Lấy chồng gần

14/08/2014 - 17:05

PNO - PNO - So với mấy anh chị em trong nhà thì chị là người thiệt thòi nhất. Học hết lớp chín chị phải nghỉ học để phụ giúp gia đình.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Một mình chị quán xuyến hết mọi công việc trong nhà, từ nấu nướng, dọn dẹp, làm đồng, hái củi. Chị mới bước sang tuổi 18 mà ai cũng ngỡ chị đã gần chạm ngưỡng ba mươi. Khi đó trong thôn đám con gái lứa tuổi như chị, đứa thì học lên cao, đứa đi lấy chồng. Trên chị còn có một anh trai đang học Đại học, dưới còn có hai em đang lứa tuổi học phổ thông. Có mấy đám thanh niên làng bên “ngấp nghé” thăm dò ý chị nhưng chị vẫn làm lơ. Lâu dần chị không bật “tín hiệu” lại họ cũng nản và đi tìm người con gái khác. Chị bảo đang ít tuổi chưa tính chuyện chồng con.

Thời gian trôi đi càng làm cho chị “xuống sắc”, trông như một quả táo tàu khô. Vô tình soi gương chú ý đến khuôn mặt mình, chị lại tặc lưỡi cho qua. Một vài lần đi chợ hay đi đám cưới gặp chúng bạn tay bồng tay bế con trẻ chị thèm lắm. Nhưng rồi chị lại tự an ủi mình “Chồng con là chuyện cả đời, âu cũng nhờ vào duyên số”. Thanh niên bằng tuổi chị hay nhiều hơn chị một vài tuổi lần lượt đi lấy vợ hết. Bố mẹ chị lo lắng coi chị như “quả bom nổ chậm trong nhà”. Mỗi khi nhắc đến chuyện chồng con, chị lại cười gượng gạo: “Bố mẹ không lo con ế đâu”. Chị vẫn mải mê với công việc, đồng áng, giúp bố mẹ cho đến khi anh trai tốt nghiệp Đại học, hai đứa em đứa cuối cấp, đứa học Đại học năm hai.

Lay chong gan
 

Một hôm bạn chị bảo rằng anh hàng xóm có ý muốn “làm quen” với chị. Chị cũng biết về anh vì nhà chị chỉ cách nhà anh hai cái ngõ. Anh đã qua một đời vợ. Người ta đồn lí do chia tay của anh với vợ là do mâu thẫn mẹ chồng nàng dâu, do nhà anh nghèo, do anh nóng tính… Chị dửng dưng. Khi nghe tin anh hàng xóm có ý tìm hiểu con gái mình bố mẹ chị tỏ ra khó chịu. Dù gì chị cũng là gái chưa chồng, còn anh đã qua một đời vợ. Nếu gả con cho anh, bố mẹ sẽ chịu nhiều lời đàm tiếu, nghĩ gia đình chị thế này thế nọ…Nhưng ngẫm cho cùng, chị cũng đã quá già để tìm được một tấm chồng trai trẻ, còn anh, ngoài chuyện li hôn vợ cũ anh cũng có một số tính tốt như chịu khó làm ăn, cũng ít rượu chè bài bạc.

Chuyện của chị trong mỗi bữa ăn vẫn được cả nhà nhắc tới nhắc lui. Có lần chị giận quá, bỏ bữa. Anh cũng dè dặt, thỉnh thoảng mới qua nhà chị một vài lần. Lần nào nhà chị có việc anh mới hăng hái tham gia. Chị bảo anh đừng đến nữa. Chuyện anh đến tìm hiểu và có ý với chị lan truyền khắp làng trên xóm dưới. Mọi người xì xào “Thôi thì lấy thằng đó cũng được, gần nhà gần cửa”; “Nồi nào úp vung nấy”. Những câu nói khiến chị tủi thân phát khóc. Tính anh thật thà, kể hết mọi chuyện trước kia nên bố mẹ chị thấy yên tâm hơn. Mẹ chị bảo: “Mẹ thấy thằng ấy cũng tốt con ạ, ngoài có một đời vợ thì nó khỏe mạnh, chịu khó…”. Chị nhìn vào mấy cuộc hôn nhân trên báo, đài, có nhiều đôi đến với nhau dù đã qua một đời chồng, đời vợ nếu thực sự cố gắng yêu thương nhau thì cũng hạnh phúc. Bố chị bảo: “Lấy chồng gần nhà, nếu có khó khăn gì thì bố mẹ, anh em đỡ đần chút ít".

Thế rồi chị đồng ý lấy anh. Đám cưới của chị vào một ngày mưa tầm tã. Người ta thấy nụ cười của cô dâu có chút gì đó u buồn.

Lay chong gan
 

Ba tháng sau nghe tin chị có bầu, bố mẹ mừng lắm. Nhiều khi người ta hạnh phúc vì tiếng nói cười của con trẻ. Thế nhưng sự đời ai có lường được trước, chuyện chăn nuôi của anh chị bị thua lỗ nặng, đàn gà gần mấy trăm con chết hết, rồi đàn lợn chuẩn bị bán lại mắc bệnh. Anh là con một trong nhà, hai bên nội ngoại neo người, khó khăn nên anh chị không nhờ vả được ai. Bố mẹ chị có chút tiền cũng chỉ giúp được anh chị trong khoản chi tiêu chừng mực. Ngay đôi bông tai vàng đeo ở tai, đó là món quà quý nhất của chị chị cũng giấu mẹ bán để trả nợ. Sự luẩn quẩn về tiền bạc khiến anh chị to tiếng với nhau. Hằng ngày thấy đàn gà, lợn chết dần chết mòn anh lại hằn học chị những chuyện không đâu. Chị khổ tâm nhưng không nói với ai. Chị không muốn bố mẹ phải lo lắng cho chị nữa. Thời gian này, để cứu vãn lại kinh tế, chị lao vào công việc, chị buôn bán hết chỗ nọ đến chỗ kia. Có ngày mệt quá, chị ở nhà nằm bẹp dí, anh phải nấu ăn nên nhiếc mắng: “Đã đói kém rồi nuôi một người ăn hại trong nhà”. Chị kiềm chế lắm khi nghe được những lời nói như thế của người mà chị gọi là chồng.

Nhiều đêm chị khóc ướt gối mà đâu ai hay. Chị khóc cho số phận hẩm hiu của mình. Và khi cái thai đã sắp được tháng thứ 4 thì bị sẩy. Người chị càng héo mòn. Chị muốn xin về ở với bố mẹ một vài hôm anh cũng không cho. Tính anh nghèo nhưng sĩ, bố mẹ vợ cho tiền cũng không nhận, lại đi vay lãi ở chỗ khác. Mất đứa con chị mất hết niềm tin. Anh lại thêm lí do “chán đời” lao vào lô đề, bài bạc, rượu chè… Những lần mang thai tiếp theo chị lại không giữ được. Người ta nói một lần sẩy bằng bảy lần đẻ” chẳng sai chút nào. Bố mẹ chị xót xa lắm! Người ngoài nhìn vào chị, có người thương hại chị, có người lại ác ý rủa chị “số con đấy không có con”. Bà mẹ chồng đi coi bói khuyên con trai bỏ vợ, rồi chửi chị. Thỉnh thoảng bên nhà chị lại bát đũa lẻng xẻng, mặt mày chị thâm tím do chồng đánh nhưng khi bố mẹ hỏi thì chị lại “không có chuyện gì đâu ạ”.

Một buổi chiều trời mưa, chồng chị có lẽ đi đánh bạc, chị nhìn ra phía ngoài cửa sổ lạnh, màn mưa phủ trắng xóa, chị thở dài, nước mắt lại rơi.
 

QUYỀN VĂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI