Lau nước mắt với các nhân vật nữ trong phim tết

26/02/2024 - 15:45

PNO - Có một trùng hợp ngẫu nhiên khi 6 phim Việt mùa tết đều để lại dư vị xót xa về số phận long đong, tình duyên trắc trở của những nhân vật nữ chính.

“Mình à, sao đôi ta lại chẳng xuất phát đi chung một chuyến ga đời”. Câu hát Phan Mạnh Quỳnh cất lên cùng với hình ảnh nhân vật Mai khóc và rời đi trên chiếc ô tô ở cảnh cuối phim Mai bóp nghẹn trái tim người xem trong những ngày qua.

Hiếm nữ chính nào trong phim tết có cuộc đời tận cùng bi kịch như Mai. Lúc nhỏ bị cha lừa bán, mang thai, sinh con ngoài ý muốn. Lớn lên một mình bươn chải vừa kiếm tiền nuôi con vừa trả nợ hết lần này đến lần khác cho người cha mê cờ bạc. Đi làm bị đồng nghiệp ganh ghét, về nhà bị hàng xóm đàm tiếu. Đến khi gần 40 tuổi, tìm được tình yêu thì gặp phải rào cản quá khứ, gia thế. Tất cả những bất hạnh đổ dồn lên cuộc đời Mai từ đầu đến cuối khiến người xem rời rạp vẫn vấn vương, xót thương cho nhân vật.

Không chỉ với Mai, có một trùng hợp ngẫu nhiên khi 6 phim Việt mùa tết đều để lại dư vị xót xa về số phận long đong, tình duyên trắc trở của những nhân vật nữ chính.

Nhân vật Mai trong phim Mai (ảnh trên) và Huyền trong Gặp lại chị bầu (ảnh dưới) đều có cái kết không trọn vẹn để lại nhiều day dứt cho người xem
Nhân vật Mai trong phim Mai (ảnh trên) và Huyền trong Gặp lại chị bầu (ảnh dưới) đều có cái kết không trọn vẹn để lại nhiều day dứt cho người xem

Huyền trong phim Gặp lại chị bầu cũng có số phận bi đát không kém Mai. Huyền mồ côi, sống cùng mẹ nuôi. Khi mang thai ngoài ý muốn, cô quyết giữ lại cái thai, bỏ qua cơ hội chữa trị căn bệnh hiểm nghèo lupus ban đỏ. Hành trình mang thai, sinh con được nhân vật đánh đổi bằng cả sự nghiệp và tính mạng.

Chọn lựa quên đi bản thân vì những người thân yêu cũng là cách làm của cô đào Kiều Trúc Linh - nữ chính phim Sáng đèn. Kiều Trúc Linh có tình yêu đẹp với kép chính Cảnh Thanh trong đoàn hát Viễn Phương, nhưng để có tiền cứu đoàn hát khỏi tan rã, cô chấp nhận bán mình, chia tay người yêu và biệt tích suốt thời gian dài vì mặc cảm, tủi nhục. Cảnh Kiều Trúc Linh gặp lại Cảnh Thanh ở bến sông sau nhiều năm xa cách làm người xem ứa nước mắt trước nỗi lòng của người con gái vì cái chung mà hy sinh cả tuổi thanh xuân, sự nghiệp, danh tiếng. 

Trong phim Trà, tuy nữ chính Chích là người thứ ba - một vai trò không đáng được cảm thông - nhưng hoàn cảnh nhân vật cũng lắm nỗi niềm: nghèo khó, ít học, làm tiếp viên bia ôm. Tưởng đã tìm được “bến đỗ” nhưng không ngờ trở thành “người thứ ba”. Phút cuối, cô phải chứng kiến người tình chết bất đắc kỳ tử.

Trailer phim Mai:

 

Với 2 nhân vật nữ trong phim lịch sử Đào, phở và piano, Hồng Hà nữ sĩ, bi kịch của họ chịu tác động bởi bối cảnh xã hội. Tình yêu tuyệt đẹp của cô tiểu thư Hà thành mê chơi piano Hương trong Đào, phở và piano bị chiến tranh dập tắt. Sau một đêm ngắn ngủi tận hưởng hạnh phúc vợ chồng, họ chia ly mãi mãi. Cô ôm bom 3 càng lao vào tử chiến với địch để trả thù cho chồng. Hình ảnh những mảnh vải trắng từ chiếc áo dài cô mặc bị xé toạc, rơi lả tả trong không trung ở cảnh cuối phim gợi nhiều cảm xúc cho người xem về lòng yêu nước quên thân của những người con đất Hà thành. 

Xoáy vào trọng tâm là các nhân vật nữ, đem đến nhiều nước mắt hơn nụ cười, phim tết năm nay cho thấy một sự khác biệt. Nhưng có lẽ sự khác biệt này không nên được khuyến khích bởi người xem cần những góc nhìn mới hơn về người phụ nữ thay vì cứ khơi gợi sự thương cảm bằng cách bắt nhân vật phải chịu đựng, hy sinh. 

Hương Nhu 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI