Lấy chồng đi chị

30/04/2016 - 06:48

PNO - Bốn năm anh vắng đi trong cuộc đời, không ai có thể đong đếm chị đã đau khổ mòn mỏi thế nào, chỉ thấy tóc chị không còn dài nữa...

Chị ghé qua tiệm tóc, nhắn: “Trưa nay mấy đứa nghỉ tay qua nhà ăn cơm với chị nhé”. Nhân viên tiệm tóc mừng rỡ đồng ý ngay. Hẻm nhỏ nên các chị em gái đều quen mặt nhau, chỉ cần đi gội đầu, làm móng vài lần là coi như thân thiết. Chị tuổi 36. Bốn năm qua, đã nhiều lần chị mời cơm như thế. Ăn với chị cho vui. Có những ngày đứa con trai nhỏ đi học, chị cứ lủi thủi làm cơm từ sáng tới trưa. Mâm cơm cúng anh - chồng chị đã mất vì căn bệnh ung thư gan từ bốn năm trước - ăn một mình buồn quá.

Nước mắt của chị đã chảy suốt những năm tháng ba mươi tuổi. Xuân sắc còn đó, đường dài còn đó mà những mong ước hạnh phúc đã buông rơi, bỏ ngỏ. Bốn năm, đứa con trai gần ba tuổi trong vòng tay lả đi của mẹ năm nào bây giờ đã vào lớp 1. Bé không cảm nhận được nỗi đau như người lớn, còn chị dang đôi tay mình như gà mẹ che chắn bảo vệ cho con. Bé sống hồn nhiên như mọi đứa trẻ, ai hỏi thì biết rằng ba mất sớm vì bệnh. Còn chị, đã sống như một thân cây sau bão chỉ còn đứa con là điểm tựa.

Bao nhiêu năm tháng đếm ngày anh đi, là bấy nhiêu ngày chị vò võ một mình, dậy sớm đi chợ nấu đồ ăn sáng, đưa con đến trường, đi làm rồi lại về nhà. Chị trở thành nỗi thương cảm cho người cùng hẻm. “Tội con nhỏ, còn trẻ…”. Sau mỗi câu nói là tiếng thở dài, đời cũng chỉ có thể thương cảm chứ biết cách gì hơn. Nhiều người bảo chị hay là coi ai đó thương mình, thương thằng nhỏ thì đi thêm bước nữa. Chị chỉ cười rồi lại lặng lẽ.

Lay chong di chi
Ảnh mang tính minh họa

Bốn năm anh vắng đi trong cuộc đời, không ai có thể đong đếm chị đã đau khổ mòn mỏi thế nào, chỉ thấy tóc chị không còn dài nữa, khuôn mặt buồn diệu vợi. Chị chỉ cười thật tươi khi giao tiếp với ai đó. Như thể đôi vai chị đang gồng lên gánh trọn mọi cảm xúc u uất trong lòng, giấu đi những nỗi niềm cứ chực hoen mi để mà còn cho mình bản lĩnh sống, vì con. Tôi nhìn dáng đi tất tả mà mong manh của chị, thấy người phụ nữ này sao như một cái cây trong từng năm tháng phải gồng vai lên chịu đựng cơn bão của chính mình.

Thời gian là liều thuốc trị liệu những vết thương tinh thần, nhưng dài hay ngắn không ai biết. Không định lượng được những gì người khác phải mang vác, tôi chỉ biết nghiêng lòng mình cho những lần sẻ chia. Như là cách trao tặng một đóa hoa vô thường trước những nỗi đau im lặng trong cuộc đời của một con người. Sự thật thì trong mọi hoàn cảnh, chia sẻ và lắng nghe nhau luôn là điều quý giá nhất.

Tôi nhìn đứa con trai dễ thương, lễ phép của chị, nhắm mắt hình dung ra thêm vài mươi năm sau nữa, sẽ ra sao ngày con trai trưởng thành, đi lấy vợ và sống với mái ấm nhỏ bé của mình… Tôi đã từng nhìn thấy điều này trong đoạn đời của chị tôi. Chị cũng từng không chọn đi bước nữa khi ly hôn với người chồng cờ bạc. Chị dắt con gái nhỏ về cánh đồng tần tảo nuôi con bằng những ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Cái khổ cái nghèo khiến tuổi xuân của chị trôi nhanh như những mùa gió thổi qua khóm trúc ngoài ao làng. Ngày ấy, con gái chị cũng còn rất bé.

Vậy mà bây giờ cháu đã đến tuổi lấy chồng. Tôi nhìn thấy nỗi cô độc của chị tôi trong ngôi nhà nhỏ giữa cánh đồng, từ những ngày con gái đi học đại học. Một vòng quay đằng đẵng suốt mười mấy ngàn ngày vò võ, chị nghĩ gì trong những đêm quạnh hiu, nào ai hiểu thấu. Để đến bây giờ…

Đã từng có lúc tôi hỏi nhiều người rằng nếu được làm lại có chọn cách đi thêm bước nữa? Câu trả lời thường là cái lắc đầu và một nụ cười buồn. Cũng có rất nhiều người, sau những đổ vỡ đã tìm thấy bến đỗ mới, hạnh phúc chắt chiu trong những cuộc tạo dựng muộn màng. Nhưng từ chối một bước đi, lý do chung nhất là vì con. Sợ người đến sau không đủ yêu thương, sợ cảnh con chung con riêng, sợ những hờn tủi của con nhỏ… mà không sợ mình cô đơn thăm thẳm trong tuổi già bóng xế.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI