Nhắc đến sự vĩ đại của điện ảnh Nhật Bản, nhiều người nghĩ ngay đến 2 tượng đài: đạo diễn Akira Kurosawa và Yasujirō Ozu. Mỗi người đều là những nhân vật kiệt xuất, mang đến tầm nhìn riêng biệt, có ảnh hưởng sâu sắc đến nghệ thuật làm phim. Trong khi Kurosawa nổi tiếng với lối kể chuyện năng động, kịch tính, Ozu thường được ca ngợi là đạo diễn “Nhật Bản” nhất trong số tất cả đạo diễn. Ông được ngợi ca vì cách tiếp cận tối giản và sự đồng cảm sâu sắc với cuộc sống đời thường.
|
Nhan sắc của Setsuko Hara trong vai Noriko |
Late Spring (tên tiếng Việt: Mùa xuân muộn, 1949) thuộc hàng những tác phẩm xuất sắc nhất, đại diện cho phong cách của Ozu. Bằng tài năng, nhà làm phim đã truyền tải một câu chuyện đậm chất nhân văn về hoàn cảnh của 2 cha con giữa Nhật Bản thời hậu chiến. Tác phẩm cũng đào sâu vào các mối quan hệ gia đình, kỳ vọng xã hội và diễn tiến không thể tránh khỏi của con người trong dòng thời gian.
Từ câu chuyện 2 cha con
Câu chuyện xoay quanh Noriko (Setsuko Hara) - một phụ nữ 27 tuổi sống với người cha góa bụa, giáo sư Shukichi Somiya (Chishū Ryū). Dù đã đến tuổi kết hôn, Noriko vẫn hài lòng với cuộc sống của mình, hết lòng chăm sóc cha và quản lý gia đình. Tuy nhiên, những người xung quanh Noriko đều khuyên cô kết hôn. Lo lắng cho tương lai của Noriko, cha cô cũng khuyến khích cô kết hôn dù điều đó đồng nghĩa với việc ông mất đi người chăm sóc mình.
Xuyên suốt bộ phim, Noriko đấu tranh với ý định rời bỏ cha mình và bắt đầu một cuộc sống mới. Cô gái đương tuổi trẻ trung bị giằng xé giữa ý thức trách nhiệm, kỳ vọng xã hội và tình yêu dành cho cha mình. Shukichi cũng năm lần bảy lượt nghĩ cách để thuyết phục con gái.
|
Cảnh cuối phim để lại nhiều cảm xúc |
Nhân vật cô con gái Noriko là trung tâm trong việc thể hiện các đề tài về nghĩa vụ và tình cha con. Một chủ đề lặp lại xuyên suốt phim là sự căng thẳng giữa mong muốn cá nhân và kỳ vọng của xã hội. Noriko là hiện thân của cái gạch nối giữa truyền thống và hiện đại, cũng là điểm tựa cảm xúc giúp câu chuyện mở ra. Thông qua cô, chúng ta dần khám phá những cung bậc phức tạp của mối quan hệ cha mẹ - con cái cũng như bối cảnh văn hóa rộng lớn của Nhật Bản thời hậu chiến.
Đạo diễn Ozu xây dựng nhân vật này như hiện thân của lòng hiếu thảo và tận tụy. Noriko đáng yêu, luôn chăm sóc cha và lễ phép với người khác. Sự tận tâm đó phản ánh các giá trị truyền thống của Nhật Bản, vốn đề cao lòng hiếu thảo và kính trọng bề trên.
Tuy nhiên, xã hội - thể hiện qua những người xung quanh - lại kỳ vọng cô kết hôn và dọn ra riêng. Điều này tạo ra xung đột nội tâm chủ yếu của Noriko - người hoàn toàn cảm thấy hạnh phúc khi sống cùng cha. Late Spring có nhịp chậm và nhiều cảnh quay nên thơ. Nhưng giữa sự yên bình đó, chúng ta vẫn cảm thấy sự xung đột trong suy nghĩ của Noriko - luôn chao đảo như con thuyền giữa những cơn sóng.
Cũng qua Noriko, Ozu muốn nhấn mạnh việc thế hệ trẻ bị mắc kẹt giữa sự hiện đại và những kỳ vọng truyền thống. Lúc đầu, suy nghĩ của Noriko phản ánh một quan điểm hiện đại hơn nhưng về sau, việc cô chấp nhận kết hôn lại nhấn mạnh ảnh hưởng lớn của truyền thống và các chuẩn mực xã hội. Khi đồng ý kết hôn, Noriko hoàn thành nghĩa vụ xã hội của mình, đồng thời cũng thỏa mãn những kỳ vọng văn hóa đặt lên phụ nữ trong thời đại đó.
|
Cảnh 2 cha con xem kịch Noh |
Người già thâm trầm
Bên cạnh thế hệ trẻ như Noriko, người già cũng đóng vai trò quan trọng trong bộ phim, đặc biệt ở các chủ đề về tình thương, đấu tranh nội tâm và sự thay đổi. Shukichi được mô tả là một người cha đầy yêu thương và thân thiết với con gái. Mối quan hệ của họ đầy sự tôn trọng và thấu hiểu, cũng là nền tảng của bộ phim và làm nổi bật sự ấm áp của tình cảm gia đình.
Nhân vật Shukichi là hiện thân của sự khôn ngoan và thấu suốt của thế hệ đi trước. Ông sớm nhận ra sự cần thiết của việc con gái bước tiếp trong cuộc sống. Việc Shukichi khuyến khích Noriko kết hôn làm nổi bật lòng vị tha mang tính kiểu mẫu ở những cha mẹ Nhật Bản.
Hành động đó hướng nhiều hơn đến hạnh phúc của Noriko chứ không phải chỉ là “làm theo” áp lực truyền thống. Bất chấp sự phụ thuộc vào Noriko và sự thoải mái mà con gái mang lại, Shukichi nhận ra hạnh phúc trong tương lai của cô quan trọng hơn nhu cầu của bản thân ông. Nhiều khán giả có thể sẽ rơi nước mắt ở đoạn cuối phim, khi Shukichi tiết lộ ý định thật sự, sau đó một mình ngồi lặng ngắm dòng thời gian trôi.
Thông qua Shukichi, Ozu cũng trình hiện thế giới quan của ông cùng những chiêm nghiệm về cuộc đời. Trong những khoảnh khắc nội tâm lặng lẽ và những cuộc đối thoại mà Shukichi chia sẻ với các nhân vật khác, bộ phim gợi ra suy nghĩ về sự vĩnh hằng, về dòng thời gian, về những thay đổi không thể tránh khỏi cũng như sự bình an của con người trước chúng.
Trailer phim Late Spring:
Kiệt tác điện ảnh
Màn hóa thân của Chishū Ryū trong vai Shukichi nổi bật nhờ sự chừng mực và kiềm chế. Ông truyền tải những cảm xúc sâu sắc chỉ bằng nét mặt tinh tế và ngôn ngữ cơ thể tối giản. Shukichi mang vẻ ngoài điềm tĩnh nhưng bên dưới sự tĩnh lặng ấy lại là những đấu tranh nội tâm và hy sinh đáng nể phục. Diễn xuất của Ryū đặc biệt xuất thần trong cảnh Shukichi khuyến khích Noriko kết hôn, bất chấp cảm giác mất mát của chính mình.
Vai diễn Noriko của Setsuko Hara cũng được ca ngợi vì pha trộn giữa chiều sâu cảm xúc và lối bộc lộ chừng mực đậm chất Nhật Bản. Cô thể hiện nhân vật bằng những biểu cảm và cử chỉ nhẹ nhàng nhưng vẫn đủ tinh tế để khán giả thấy biến chuyển tâm lý của nhân vật, từ sự hài lòng và tận tâm với cha mình đến miễn cưỡng và cuối cùng là chấp nhận kết hôn.
Sự tương tác của Setsuko Hara và Chishū Ryū đầy ăn ý, khiến khán giả tin vào tình cảm cha con của họ. Một trong những cảnh đáng nhớ nhất phim là khi 2 cha con cùng đi xem buổi biểu diễn kịch Noh - một hình thức sân khấu truyền thống của Nhật. Những chuyển động chậm rãi và có tính cách điệu cao của kịch Noh cộng hưởng với các chủ đề của phim về sự vô thường và dòng chảy thời gian.
|
Mối quan hệ giữa 2 cha con là tâm điểm của phim |
Không chỉ tôn vinh di sản văn hóa, cảnh này còn làm nổi bật mối quan hệ giữa cha và con gái. Điều tuyệt vời là Ozu đã truyền tải nó mà không cần câu thoại nào. Chỉ bằng biểu cảm gương mặt, 2 nhân vật vừa thể hiện mối quan hệ thân thiết giữa họ vừa bộc lộ ngầm sự u sầu với những sự thay đổi sắp xảy ra. Khi nét mặt của Noriko thay đổi, chỉ trong thoáng chốc, ta có thể thấy cả sự buồn bã pha trộn chút ganh tị và khó chịu trong cô. Trong khi đó, Shukichi vẫn điềm tĩnh và cảm xúc của ông hiện lên tinh tế.
Ngoài Shukichi, các nhân vật lớn tuổi khác trong phim cũng giúp khán giả thêm hiểu về văn hóa lâu đời của nước Nhật. Họ đã trải qua những thay đổi xã hội quan trọng và đại diện cho cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Những người lớn tuổi vừa củng cố những kỳ vọng xã hội lên giới trẻ, truyền lại ngọn lửa của truyền thống nhưng cũng phần nào đó phóng chiếu quan điểm có phần áp đặt. Trong Late Spring, không có đúng hoặc sai tuyệt đối trong quan điểm sống, mà Ozu chỉ muốn mô tả cuộc đời như nó vốn thế.
Late Spring tiêu biểu cho phong cách điện ảnh của Ozu, với nhịp độ thanh thản, vị trí máy quay tĩnh và bố cục tỉ mỉ. Đạo diễn cũng tận dụng nhiều cảnh quay trong đó camera được đặt ở độ cao thấp, tạo ra góc nhìn thân mật với nhân vật. Phong cách nhẹ nhàng, trầm ngâm của ông giúp bộ phim vượt khỏi ranh giới Nhật Bản, trở thành kiệt tác của điện ảnh thế giới. Dẫn dắt người xem vào hành trình cảm xúc của 2 cha con, tác phẩm để lại dư vị ngọt, đắng, cũng như sự thâm trầm của những câu chuyện đời thường.
Ân Nguyễn
Nguồn ảnh: Internet