Sau vài động tác rờ rẫm, ông phán: “Đây là đốt sống N4 vì nó ngang với xương hông(?), còn đây là đốt N3 vì nó ngang với rốn (?). Cậu bị thoát vị đĩa đệm hai đốt sống đó, rồi nó chạy xuống chân, chèn dây thần kinh cơ khiến chân bị đau. Yên tâm đi, đắp thuốc này vô, sau ba ngày là đỡ đau, sau hai tháng, đĩa đệm bị thoái hóa sẽ được tái tạo ngon lành, hết bệnh!”.
Miệng nói, tay quậy thuốc, chỉ khoảng 10 phút, “thầy” Ngư đã kết thúc việc khám và bó túi thuốc nhỏ lên lưng bệnh nhân (BN), đồng thời phát thêm hai bịch thuốc bột để uống và thu 340.000đ. Hầu hết BN lấy thuốc dùng trong một - hai tháng (1,2 - 2,4 triệu đồng). Trong chừng 50 phút, “thầy” Ngư chữa cho sáu BN. Với tốc độ đó, ông bỏ túi hơn 10 triệu đồng/ngày chỉ với một ít thuốc bột không rõ nguồn gốc.
Dò bệnh cột sống bằng... tay
Từ sáng sớm, căn nhà ở địa chỉ số 127/32 Nguyễn Tư Giản, P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM đã tấp nập người ra vào. Những người đến đây hầu hết đều mắc các chứng bệnh liên quan đến cột sống. Căn nhà trên là điểm khám bệnh của “thần y” Trần Văn Cường. Thời gian gần đây, điểm chữa bệnh của ông Cường “nổi như cồn” trên các trang mạng xã hội với những tuyên bố rất hùng hồn về khả năng chữa các bệnh liên quan đến cột sống như: thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, thần kinh tọa, thậm chí... bị liệt.
9 giờ sáng ngày 25/3, trong nhà “thần y” Cường có gần 10 BN ngồi vật vờ ở phòng khách chờ đến lượt được chữa bệnh. Vào thời điểm này, ông Cường không có mặt ở nhà, người phụ trách việc khám chữa bệnh là ông Lê Văn Ngư (khoảng ngoài 50 tuổi). Nơi khám bệnh của “thầy” Ngư là chiếc ghế salon gỗ đặt giữa phòng khách, hàng chục BN xếp ghế ngồi vây quanh để chờ khám.
Khi chúng tôi có mặt, “thầy” Ngư đang khám bệnh, bốc thuốc cho chị Nguyễn Thị T. Đ. (42 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM). Chị Đ. khai bệnh với “thầy” Ngư rằng, bị đau cột sống hơn một năm nay, đã chạy chữa bằng nhiều phương pháp đông y lẫn tây y nhưng không hiệu quả; gần đây, vô tình đọc được quảng cáo về tài năng chữa bệnh của “thần y” Cường trên facebook nên chị đã tìm đến khám bệnh.
BN vừa dứt lời, “thầy” Ngư khẳng định chắc nịch: “Bao nhiêu người đều giống như chị, chạy tứ phương rồi mới đến chỗ tôi. Mấy cái bệnh liên quan đến cột sống này, tây y chả làm được gì đâu. Đến đây rồi xem như may mắn, tôi khám bệnh, cho bài thuốc gia truyền thì bảo đảm dùng một lần có hiệu quả liền, trong hai tháng sẽ khỏi bệnh”.
|
Chỉ với đồ nghề và nguyên liệu đơn giản thế này, “thầy” Ngư bỏ túi mỗi ngày hàng chục triệu đồng |
“Thầy” Ngư có kiểu khám chữa bệnh rất kỳ lạ. Ông yêu cầu BN ngồi quay lưng lại, sau đó dùng tay rà dọc theo xương sống để… chẩn đoán. “Bí quyết” chữa bệnh của “thầy” Ngư là BN kêu đau chỗ nào thì ông sẽ bóp mạnh vào chỗ đó để kiểm tra và hỏi… “ấn vào đau lắm phải không?".
Khi chị Đ. nói “phải, phải, đau lắm”, ông “chốt” luôn “chị bị thoái hóa đốt sống cổ, đĩa đệm bã ra rồi, cần đắp thuốc để phục hồi”. “Khám bệnh” trong tích tắc, “thầy” Ngư phán: “Cái này là chị bị thoái hóa đốt sống ở gần cổ nên chèn lên dây thần kinh, gây đau lưng và tê nhức chân tay. Nếu không điều trị sớm thì sau này sẽ đi lại rất khó khăn, thậm chí nằm liệt luôn”.
Thấy BN có vẻ lo lắng, “thầy” trấn an: “Chị yên tâm đi, đến gặp tôi rồi thì bệnh sẽ khỏi. Giờ tôi làm vật lý trị liệu xong sẽ đắp cho chị một lá thuốc đầu tiên, năm ngày sau chị quay lại đắp một lá thuốc nữa. Làm như vậy khoảng hai tháng thì bệnh sẽ khỏi”. Nói xong, “thầy” Ngư “vật lý trị liệu” bằng cách bóp và vỗ vào tay, chân, lưng BN cho đến khi BN kêu đau thì mới dừng lại.
Sau đó, “thầy” lấy một cục thuốc lớn đã được quấn sẵn trong miếng vải đắp lên vùng cổ của BN. “Thầy” cho biết, BN phải đắp liên tục trong năm ngày, sau đó mới đến thay miếng mới. Ngoài việc đắp thuốc, “thầy” còn bán cho BN hai túi thuốc nhỏ không có nhãn mác và một dung dịch lỏng (giống rượu) với giá 340.000đ.
Theo quan sát của chúng tôi, dù BN bị thoát vị đĩa đệm hay thoái hóa cột sống, viêm thần kinh tọa… đều được “thầy” Ngư chẩn đoán bằng tay, điều trị bằng cách bóp vào chỗ đau, sau đó dán thuốc.
Hốt bạc nhờ... nói xạo!
Trong vai BN, phóng viên báo Phụ Nữ rụt rè hỏi: “Em chưa chụp phim, thầy khám và cho thuốc luôn được không?”. “Chụp phim làm gì cho tốn tiền, nhìn là biết bệnh ngay ấy mà. Đau cột sống, lan xuống chân phải không? Bị thoát vị đĩa đệm nên chân bị ảnh hưởng đấy. Ngồi vào, vén áo lên”.
“Thầy” Ngư bóp và lắc cật lực chân trái khỏe mạnh của “bệnh nhân”, rồi chỉ định: “Chân này bị dây thần kinh cơ chèn, đau nặng lắm đấy, để tôi làm cho các dây thần kinh dãn ra, sẽ đỡ đau, đắp thêm thuốc sẽ khỏi”. Khi được hỏi “thuốc làm từ dược liệu gì”, “thầy” Ngư nổi cáu: “Đã bảo là bài thuốc gia truyền, bí truyền, sao tôi trả lời ông được”.
Vài năm gần đây, sở dĩ điểm khám bệnh số 127/32 Nguyễn Tư Giản được rất nhiều người biết đến là nhờ “thần y” Trần Văn Cường quảng cáo rầm rộ về tài năng chữa bệnh của mình. Ngoài các trang mạng, facebook, “thần y” Cường còn đăng bài quảng cáo về khả năng chữa bệnh thần kỳ của mình trên một số báo, khiến nhiều BN sụp bẫy.
Không chỉ khám chữa bệnh trực tiếp, điểm khám bệnh của “thần y” Cường còn tổ chức khám chữa bệnh qua… điện thoại. Người bệnh ở xa chỉ cần gọi điện, mô tả tình trạng bệnh thì sẽ được gửi thuốc về tận nhà. Tuy quảng bá điểm chữa bệnh do “thần y” Cường phụ trách, nhưng người trực tiếp khám và điều trị là Lê Văn Ngư.
Được biết, mỗi ngày có từ 20 - 30 BN đến khám chữa bệnh; mỗi BN phải chi từ 340.000 đồng - 2,4 triệu đồng. Với mức giá này, mỗi ngày ông Ngư bỏ túi không dưới 10 triệu đồng chỉ với một ít thuốc bột không rõ nguồn gốc để dán, kèm rượu xoa bóp.
Sáng 25/3, chị Trần Thị H. (ngụ tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đến nhà “thầy” Ngư bốc thuốc. “Thầy” Ngư gợi ý với chị H. rằng nhà xa, nên lấy thuốc cho hai tháng, tổng cộng 2,4 triệu đồng.
Ngần ngừ vì tiếc tiền, chị H. hỏi: “Nếu đắp thuốc vài tuần mà vẫn không đỡ đau thì sao thầy? Có bữa chân em đau đến mức xỏ dép không nổi”. Ông Ngư chống chế: “Thuốc này đắp ngoài da nhưng phải chờ nó thấm vô xương. Cũng có trường hợp thuốc ngấm chậm, mình phải kiên trì chứ. Thường thì điều trị trong hai tháng là dứt hẳn, nếu không dứt thì phải tiếp tục đến gặp tôi chứ biết làm sao. Đã điều trị thì phải tin, chị không tin thì đâu có vượt đường xa đến đây, phải không?”.
Khi phóng viên báo Phụ Nữ nói gần nói xa về giấy phép hoạt động, “thầy” Ngư tỏ ra phật ý: “Thuốc gia truyền mà cần gì giấy phép. Nhưng tôi cũng đang xin giấy phép đấy, Sở Y tế sắp cấp phép cho tôi rồi”. Nói đoạn, “thầy” Ngư đuổi khéo chúng tôi để lấy chỗ đón BN khác.
Chỉ vì vội tin với những lời “nổ” trên mạng, hết người này đến người khác đã liên tục tìm đến nạp tiền cho “thầy” Ngư dù quá mơ hồ về hiệu quả điều trị.
Trần Triều - Sơn Vinh
Yêu cầu cơ sở chấm dứt hoạt động khám chữa bệnh
Ngày 26/3, khi được phóng viên báo Phụ Nữ cung cấp thông tin về điểm chữa bệnh tại địa chỉ 127/32 Nguyễn Tư Giản, ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra đột xuất cơ sở này.
Vào thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện ông Lê Văn Ngư đang điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm cho bệnh nhân T.V.T. (quê Đồng Nai). Trong quá trình điều trị, ông Ngư có dùng thuốc chưa được cấp phép sử dụng. Làm việc với đoàn liên ngành, chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ hợp pháp liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh.
Đoàn liên ngành đã yêu cầu ông Cường chấm dứt hoạt động khám chữa bệnh dưới mọi hình thức, đồng thời thu giữ một số loại thuốc tại cơ sở để gửi Thanh tra Sở Y tế TP.HCM thẩm định.
Nhờ người khác đứng tên để xin giấy phép?
Trong quá trình điều tra, chúng tôi phát hiện, cơ sở khám chữa bệnh số 127/32 Nguyễn Tư Giản do ông Lê Văn Ngư đảm nhiệm dù ông Ngư không hề có bằng cấp chuyên môn. Trong khi đó, một nguồn tin riêng của báo Phụ Nữ tiết lộ, lương y L.V.V. đang đứng tên làm hồ sơ gửi lên Sở Y tế TP.HCM xin cấp phép cho cơ sở số 127/32 Nguyễn Tư Giản hoạt động dù ông V. chưa từng làm việc tại đây. Liệu có phải lương y V. đang cho ông Cường “mượn” tên để xin giấy phép hoạt động?
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp: Coi chừng biến chứng, tàn phế vì “đắp thuốc”
Trên thực tế, miếng dán có thể tẩm một số loại thuốc giảm đau. Miếng dán này khiến bệnh nhân nhầm tưởng mình được điều trị đúng bệnh, nhưng khi hết thuốc giảm đau, bệnh nhân cảm thấy đau lại và lệ thuộc vào thuốc này. Thế nhưng, số tiền mà bệnh nhân bỏ ra để trả cho những miếng dán này là rất cao.
Nếu sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng chất lượng như thuốc tại cơ sở ông Cường, bệnh nhân có thể bị bệnh nặng hơn, khó điều trị, thậm chí phải lãnh thêm nhiều biến chứng khó lường, có thể dẫn đến tàn phế.
|