Kim lấy chồng năm 25 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học ở thành phố, bươn chải công việc hơn 1 năm, lương tháng chỉ đủ chi cho tiền trọ, tiền xăng xe và những bữa cơm đạm bạc nên Kim chọn về quê.
Nhà chồng cũng ở gần nhà mẹ Kim, cách vài phút đi bộ là tới. Vì vậy mà khi Kim nhận lời cầu hôn của Thuận, mẹ là người vui nhất. Mẹ nói, mẹ chỉ có mình Kim là con gái, nên cũng muốn con gái lấy chồng gần để thỉnh thoảng Kim còn về nhà, chứ như mấy đứa con gái trong xóm, đứa nào cũng lấy chồng xa, mẹ già trông mòn mỏi mà có tết về thăm, có tết không.
|
Mẹ chỉ muốn con gái lấy chồng gần để còn về nhà (ảnh minh họa) |
Vậy nên đám cưới của Kim được tổ chức rất nhanh. Sau đám cưới, Kim quay lại công việc để ổn định cuộc sống. Nhờ nhạy bén, lúc vừa về quê, Kim đã thuê cửa hàng ở chợ gần nhà để buôn bán hàng ăn và bán online một số sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử. Thu nhập cũng kha khá.
Từ ngày cưới nhau, chồng Kim bỏ hẳn công việc chuyên môn để cùng làm ở nhà với vợ. Có thêm chồng, Kim mở rộng mặt hàng, cùng với vốn kiến thức chuyên môn về marketing đã được học, Kim đẩy mạnh quảng cáo, việc làm ăn thuận lợi đến không ngờ.
Mỗi tháng, vợ chồng Kim trừ hết chi phí còn dư được 20 triệu đồng. So với ở quê, thu nhập như vậy là khá. Kim dự định sẽ dành dụm để sau này có con cũng có khoản để lo, không tất bật bán buôn. Và Kim cũng mơ rằng vợ chồng cô sẽ sớm mua được nhà riêng. Nếu trời cho công việc thuận lợi, Kim sẽ cố gắng mua luôn căn nhà mà vợ chồng cô đang thuê.
Nhưng một buổi sáng, chồng nói với Kim rằng, từ khi đi làm đến giờ, anh ấy đều phải gửi tiền sinh hoạt cho mẹ để mẹ quán xuyến lo cho cả gia đình. Bây giờ lấy vợ Kim giữ hết tiền, anh không còn khoản nào để thực hiện chữ hiếu như trước.
Việc này Kim không ngờ tới. Theo lối sống ở nhà Kim thì chẳng ông anh nào lập gia đình riêng mà còn phụ mẹ tiền chợ. Mẹ Kim cũng không đòi hỏi con cái bao giờ. Khi còn ở cùng, ai đã đi làm có thu nhập thì gửi biếu mẹ một chút, xem như phụ tiền điện nước, ăn uống, ai không có thì thôi.
Kim hỏi lại chồng: “Vậy mỗi tháng anh đưa mẹ bao nhiêu?”. Chồng Kim trả lời chi tiết: “10 triệu là tiền ăn uống, điện nước cho cả gia đình. Nếu có đám đình gì thì đưa thêm. Có tháng lên đến 15 triệu”.
Anh còn thật thà kể: “Ngày trước đi làm, có khi anh phải mượn bạn bè mới đủ để đưa cho mẹ”. Cái này thì Kim biết, vì thu nhập anh ở công ty cũng chẳng nhiều hơn mức đó.
“Nhưng sao chỉ một mình anh gánh? Trong khi chị gái đã lấy chồng và gia đình nhỏ của chị gồm 4 người đều ở cùng bố mẹ”, Kim hỏi. Chồng Kim đưa tay gãi đầu: “Vợ chồng chị ấy chẳng làm ra tiền, nếu có cũng chỉ đủ tiền học cho con, chẳng có dư để gửi mẹ tiền sinh hoạt”.
Kim tiếp tục hỏi chồng: “Vậy giờ mình đưa mẹ bao nhiêu?”. Anh trả lời: “Theo anh thì đưa 15 triệu đi, thỉnh thoảng mình vẫn ghé đó ăn uống mà”. Đúng là mỗi dịp cuối tuần, vợ chồng Kim đều về nhà mẹ chồng ăn cơm tối. Nhưng lần nào Kim về, cô cũng ghé ngang chợ mua thức ăn về nấu. Kim cũng có chút áy náy khi mình chẳng phải làm dâu nhà ấy ngày nào, nên cũng muốn bù đắp, chứ thật tình không hào hứng về. Nếu gọi là hào hứng thì nơi Kim muốn về là nhà mẹ cách đó không xa, nhưng Kim đã không làm vậy. Cô muốn dành thời gian ít ỏi cuối tuần ấy để về thăm ba mẹ chồng. Cũng là để cho chồng vui.
|
Kim không nghĩ nhà chồng có lối sống khác biệt nhà mình đến vậy (ảnh minh họa) |
Kim nhẩm tính, nếu đưa mẹ chồng 15 triệu đồng mỗi tháng, vợ chồng Kim chỉ còn dư 5 triệu. Với số tiền đó, làm sao đủ khi 1 đứa con ra đời, chứ nói gì đến chuyện mua nhà cửa. Nghĩ đến đó, tự dưng Kim muốn gục ngã.
Cha mẹ ruột của Kim ở quê có nhà cửa, vườn tược rộng. Mẹ Kim trồng rau, cây trái quanh nhà. Vừa đỡ tiền mua rau, vừa đảm bảo an toàn. Mỗi bữa luộc quả trứng gà nhà đẻ, ăn với bầu bí hái trong vườn cũng xong bữa. Gìa rồi, mẹ cũng ít ăn thịt thà vì khó tiêu hóa. Những khoản cần chi tiêu như đám đình, mẹ cũng không làm phiền đến con cháu. Mẹ có khoản phòng thân riêng cho mình. Mà thỉnh thoảng con cái về còn dúi cho ít tiền tiêu vặt, mẹ để dành đó khi cần mới lấy ra xài. Có lần, mẹ còn thủ thỉ với Kim là nếu mẹ giàu có hơn, những đứa con của mẹ cũng không phải lam lũ như bây giờ. Vì vậy mà Kim khá lạ lẫm với cách thức của gia đình bên chồng.
Kim biết Thuận là người chồng, người cha tốt. Nhưng sự việc này cô chưa biết giải quyết sao. Dễ dàng buông tay khi gặp chuyện khó thì không phải tính cách của Kim, nhưng nếu Kim làm theo ý chồng, cứ nghĩ tới công sức vất vả cả tháng, rồi đưa hết cho mẹ chồng thì cô quá ấm ức.
Kim chỉ tự trách mình tại sao không rạch ròi mọi chuyện trước hôn nhân, như vậy có phải không rơi vào cú sốc như bây giờ?
Ban Mai