Lâu chừ có chi vui không?

29/02/2020 - 05:32

PNO - Biết tha thứ cho chính mình, cho phép mình buồn, cho phép mình sai, đôi khi là cách vượt qua cơn rối rắm nào đó.


Bạn cười tươi rói, níu tay đồng nghiệp cũ rồi tíu tít hỏi han: “Lâu nay có chi vui không chị?”. Người được hỏi chững lại vài giây, bởi lời kia ngay lúc này không đơn giản chỉ là lời chào. Cách bạn quan tâm và để ý từng chút một với người đối diện, lời lẽ như một chiếc phao để người ta níu lấy mà trút hết tâm tư trong lòng. 

Bạn quan tâm chú ý từng chút tới người đối diện. Ảnh minh hoạ
Bạn quan tâm chú ý từng chút tới người đối diện. Ảnh minh hoạ

Bạn bảo, câu đó học từ bà nội. Hồi nội còn, thân quen xa lạ chi, cứ thấy mặt là nội níu tay người ta rồi ân cần hỏi dạo ni có chi vui không? Câu đó với đứa cháu xa nhà là những chuyện bất tận về thành phố, nơi người ta ít hỏi thăm nhau. Dì hàng xóm góa chồng thì thở dài cho số phận, bảo đâu có chi vui, cứ một màu buồn bã êm đềm trôi từng ngày. Người bạn già lâu lâu chống gậy ghé qua chỉ vào phần lưng bữa nay có bớt đau nhức. Nội cười móm mém, gật gù lắng nghe, rồi cười nói như thể chuyện vui buồn kia nặng nhẹ bao nhiêu cũng chẳng đáng gì. 

Tâm trạng tồi tệ không phải đến từ buổi chiều nhiều mưa, bạn dắt xe ra khỏi chỗ làm rồi mắc kẹt trong mớ hỗn độn của thành phố. Hay ngày đầy nắng, chen chân đi chợ mướt mồ hôi, về nhà thấy anh chồng nằm khềnh quạt mát mà chưa cắm cơm, rửa bát giùm. Li ti từng chút một rồi như giọt nước tràn ly, bạn thấy lựa chọn của mình ngay lúc đó là sai, rồi giá như ngày xưa năm đó mình đừng chọn vậy. Mớ suy nghĩ tiêu cực len lỏi vào ngóc ngách tâm can, ngó người từng thương nay chỉ thấy ghét, thấy giấc mơ từng khao khát nay chỉ toàn áp lực. Bạn làm bài test về trầm cảm rồi hốt hoảng nhận ra mình đang ngấp nghé ở cấp độ nào. 

Thực tình, ai trong đời cũng trải qua những lần tuyệt vọng, vào một hoặc vài thời điểm nào đó. Giữa lúc người đời ham sống ảo, chăm chú nhìn ngó hơn trò chuyện và lắng nghe, thì cơn trầm cảm càng dễ dàng tìm đến. Bạn từng nói mình hay quá, nếu là bạn có lẽ bạn không vượt qua được. Mấy lần tưởng chừng dâu bể trầm luân ấy, đã qua rồi ngó lại thấy nhẹ như chưa từng. Biết tha thứ cho chính mình, cho phép mình buồn, cho phép mình sai, đôi khi là cách vượt qua cơn rối rắm nào đó. Lắm người loay hoay, không cách chi lội qua được nên sớm ra tối về lại đau lòng nghe tin người này người kia tự tìm đến cái chết. Việc chết ấy trở thành đề tài để xã hội khát thông tin này bàn luận. 

 Ai cũng nói chết thì dễ ợt, sống mới khó. Buông lời trách người ta có can đảm để chết nhưng không có ý chí để sống này nọ thì dễ, nhưng gặp lúc người ta chông chênh như vậy, bạn có làm gì giúp họ không? Ai chẳng mong đời mình bình yên, vui vẻ sớm tối, không áp lực, không cãi cọ, không lo toan, không mơ hồ. Nhiều khi chỉ ước có chiếc phao nào với tới mình, chớ mình cũng chán đến nỗi không đưa tay ra nắm níu một chiếc phao đầy rẫy ra đó. Chiếc phao có thể là cái ôm thắm thiết của người thương hay tiếng cười tíu tít của trẻ nít, tiếng ho hen của người già bên xóm, tiếng gà lục cục buổi sớm, tiếng xôn xao xa lạ đâu đó ngoài đường... chừng đó thôi cũng đủ sức níu người ta cố - gắng - ở - lại. Hay nhiều khi, đơn giản và gần gũi như câu thăm hỏi: “Nè, dạo này có chi vui không?”. 

Chị bảo nhiều lúc chị chán muốn chết, tuyệt vọng muốn chết, nhưng nghĩ chết cách nào cũng đau nên thôi. Ờ, đó cũng là một may mắn khi sở hữu nỗi sợ hãi lớn hơn tuyệt vọng. Đứng trước ranh giới cầm dao rạch vào cổ tay hay giây phút tự mình treo sợi dây lên chỗ nào đó trên xà nhà, hoặc buổi chần chừ trông nước mênh mông phía cầu nhìn xuống, có chắc người đã - sẽ - đi đó không sợ hãi? Hẳn là rất sợ nhưng họ nghĩ qua nỗi sợ này là xong, là cuối cùng, là sẽ chẳng phải chịu đựng điều gì nữa. Mọi ham thú trong cuộc đời không ý nghĩa gì, đâu ai cần, đâu lý do chi để tiếp tục. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những đè nặng lên tâm trí nếu hít thở và thức giấc thêm từng ngày có thể là điều tiếng, là dằn hắt của người lạ người quen, là áp lực về tiền bạc, là phản bội của người thương, hay những thứ tầm thường quá đỗi khác, nhưng vô tình dồn ứ lại thành ra quá sức chịu đựng. Người ta có thể tuyệt vọng và trầm cảm bởi nhiều lý do. Đặc biệt, kiểu người lo nghĩ nhiều như tụi mình là dễ ưu tư nhất, dễ buông lơi, tuyệt vọng nhất.

Lắm người am hiểu rộng, tận tường giúp người khác vượt qua cảm xúc tiêu cực, nhưng đến lượt mình thì lại loay hoay. Người ngoài nghĩ mình đủ đầy sung sướng mà còn bày đặt này nọ, trong khi bao người cực khổ gấp tỷ lần mà vẫn gắng sống đó thôi. Nói cho cùng, vùng vẫy trong mớ bòng bong đó, cái người ta cần duy nhất là sự sẻ chia chứ không phải than trách và so sánh. 

Vậy nên là người thương, là bạn bè thân sơ hay xa lạ, lâu ngày không gặp hay vừa mới gặp đây, mình thử hỏi nhau có chi vui không để nghe người kia bắt đầu bằng hồ hởi hay thất vọng, bằng nụ cười gượng gạo hay bình thản yên ắng. Nhớ hỏi bằng tha thiết lắng nghe vỗ về chứ không phải tò mò tọc mạch. Ranh giới này, coi vậy chứ cũng gần gũi và dễ nhầm lẫn lắm.

 Bạn à, lâu chừ có chi vui không? 

Diệu Ái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI