Lập sàn giao dịch thịt heo tại TPHCM

14/08/2023 - 19:50

PNO - Sở Công Thương TPHCM, Sở NN-PTNT TPHCM và Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam thống nhất thỏa thuận hợp tác xây dựng sàn giao dịch thịt heo tại TPHCM.

Theo Sở Công Thương TPHCM, chương trình này nhằm xây dựng môi trường kinh doanh, giao dịch mặt hàng heo hơi theo phương thức hiện đại, thông minh, đảm bảo công bằng và minh bạch. Đồng thời, giảm chi phí trung gian, góp phần ổn định nguồn cung ứng mặt hàng thịt heo và giá cả hợp lý cho người tiêu dùng; hướng tới mục tiêu xuất khẩu... Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM.

Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết sàn giao dịch thịt heo hình thành sẽ là cơ sở hữu hiệu giúp TPHCM quản lý được nguồn cung heo, chuẩn hóa được chất lượng sản phẩm đầu vào. Muốn kinh doanh thịt heo trên sàn bắt buộc phải truy xuất nguồn gốc, giết mổ công nghiệp; các địa phương phải tính toán, đầu tư các cơ sở giết mổ công nghiệp để lượng thịt heo đưa về TPHCM đảm bảo an toàn thực phẩm tốt hơn. Theo đánh giá của Sở Công Thương, tính khả thi của sàn giao dịch heo rất cao khi TPHCM tiêu thụ khoảng 10.000 con heo/ngày.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, cho hay phương thức giao dịch hàng hóa qua sàn đã được TPHCM và một số tỉnh thành triển khai nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn rồi đóng cửa vì chưa mang lại hiệu quả. Việc Sở Công thương TPHCM hợp tác với Sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam triển khai các sàn giao dịch hàng hóa, trước mắt là sàn giao dịch thịt heo, sẽ mang lại nhiều lợi ích như hạn chế tầng lớp trung gian; tạo cơ hội cho cơ quan quản lý nhà nước điều tiết cung cầu; bắt nhịp với xu thế đưa công nghệ thông tin ứng dụng giao dịch điện tử khi giao dịch hàng hóa...

Theo ông Hòa, TPHCM có nhiều điều kiện thuận lợi khi mở sàn giao dịch thịt heo. Bởi thành phố có chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo; có 2 chợ đầu mối lớn là Hóc Môn và Bình Điền, có kênh phân phối hiện đại; tập trung những công ty, trang trại nuôi heo lớn. Giá cả được công khai trên sàn, người có đủ điều kiện giao dịch đều tham gia. Tuy nhiên để tổ chức được sàn giao dịch thịt heo thì cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan.

Bên cạnh lễ ký thỏa thuận xây dựng chương trình sàn giao dịch thịt heo, trong chiều ngày 14/8, Sở Công Thương TPHCM cũng tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP”; Thương hiệu nông sản Cần Giờ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, mục đích chương trình hướng tới không chỉ bán được các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) chất lượng mà còn gắn với câu chuyện trong đó để phát triển du lịch. 

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng Chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP”; Thương hiệu nông sản Cần Giờ; Sàn giao dịch hàng hóa TPHCM chiều 14/8 - Ảnh: Nguyễn Cẩm
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng Chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP”; Thương hiệu nông sản Cần Giờ; Sàn giao dịch hàng hóa TPHCM chiều 14/8 - Ảnh: Nguyễn Cẩm

Thực tế, có những sản phẩm địa phương như cà pháo, rau má nhưng xuất khẩu sang được gần 20 nước trên thế giới. Hiện, TPHCM có 66 sản phẩm OCOP là ở mức thấp, chưa đạt mức trung bình của các tỉnh bình quân trong cả nước. UBND TPHCM đã điều chỉnh và dự kiến từ nay đến cuối năm, TP sẽ có thêm khoảng 100 sản phẩm OCOP sau khi Ông tính cả những sản phẩm OCOP của các tỉnh sản xuất tại TPHCM.

Các ban ngành, đơn vị phối hợp để đẩy mạnh phân phối sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng - Ảnh: Cẩm Anh
Các ban ngành, đơn vị  ký kết, phối hợp để đẩy mạnh phân phối sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng - Ảnh: Nguyễn Cẩm 

Ông Nguyễn Nguyên Phương - cho hay thời gian qua, mặc dù các đơn vị liên quan tập trung đầu tư để đảm bảo cho chất lượng sản phẩm OCOP tốt nhất nhưng đầu ra cho sản phẩm OCOP chưa hiệu quả vì sự phối hợp giữa các đơn vị chưa chặt chẽ. Đặc biệt, kênh trực tuyến, các sàn thương mại điện tử chưa kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP bài bản; đa số là hoạt động kết nối tự phát giữa các doanh nghiệp, hộ sản xuất với sàn thương mại điện tử. Qua ký kết này, các sở, ngành cam kết phối hợp, hỗ trợ đẩy mạnh hiệu quả sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP; đặc biệt sàn thương mại điện tử xây dựng chương trình phù hợp, hỗ trợ trực tiếp cho nhà sản xuất ưu tiên các sản phẩm OCOP tiếp cận lượng khách hàng sẵn có của sàn.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI