Lấp nỗi buồn khi tổ ấm trở thành “tổ trống”

27/09/2023 - 06:24

PNO - Hành trình nuôi dạy con cái là một trải nghiệm không ngừng thay đổi, được đánh dấu bằng những cột mốc và kỷ niệm. Vì vậy, khi trẻ trưởng thành và rời khỏi nhà, cha mẹ phải học cách thích nghi, vượt qua cô đơn giữa không gian trống vắng của tổ ấm.

Nỗi buồn khi con cái rời đi

Gần đây, 1 phụ nữ 60 tuổi ở Trung Quốc đã sinh đôi 2 con gái, với sự hỗ trợ của công nghệ thụ tinh ống nghiệm. Sự kiện này làm dấy lên nhiều ý kiến về việc các cặp vợ chồng lớn tuổi có con đã trưởng thành quyết định sinh thêm con.

Các bậc phụ huynh cần cố gắng xem việc con cái trưởng thành, rời xa gia đình là một khởi đầu mới cần thiết, tốt đẹp cho cuộc sống của chúng - Ảnh minh họa: The Guardian
Các bậc phụ huynh cần cố gắng xem việc con cái trưởng thành, rời xa gia đình là một khởi đầu mới cần thiết, tốt đẹp cho cuộc sống của chúng - Ảnh minh họa: The Guardian

Theo trang Jiupai News, 2 bé gái sinh đôi chào đời ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc trong tháng Chín. Người phụ nữ họ Wang và chồng có 1 con trai trưởng thành sống ở Bắc Kinh. Cặp đôi đã quyết định sử dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản với chi phí hơn 13.700 USD vì cảm thấy nhà của họ giống như một chiếc “tổ trống”, lạnh lẽo và thiếu sức sống. Vợ chồng cậu con trai chỉ về thăm cha mẹ 1-2 lần mỗi năm. Nhiều bình luận phản đối quyết định của vợ chồng bà Wang, nhưng cũng có người bày tỏ sự cảm thông: “Tôi nghĩ rằng họ quá cô đơn; bằng không, ai có thể chịu cơn đau vượt cạn ở tuổi ấy chứ?”.

Hội chứng “chiếc tổ trống” là thuật ngữ dùng để mô tả cảm giác buồn bã, mất mát mà hầu hết các bậc cha mẹ đều trải qua sau khi con cái trưởng thành và rời đi. Trong thời gian này, cha mẹ có thể gặp nhiều cảm xúc tiêu cực khác nhau, bao gồm cả cảm giác tội lỗi. Vào tháng 11/2022, cô Marianne Jones - người mẹ sống tại London, Anh - đã trải qua những cung bậc cảm xúc lẫn lộn khi ngôi nhà đột nhiên trống vắng vì cả 2 người con trai đều rời đi để học đại học và làm việc.

Cô nói: "Sau khi vẫy tay chào đứa con trai lớn tại ga, chúng tôi trở về nhà và cảm thấy mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Tôi lạc lõng giữa sự im lặng đến não nề. Tôi ôm lấy chú chó của gia đình và bắt đầu khóc. Chồng tôi ngước mắt nhìn những quả bóng cũ trong vườn, nói cảm giác như mới hôm qua - khi bọn trẻ lần đầu đến trường”.

Chương mới của cuộc sống

Để bắt đầu cuộc sống mới, phụ huynh nên tìm ra những cách lành mạnh để đối phó với cảm xúc của bản thân. Hãy tập trung vào mặt tích cực và biết ơn những năm tháng bạn nuôi dạy 1 đứa trẻ, tự hào khi chúng lớn lên trong mái ấm yêu thương của gia đình và trở thành người tự lập.

Ngoài ra, cha mẹ có thể thay đổi ý thức về mục đích sống. Tạo môi trường để bản thân có cơ hội tham gia các hoạt động và sở thích ngoài việc nuôi dạy con cái, kết nối với các bậc cha mẹ khác có cùng hoàn cảnh, thực hành tự chăm sóc và tìm kiếm sự tư vấn nếu cần. Thói quen liên hệ với con cái qua các cuộc gọi điện thoại, nhắn tin và trò chuyện video, thường xuyên đến thăm chúng để nuôi dưỡng và duy trì mối quan hệ gia đình tích cực là điều cần thiết.

Cô Marianne Jones chia sẻ: “Không giống như những chiếc tổ trống rỗng của thế hệ trước - thời chưa có internet, vợ chồng tôi thường xuyên liên lạc với các con qua mạng xã hội". 

Lý do khiến cha mẹ rơi vào hội chứng “chiếc tổ trống” khác nhau ở mỗi người. Đối với một số người, đó là quá trình nhận thức về việc “quy luật cuộc sống” và thích nghi với sự thay đổi lớn trong gia đình. Đối với người khác, đó là cảm giác mất mát về mục đích sống khi căn nhà không còn là nơi bảo bọc những đứa trẻ.

Theo báo cáo Người cao niên Úc tháng 10/2018, có 51,4% số người được hỏi trên 50 tuổi cảm thấy tích cực và 41,1% cảm thấy buồn bã khi con cái rời khỏi gia đình. Dữ liệu còn cho thấy hội chứng “chiếc tổ trống” phổ biến hơn ở phụ nữ (49,4% so với 31,4% ở nam giới). Nếu các phụ huynh đang gặp rắc rối trong việc kiểm soát cơn nóng giận, nỗi sợ, lo lắng hoặc cảm giác tội lỗi thì họ càng có nhiều khả năng mắc phải hội chứng “chiếc tổ trống”. Nếu mọi thứ quá khó khăn, chuyên gia tâm lý có thể giúp các phụ huynh vượt qua cảm xúc tiêu cực, ra hướng dẫn, hỗ trợ trong quá trình thích nghi với cuộc sống không còn con cái ở cạnh.

Linh La (theo SCMP, Daily Mail, Times of India) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI