Sống chung với mẹ chồng vẫn luôn được coi là một nỗi ám ảnh khôn nguôi khiến nhiều chị em không muốn lấy chồng. Thế nhưng, với nàng dâu trẻ Lê Ngọc (28 tuổi, hiện đang sống tại Từ Liêm, Hà Nội) thì lại khác. Thậm chí Ngọc còn có thể tự hào nói rằng “lấy chồng rất sướng”. Những chia sẻ của Ngọc xung quanh mối quan hệ với nhà chồng chắc chắn sẽ giúp nhiều chị em khác có thêm niềm tin vào việc kết hôn:
|
Nàng dâu trẻ Lê Ngọc hạnh phúc khi chia sẻ về cuộc sống hôn nhân viên mãn. |
* Chào bạn! Vì đâu mà bạn nói rằng lấy chồng rồi còn sướng hơn độc thân?
Có thể rất ít người sẽ phản đối khi nghe mình nói như vậy. Nhưng bản thân mình lại quan niệm khác và tự cảm nhận rằng cuộc sống sau khi kết hôn còn sướng hơn rất nhiều thời kỳ độc thân. Ngoài chuyện không phải nấu cơm, rửa bát hay giặt quần áo, mình còn được chồng, bố mẹ chồng thấu hiểu, cảm thông và tạo điều kiện hết sức cho mình. Mình cũng học hỏi được nhiều điều từ trong cách sống, cách đối nhân xử thế của bố mẹ chồng. Thú thật là sau khi lấy chồng, sinh con xong, mình mới thấy bản thân trưởng thành thực sự.
* Bạn vừa nói rằng về nhà chồng không phải nấu cơm, rửa bát hay giặt quần áo, điều này là có thật ư?
Là thật 100% nhé! Trước đây khi chưa sinh con, vợ chồng ở riêng nên mình làm hết mọi việc. Nhưng sau khi sinh con, mẹ chồng ra sống cùng thì mình bỗng nhiên trở thành “nàng dâu có số hưởng”. Hai năm làm dâu chưa bao giờ phải dậy sớm, thức dậy đã thấy mẹ làm hết mọi việc rồi.
|
Mẹ chồng của Ngọc luôn "giành" làm hết việc từ việc nhà cho đến việc chăm cháu... |
Mẹ chồng mình toàn “giành” quét nhà, lau nhà, giặt, phơi, gập, quần áo. Mình đi làm về dù sớm hay muộn, mẹ đều cơm nước và tắm rửa cho bé nhà mình. Việc của mình là đi tập gym, yoga hoặc đi tắm, ngồi chơi đợi giờ ăn cơm. Nhiều lúc mình xấu hổ bảo thôi mẹ để con làm cho, mẹ đều bảo mẹ với con làm thì khác gì nhau đâu.
Không những thế, làm dâu hơn 2 năm mình chưa biếu được bố mẹ gì cả mà tháng nào bố mẹ cũng tốn thêm mấy triệu cho mình. Vì bố mẹ thường gom đồ ăn từng tuần để gửi ra Hà Nội cho vợ chồng mình. Đến khi mẹ ra ở đây chăm cháu thì mẹ thường về tay xách nách mang đồ ăn ở quê ra để đảm bảo thực phẩm sạch cho cả nhà. Thỉnh thoảng, bố mẹ còn dấm dúi tiền cho mình bảo thích mua gì thì mua...
Mình có ba món sống chết cũng không ăn đó là hành lá, rau giá và thịt mỡ. Lúc chưa lấy chồng, bố đẻ mình luôn bảo: “Thế không tập ăn đi, sau đi lấy chồng cũng ngồi gẩy gẩy vớt hành, chọn miếng nạc để ăn thế à?”. Nhưng đến khi về làm dâu, thấy bát canh có hành, mình gắp ra góc mâm, rồi cũng không ăn thịt mỡ... Thế mà cả nhà chồng mình bây giờ không ai ăn hành và rau giá nữa, thịt mỡ cũng hiếm lắm vì mẹ chồng bảo: “Ngọc không ăn thì mua làm gì”.
|
Bức ảnh Ngọc chụp lại gia đình nhà chồng trong chuyến về quê nội chơi. |
Sau khi sinh bé Sữa xong, mẹ cũng làm hết mọi việc, nhiệm vụ của mình chỉ là: ăn và ăn. Hồi đầu mới sinh xong, bé quấy lắm, mình thức đêm nào là cả nhà thức đêm hôm đó, thậm chí trắng đêm luôn, từ mẹ chồng, bố chồng và cả bà nội chồng nữa. Thấy mình kêu béo quá, mẹ lại an ủi, bảo béo gì, mẹ thấy như thế là vừa rồi. Mình nói muốn làm cái này, nấu cái kia, tập cái nọ để giảm cân thì mẹ khuyến khích tuyệt đối...
Nếu ngồi mà kể ra những điều mình thấy biết ơn bố mẹ chồng thì chắc... đến sang năm cũng không hết mất. Chỉ biết là, bố mẹ chồng luôn nghĩ cho con cho cháu và chẳng hề có một ranh giới nào về việc phân biệt đối xử cả. Mình nhớ như in bố mẹ nói khi mình mới về làm dâu: “Bố mẹ không biết trên nhà con như thế nào, nhưng con đã về đây làm dâu, con là con gái của bố mẹ. Có gì khó khăn, con cứ nói cho bố mẹ nghe, đừng giấu gì cả rồi khổ ra”. Mình thật sự đã rất xúc động.
Ngọc bên chồng và con gái, hạnh phúc khi đi thả diều ở quê nội.
|
* Được gia đình chồng cưng chiều vậy, hẳn quá trình làm dâu của bạn chẳng hề gặp phải khó khăn hay mâu thuẫn nào đâu nhỉ?
Thật ra cũng không phải là không có chút mâu thuẫn nào đâu, chỉ là dần dần qua thời gian thì mọi chuyện đều được giải quyết êm đẹp, mẹ chồng nàng dâu lại trở nên thấu hiểu nhau hơn thôi.
Có thể kể đến như chút khúc mắc khi mình chuẩn bị sinh bé Sữa. Bố mẹ chồng muốn mình về quê sinh vì mẹ làm ở trạm y tế, muốn tận tay đỡ đẻ cho con dâu, không muốn con dâu bị rạch tầng sinh môn để đỡ đau phần nào. Nhưng mình lại sinh sống và làm việc ở Hà Nội nên không muốn về quê. Rồi bố mẹ cũng nói nhiều nhưng mình vẫn quyết giữ nguyên ý định. Cuối cùng bố mẹ cũng xuôi xuôi, nghe theo con dâu chứ không áp đặt.
Rồi hồi bé Sữa còn nhỏ, mình cho con đi chơi đêm quá nhiều, về muộn và thường cho bé ăn dặm theo phương pháp bé tự chỉ huy (Baby Led Weaning), mẹ đều không đồng ý. Nhưng hai mẹ con cũng không có gì mâu thuẫn quá đà, chỉ là bà lo cháu đi ra gió sẽ ốm và ăn bốc sẽ bị hóc, ọe nên góp ý. Nhưng giờ thấy cháu khỏe và có nếp ăn uống tốt, bà vui lắm. Đi đâu bà cũng khoe, hôm trước còn bảo: “Ngọc nuôi cháu đúng đấy, như vậy mới rèn được cháu”. Mẹ chồng mình nay cũng rất chịu khó đọc các sách về nuôi dạy trẻ, cập nhật nhiều kiến thức hiện đại lắm.
|
Từng có chút mâu thuẫn với mẹ chồng trong cách chăm con, nhưng rồi Ngọc đã khiến mẹ hiểu ra và ủng hộ mình. |
* Chắc sẽ có rất nhiều chị em mong muốn có cuộc sống làm dâu êm ấm như bạn. Bạn nghĩ bí quyết của mình là gì?
Thật sự mình không có bí quyết gì cao siêu cả ngoài việc sống thật với chính mình. Mình không a dua, nịnh bợ ai thậm chí cả bố mẹ chồng, chị chồng hay chồng mình. Mình cứ là mình thôi. Mình sai thì mình sẵn sàng nhận lỗi, không trốn tránh, không đổ lỗi. Nguyên tắc của mình là đối xử với bố mẹ chồng như với bố mẹ đẻ mình. Và bố mẹ rất tôn trọng mình nên mình cũng luôn cố gắng giữ đúng đạo làm con. Có gì khó khăn, không hài lòng hay không thoải mái, mình đều sẵn sàng chia sẻ với bố mẹ chồng, tránh việc để lâu hóa hiểu nhầm.
* Bạn có lời khuyên nào cho những cô gái vẫn sợ cảnh “sống chung với mẹ chồng” mà không dám bước vào hôn nhân không?
Nếu nói là lời khuyên e là hơi quá. Mình chỉ muốn nhắn gửi đến các cô gái khác rằng hôn nhân thật sự không quá đáng sợ, không phải là nấm mồ chôn tình yêu đâu nếu như bạn tin rằng mình xứng đáng được hạnh phúc. Vậy nên điều trước tiên, là hãy học cách yêu thương và trân trọng chính bản thân mình.
Ngoài ra, những điều tốt đẹp cho đi sẽ nhận lại được những điều tốt đẹp, cứ gieo mầm yêu thương chân thành mỗi ngày khắc nhận lại được cây trái yêu thương. Trong mối quan hệ với nhà chồng cũng vậy, chẳng có ai ghét bỏ mình khi mình cứ chân thành trao gửi, không mưu cầu tính toán, không tự đặt ra ngăn cách rằng mình không thuộc về nơi này.
Khi bạn nhen nhóm những suy nghĩ ấy trong đầu, cách thể hiện ra ngoài ít nhiều sẽ khiến người khác cảm thấy không hề thoải mái. Hãy coi bố mẹ chồng cũng là bố mẹ mình và giữ đúng đạo làm con theo một cách tự nhiên nhất chứ không phải là gượng ép.
Cát Tường