Lấy chồng mới hiểu vì sao đàn bà sợ tết

21/01/2020 - 05:35

PNO - Mẹ chồng nói thế, cô đành chịu. Cô chỉ buồn là, thời nay người ta vui tết, chứ không còn ăn tết như nhà chồng cô nữa.

Bạn bè tôi, ai cũng than tết cực quá, nhất là khoản dọn nhà, nhà càng to, dọn càng đuối. Tôi lấy làm lạ, sao cứ phải đợi đến tết mới lao vào dọn dẹp, làm như cả năm không dọn hay sao.

Mọi người cho rằng nhà tôi nhỏ, dọn khỏe hơn nhiều, điều đó không sai. Nhưng  nhà to, nhà lớn cũng phải dọn dẹp mỗi ngày, chẳng lẽ đợi tết mới dọn? Có cần thiết tết về phải dọn sao cho thật sạch, không chút tỳ vết? Tại sao ngày thường không làm thế, mà đợi tết tự… đày đọa mình?

Tại sao ngày thường không dọn dẹp, mà đợi tết tự… đày đọa mình? Ảnh minh họa
Tại sao ngày thường không dọn dẹp, mà đợi tết tự… đày đọa mình? Ảnh minh họa

Quan điểm của tôi là, ngày thường phải dọn dẹp, tết có thể dọn kỹ hơn một chút, thì chẳng đến nỗi quá vất vả. Làm gì mà tết phải bỏ ra hai ngày cho khoản dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, nghe ngán tận cổ vậy?

Chị bạn cùng đơn vị tôi than: vừa mới dọn nhà được nửa đường, gồm tầng trệt với lầu một; lầu hai và lầu ba để dành hôm sau. Chị tất bật sắm tết, dọn dẹp, chồng vẫn miệt mài tham gia công tác xã hội, thằng trai lớn thì chúi mũi vào điện thoại, sai gì làm nấy, 18 tuổi mà vô tâm phát nản, lại còn hỗn hào: “Mẹ làm nhà to làm gì cho vất vả ra!”. Giận thằng con, chị bỏ dọn dẹp chạy đi ra quán tìm ly cà phê xả giận.

Gia đình chú tôi lại vất vả theo kiểu khác. Chú bảo, bao đời truyền lại, tết đến là phải tự tay làm bánh trái. Con dâu “nhập gia tùy tục”, phải tuân thủ theo nền nếp, gia phong bên chồng.

Tết về, nhà chú phải có một cây bánh thuẫn to, rồi bánh in, bánh khô, bánh nổ, bánh tổ theo tục lệ. Con dâu chú than: "Nghỉ trước tết có hai ngày, không có thời gian mua sắm, phải lao vào phụ mẹ chồng làm bánh tết tới khuya. Mà mấy cái bánh này chả thấy ngon, người ta bày bán đủ các loại bánh vừa ngon vừa đẹp vừa sang, sao không mua cho khỏe?

Nghe thế, mẹ chồng “bấm nhỏ” con dâu: “Đừng nói to ba nghe là bị rầy, nhà mình cứ tết đến là vậy, làm dâu nhà chồng năm mươi năm, chưa năm nào mẹ thoát cảnh làm bánh. Rồi nem chả, mồi nhậu, phải nhà làm mới được, vừa ngon bổ rẻ, vừa giữ nếp nhà”.

Nàng dâu cho rằng, đồng ý đồ nhà làm vừa rẻ vừa hợp vệ sinh, nhưng ngon thì chưa chắc. Tết vui đâu không thấy, chỉ thấy bị đày đọa bởi tục lệ có phần lỗi thời của gia đình nhà chồng.

Mà khách tới nhà, chẳng ai ngồi đủ lâu để ăn. Thành thử, mấy khoản bánh trái, thức ăn làm ra, sau tết cả nhà tranh thủ ăn kẻo hết hạn sử dụng. Nàng dâu bảo mẹ chồng làm ít lại, nhưng bà bảo “Một năm mới có cái tết, bày biện cho thoải mái để giữ hòa khí trong nhà”. Mẹ chồng nói thế, cô đành chịu. Cô chỉ buồn là, thời nay người ta vui tết, chứ không còn ăn tết như nhà chồng cô nữa.

Thời nay người ta vui tết, chứ không còn ăn tết như nhà chồng cô nữa. Ảnh minh họa
Thời nay người ta vui tết, chứ không còn ăn tết như nhà chồng cô nữa. Ảnh minh họa

Khoản cúng bái còn oải hơn. Mẹ chồng cô kể, cách đây ba năm, bà được chồng “giảm” cho cữ cúng buổi trưa, giờ chỉ cúng ngày hai bữa cơm thôi. Nên sáng ra, nàng dâu phải thức dậy sớm phụ mẹ chồng cúng kiếng. Dù chỉ cúng đơn giản, nhưng cũng phải đúng giờ, phải có cơm, canh, rau, thịt hoặc cá.

Thấy mẹ chồng bận bịu tết nhất, nàng đâu thể bỏ mặc bà mà đi chơi. Chưa kể, xưa nay người ta quan niệm: nhà có dâu, mẹ chồng có nhờ, nghe thôi đã thấy áp lực. Ngày ở với mẹ đẻ, thấy mẹ quá vất vả. Ở với mẹ chồng, thấy bà vất vả hơn bội phần. Từ ngày lấy chồng, cô đã hiểu vì sao đàn bà sợ tết.

                                                                                                                                                                        Mai Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI