gia đình và “cuộc chơi”. Không có mẫu số chung. Cái chính là mỗi người phải thấy hạnh phúc, thấy độc lập và làm chủ cuộc sống. Đừng vì một cuộc hôn nhân mà bỏ đi tất cả những giá trị, đam mê và cuộc đời chính mình. 

* Những người bên cạnh được hưởng lợi (hoặc thiệt hại) gì từ người phụ nữ quên mình? 

- Phụ nữ (và cả nam giới) nếu quá hy sinh vì chồng (vợ) con mà không có cuộc sống độc lập thì dường như họ vẫn “gắn bó tiêu cực” chứ thực sự chưa khỏe mạnh. Điều này có thể dẫn tới những khó khăn cho chính họ và gia đình.

Tôi biết một cô giáo tại một trường THPT. Cô có chồng làm công chức và là lãnh đạo của một sở tại địa phương. Giai đoạn đầu hôn nhân, 2 người mới bắt đầu sự nghiệp và rất vất vả trong việc gây dựng gia đình. Rồi chồng cô thăng tiến và phải dành thời gian nhiều cho công việc, cô tự nguyện bỏ mọi ước mơ và mong muốn phát triển sự nghiệp để ở nhà chăm con, chăm chồng, dành mọi sự hy sinh cho chồng con.

Sau này, khi con cái đã lớn, chồng có vị trí rất cao thì cô mới thấy mình cô đơn, khó kết nối với chồng, thành ra thường xuyên ghen tuông, theo dõi và gây áp lực lên chồng con. Vợ chồng cô ly hôn khi cô đã 55 tuổi, chỉ vì khủng hoảng trong hôn nhân này.

* Dù muốn, thực tế cho thấy không dễ để phụ nữ xây dựng tâm thế sống thoải mái, phát huy hết tiềm năng và dám yêu bản thân. Ai đã “trói” họ? 

- Việc “trói” phụ nữ có thể bắt đầu từ nhiều thành phần. Đầu tiên là chính họ với những niềm tin, tự định kiến và những sang chấn, tổn thương không được chữa lành. Nếu không cởi trói, họ sẽ sống trong cái gông do chính họ tạo nên. Đây là việc khó khăn nhất mà phụ nữ phải vượt qua. Các thân chủ tôi từng gặp đều là những người có khó khăn nội tại mà nếu không vượt qua, không xử lý được thì nó như một nguy cơ treo lơ lửng trên đầu, bất cứ lúc nào cũng có thể dẫn tới khó khăn của chính phụ nữ. 

Thứ hai là cha mẹ của họ - những người muốn con cái “sống tốt” theo cách mà họ muốn. Cha mẹ nào cũng thương yêu con cái, nhưng họ thường bắt con sống theo những giá trị của họ. Điều này có thể vô hình mang đến những rào cản, khó khăn cho các con.

Thứ ba có thể là chồng của họ. Nhiều ông, vì những giá trị cũ về việc “trai tài thì năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng” hoặc hình ảnh về người phụ nữ chính chuyên mà dẫn tới kiểm soát, gây áp lực lên phụ nữ phải làm theo ý họ. 

Thứ tư có thể là chính cộng đồng nơi họ làm việc hoặc sinh sống. Những định kiến của cộng đồng làm gia tăng lo sợ và làm gia tăng rào cản đối với phụ nữ. 

Ảnh minh họa
Người ta thường nghĩ việc có gia đình "trói chân" người phụ nữ (ảnh minh họa)

* Một phụ nữ quay lưng với nhu cầu cá nhân và người dám sống với đam mê, thú vui, khát khao và nuôi dưỡng các mối quan hệ riêng, người nào quyến rũ đối với đàn ông hơn? 

- Việc chúng ta đặt ra tiêu chí phải quyến rũ với đàn ông đã làm chúng ta không quyến rũ nữa rồi. Tôi cho rằng, mọi thứ phải cân bằng, kể cả việc mình đáp ứng mong muốn của người khác, nhưng trên hết phải sống bằng cuộc đời của chính mình. 

* Để cân bằng, phụ nữ cần thay đổi theo hướng nào và gia đình, cộng đồng xã hội cần hỗ trợ gì, thưa tiến sĩ?

- Việc đầu tiên, phụ nữ hãy chuẩn bị thật tốt trước khi bắt đầu đời sống hôn nhân. Cần phải “chữa lành” bản thân với những tổn thương hay sang chấn mình đã có, định vị chính xác giá trị bản thân và xác định rõ việc mình muốn có cuộc sống ra sao. Cần có các kỹ năng cảm xúc xã hội, kỹ năng sống tích cực như việc ứng phó và quản lý tốt stress, kỹ năng truyền thông giao tiếp hiệu quả… Khi phụ nữ đã khỏe mạnh (well - being) thực sự, họ sẽ tạo ra sự cân bằng cho mọi việc mà họ tham gia. 

Nếu tự chủ và chủ động, phụ nữ sẽ xây dựng được các mối quan hệ một cách cân bằng hơn. Kết hôn cũng đồng nghĩa mình phải chia sẻ nhiều điều với nhau về các giá trị và công việc. Việc ngồi xuống để đối thoại cùng người phối ngẫu là cực kỳ cần thiết trong bất cứ giai đoạn hôn nhân nào. Nếu thiếu đối thoại, rất khó để tạo dựng mối quan hệ khỏe mạnh và sự cân bằng.

Dù dành thời gian phát triển bản thân, phụ nữ cũng không nên quên vai trò của mình trong gia đình. Đó là vai trò “yêu thương và chăm sóc”. Đây là “thiên chức” mà phụ nữ có, phát huy nó thì sẽ tạo ra sự cân bằng cho cuộc sống của bản thân và gia đình.

Dĩ nhiên, việc phụ nữ tạo sự cân bằng và khỏe mạnh không thể thiếu sự hỗ trợ của gia đình, nhất là cha mẹ và chồng của họ. Sự hỗ trợ này bắt đầu từ việc thấu hiểu và yêu thương, chấp nhận họ như chính họ. Chỉ cần điều này đã là sự đồng hành quan trọng.

Tuy vậy, hành vi hằng ngày cũng cực kỳ cần thiết, như chia sẻ công việc nhà, chăm sóc con cái hay cùng nhau làm những dự án chung… Việc có những cái chung và sự kết nối liên tục ấy làm cho mối quan hệ tích cực và hạnh phúc. Hơn thế, như đã nói, đối thoại cùng nhau là cực kỳ cần thiết cho các mối quan hệ, trong đó có mối quan hệ cha mẹ - con cái, vợ - chồng. 

* Nếu vẽ chân dung phụ nữ hiện đại hạnh phúc, “họa sĩ” Lê Minh Công sẽ không bỏ qua những nét nào? 

- Tôi không có thông tin hay dữ liệu nào để đưa ra định nghĩa chính xác về người phụ nữ hiện đại hạnh phúc. Theo định nghĩa của chúng tôi, hạnh phúc là cảm nhận của chính họ về trải nghiệm mà họ đang trải qua. Hạnh phúc có thể chỉ là một giai đoạn, có thể là hành trình nhưng để định nghĩa hoặc đưa ra tiêu chí đo đếm thì thực sự khó. 

Nhiều phụ nữ tôi gặp chấp nhận lui về sau để chăm sóc chồng con và họ thấy hạnh phúc với điều đó. Nhiều phụ nữ có vị trí cao trong xã hội nhưng lại than phiền là rất cô đơn và không hạnh phúc. Nhiều phụ nữ sống trong gia đình êm ấm, có chồng tử tế và con cái ngoan ngoãn nhưng cũng không hạnh phúc. 

Một cá nhân cảm nhận hạnh phúc (ảnh minh họa)
Việc một cá nhân cảm nhận hạnh phúc như thế nào quan trọng hơn các tiêu chí đánh giá hạnh phúc theo mẫi số chung (ảnh minh họa)

Tổ chức Y tế thế giới hay nhiều tổ chức, trường đại học đã cố gắng tìm kiếm câu trả lời này. Đa số đều cho rằng, việc có mối quan hệ giao tiếp chất lượng là cực kỳ quan trọng cho cá nhân cảm nhận hạnh phúc. Tuy vậy, theo tôi, một người hạnh phúc phải là người có sự khỏe mạnh về sức khỏe tinh thần mà ở đó cá nhân phải nhận ra được bản thân để từ đó phát triển cá nhân lành mạnh, phù hợp, có khả năng nhận thức tốt cũng như có các chiến lược ứng phó với stress hằng ngày, có các mối quan hệ xã hội khỏe mạnh và tích cực, có sự thăng tiến trong lĩnh vực nghề nghiệp mà mình theo đuổi. 

Tôi nhắc lại, hạnh phúc không chỉ là hình thức bề ngoài như vị trí xã hội, nhà lầu xe hơi, có ông chồng chức to… mà phải bắt đầu từ việc phụ nữ cảm thấy họ hạnh phúc và họ phải tự chủ trong trải nghiệm đó của chính mình.

* Xin cảm ơn và kính chúc tiến sĩ cùng gia đình vui khỏe, hạnh phúc, thành công.

 Tô Diệu Hiền (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI