Lâu đài tuổi thơ

18/07/2024 - 18:56

PNO - Lúc nhỏ, như bao đứa trẻ khác, tôi chẳng biết và cũng không quan tâm cái thủy đài ấy là gì, chỉ biết đó là tòa lâu đài riêng của chúng tôi.

Ba tôi là một nhân viên công tác trong ngành cấp nước hơn 30 năm. Ngày tôi còn nhỏ, mỗi khi nghỉ hè tôi thường được theo ba vào đơn vị công tác tung tăng chơi đùa ở khoảnh sân sau, nơi có một cái thủy đài trong mắt của chúng tôi là 1 công trình khổng lồ.

Với lối kiến trúc Pháp đặc trưng, hàng loạt những khung cửa chính, cửa sổ, lỗ thông gió bao quanh mà chúng tôi đều gọi cái thủy đài ấy là tòa lâu đài.

Chúng tôi chơi trốn tìm trong những ô cửa to nhỏ ấy, tổ chức mua bán xung quanh cái thủy đài ấy với tiền trao đổi là những cái lá cây hái gần đó.

Cứ thế, cái thủy đài ấy nhìn tôi lớn dần lên, từ khi còn là đứa trẻ mới biết đi, đến khi tôi thành thiếu nữ, và bây giờ là nơi tôi đến để làm việc mỗi ngày.

1/ Thủy đài trên đường Hoàng Diệu (quận 4, TPHCM) nhìn từ hướng sông Sài Gòn - ẢNH: NGUYỄN NGỌC KHẢI.
Thủy đài trên đường Hoàng Diệu (quận 4, TPHCM) nhìn từ hướng sông Sài Gòn - Ảnh: Nguyễn Ngọc Khải

Lúc nhỏ, như bao đứa trẻ khác, tôi chẳng biết và cũng không quan tâm cái thủy đài ấy là gì, chỉ biết đó là tòa lâu đài riêng của chúng tôi. Nhưng có một điều làm tôi nhớ mãi là nếu ai hỏi ba tôi làm ở đâu, tôi mạnh dạn chỉ về hướng cái tòa lâu đài ấy. Sau này lớn lên, khi cái bồn nước đã quen thuộc với tôi mỗi ngày, lúc này tôi đã biết tên gọi theo sách vở là thủy đài, những đứa trẻ cùng chơi trốn tìm, chơi đồ hang với tôi năm đó có người đã trở thành đồng nghiệp của tôi.

Tôi dần có khái niệm về hệ thống cấp nước, về quy trình xử lý từ nước sông trở thành nước sạch, mang lại sự sống cho mọi người. Tôi càng có thêm tình cảm với cái thủy đài thân thương này. Đây là một công trình được xây dựng vào năm 1886 với hình oval, cao khoảng 25m, sức chứa khoảng 1.500m3.

Là thủy đài xưa nhất của Sài Gòn được đặt trong khuôn viên Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - TNHH Một Thành Viên (SAWACO) được xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp thành phố vào năm 2016 và là biểu tượng gắn liền với sự ra đời, phát triển của ngành cấp nước TPHCM.

Chức năng của thủy đài ngày xưa là bồn chứa dự trữ nước, phục vụ nhu cầu cao điểm cho người dân Sài Gòn lúc bấy giờ. Ban đêm, khi áp lực nước mạnh, nước sẽ tự chảy vào các đài nước, trữ lại ở đó. Khi áp lực nước trên mạng lưới yếu, các thủy đài sẽ được mở van để bơm nước vào mạng lưới cấp nước. Ngoài cái thủy đài lịch sử này thì còn có 7 cái thủy đài hình nấm có tuổi đời nhỏ hơn với kết cấu bê tông cốt thép nằm rải rác khắp nơi trong TPHCM có dung tích từ 1.200m3 đến 8.500m3 với mục đích cân bằng áp lực nước khu vực đầu nguồn nhà máy nước Thủ Đức với những nơi khác. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong thì các thủy đài không được đưa vào vận hành cho đến nay do có hiện tượng rò rỉ. Công tác khắc phục được kéo dài đến năm 1975 vẫn chưa được hoàn thành.

2/ Thủy đài cổ nhất ở TPHCM (xây dựng năm 1886) hiện tại nằm trong khuôn viên Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) - ẢNH: PHÙNG HUY
Thủy đài cổ nhất ở TPHCM (xây dựng năm 1886) hiện tại nằm trong khuôn viên Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) - Ảnh: Phùng Huy

Theo định hướng quy hoạch của thành phố thì các thủy đài hình nấm sẽ được tháo dỡ hoặc chuyển đổi công năng. Chỉ giữ lại thủy đài cổ có tuổi đời gần 140 năm để làm bảo tàng ngành nước - nơi mà người dân thành phố sẽ tìm hiểu được sự hình thành và phát triển của ngành nước TPHCM qua nhiều giai đoạn. Là nơi trưng bày hiện vật, hình ảnh của ngành cấp nước từ thời Pháp thuộc đến nay được SAWACO lưu giữ một cách cẩn thận.

Ngày nay, xung quanh thủy đài cổ xưa đang nằm trong khuôn viên SAWACO còn có những chiếc van, vòi lấy nước mà người Pháp gọi là Fontane publique cũng đã được tái hiện với chất liệu và kích thước như thật, đủ để con tôi – một thế hệ tiếp theo hiểu được quy trình cơ bản của việc sản xuất, vận hành dòng nước sạch, tầm quan trọng vô cùng cần thiết của nước sạch đối với sự sống.

Tôi tin không chỉ riêng tôi, mà còn với những người dân khác đang sống ở thành phố sẽ cảm thấy rất quen thuộc với những hình ảnh chiếc thủy đài xưa, là nét riêng của TPHCM giữa những tòa nhà chọc trời, là nơi chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, sự phát triển của TPHCM đầy năng động.

Các phẩm dự thi cuộc thi viết với chủ đề “Vẻ đẹp của nước” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Vẻ đẹp của nước” hoặc gửi qua email: toasoan@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Vẻ đẹp của nước”.

Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Nhất trị giá 10 triệu đồng.
- 1 giải Nhì trị giá 6 triệu đồng.
- 2 giải Ba, mỗi giải trị giá 4 triệu đồng.
- 8 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng.
Lưu ý: Người nhận giải sẽ chịu các loại thuế, phí liên quan theo quy định hiện hành.

Thủy Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI