Yêu nhau suốt 5 năm trời, trót để lỡ có bầu 3 tháng, Hà mới cưới. Vì mang bầu trước cưới nên lúc nào nhà chồng Hà cũng tạo áp lực cho Hà và gia đình thông gia.
Bố chồng Hà bảo, cô có bầu thì tự giải quyết. Còn mẹ chồng Hà khi sang nói chuyện với thông gia cứ liên tục kỳ kèo mấy cái lễ gia tiên. Cực chẳng đã, vì thương con gái nên bố mẹ đẻ Hà mang tiền ra nhà trai xin họ cưới để Hà khỏi mang tiếng cho cả gia đình. Hà chẳng ngờ, chỉ 1 lần trót dại mà Hà đã làm ảnh hưởng đến nhiều người.
Hà chẳng ngờ, chỉ 1 lần trót dại mà Hà đã làm ảnh hưởng đến bao nhiêu người. Ảnh minh họa.
|
“Bố chồng mình thì nát rượu lúc nào cũng chửi mình và gia đình nhà mình là loại vô học, vô giáo dục này nọ. Hiện mình mang bầu 9 tháng mà vẫn còn bị hành hạ mắng chửi. Nếu mình làm gì sai đã đành. Đằng này lần nào bố mẹ chồng cũng song kiếm hợp bích chửi mình. Mình chỉ biết im lặng. Bố chồng chỉ ở nhà uống rượu. Mẹ chồng mình làm công nhân may. Trong khi bố mẹ đẻ mình làm công chức nhà nước và cũng có địa vị trong xã hội”, Hà tủi thân kể.
Chấp nhận lấy chồng, Hà đã phải chấp nhận cuộc sống thiếu thốn. Cả nhà chồng Hà cùng sinh hoạt trong 1 căn phòng chỉ khoảng 30m2. Khi Hà về nhà chồng, căn phòng này có 2 chiếc giường. Vì thế, vợ chồng Hà phải ngủ dưới nền nhà và nhường giường cho bố mẹ chồng và em trai chồng.
“Mang bầu đến tận tháng thứ 8 thì mẹ chồng mới mua cho con dâu chiếc giường. Dù biết lấy chồng phải theo chồng nhưng nhiều khi mình áp lực quá không chịu được”, Hà kể lại.
Vì cả nhà chồng cùng ngủ trong 1 phòng nên Hà rất ngại. Ban ngày, mẹ chồng Hà đi làm. Chồng Hà cũng đi làm xa cuối tuần mới về. Em chồng Hà đi học. Chỉ còn Hà và bố chồng ở nhà. Do cả nhà chỉ có 1 phòng nên Hà dù bầu bí mệt mỏi cũng không dám ngủ.
“Bố chồng cứ vào phòng thì mình lại đi ra và ngược lại. Bố chồng say rượu suốt. Mà cứ say và nhìn thấy mình là chửi. Ông bảo rằng, mình không phải loại lá ngọc cành vàng. Rằng ‘bố mẹ mày không học bằng tao đâu’. Mình cũng im lặng vì không chấp người say”, nàng dâu chán ngán nói.
Chồng đi làm cuối tuần mới về nhà. Nhưng chồng Hà về nhà lúc nào cũng chỉ biết ngủ, ăn và đi đá bóng. Còn những ngày bình thường khác, ngày nào Hà cũng phải đợi chồng từ sáng đến tối đến đêm để nhắn tin hay gọi điện thoại. Khi nói chuyện được 1 lúc thì chồng Hà đã lấy lý do bận đá bóng, bận họp, bận kiếm tiền nuôi vợ con để tắt máy.
Sắp sinh rồi mà Hà cũng chẳng biết nên ở cữ ở đâu để không bất tiện và đau đầu. Ảnh minh họa.
|
“Từ lúc lấy chồng đến giờ được 6 tháng rồi mà mình chưa được chồng đưa cho đồng lương nào. Mình chán cũng không muốn hỏi. Nhà mẹ đẻ mình gần đây và do nhà chồng chật chội nên mình hay kiếm cớ để về nhà mẹ đẻ cho thoải mái. Vậy mà bố chồng cứ nhìn thấy con dâu lại chửi: ‘Mày không được về nhà mày đâu. Ông mày có chết tao cũng không cho mày về. Nhà này không đáp ứng đủ điều kiện của mày, mày đừng có đòi hỏi’”, Hà ngán ngẩm.
Nhiều đêm Hà khóc vì thấy lấy chồng khổ và nhục quá. Nhưng Hà cũng không dám cãi lại họ nửa lời. Đã thế mẹ đẻ Hà còn nói với con gái: “Tội lớn nhất là ra đường để người ta chửi bố mẹ mình. Đấy là tội bất hiếu”. Vì thế về nhà chồng dù có chịu ấm ức thế nào, Hà cũng chẳng dám nói với ai.
Cuối tuần sau là ngày dự sinh bé của Hà. Hà rất muốn về nhà bố mẹ đẻ sau sinh nhưng mẹ đẻ của Hà đã bảo cô rằng, chỉ khi nào mẹ chồng Hà có ý cho thông gia đón về bên ngoại thì mẹ Hà mới đón. Mẹ Hà còn bảo, ở cữ nhà chồng dù bà biết Hà sẽ khổ nhưng phải cố lên. Bởi bà ngại, bố mẹ chồng Hà đã khác người như vậy nên không muốn có thêm điều tiếng ảnh hưởng đến gia đình Hà.
“Sắp sinh rồi mà mình buồn quá. Mình chẳng biết phải làm thế nào. Mình đang tính một là lên Hà Nội ở với chồng. Hai là năm nỉ bố mẹ đẻ để được về nhà ngoại. Nhưng bố mẹ chồng mình thì chắc chắn không cho mình ở cữ nhà ngoại hay lên trên Hà Nội với chồng.
Mình sinh con xong vẫn ở chung phòng với bố mẹ chồng, em chồng không tiện, sợ ảnh hưởng đến họ. Chưa kể không ai chăm sóc mình. Mình chẳng biết, cả nhà sinh hoạt trong gian nhà 30m2 này thì lúc sinh mình cho con bú thế nào. Mình chỉ sợ sau sinh lại có nhiều chuyện không hay xảy ra với bố chồng đã vốn “nát””, Hà khổ sở bế tắc.
Phương Anh