Khởi nghiệp từ bàn tay trắng
Trong căn nhà nhỏ của chị Mai Thị Minh - 37 tuổi, ấp 16, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh - những chiếc máy may vẫn chạy lạch xạch. Chị Minh đang ráp quai cho những chiếc ba lô. Những chị em khác, người nào việc nấy. Có ai đó pha trò khiến cả nhóm bật cười. Tiếng cười nói hòa với tiếng máy may tạo nên bầu không khí lao động hăng say.
Vài năm trước, nhà chị Minh không có nhiều máy may và nhân công như hiện tại. Chị kể, 10 năm trước, chị làm kiểm kho cho một công ty may mặc. Những lúc rảnh rỗi, chị mày mò học hỏi thêm về cách sử dụng máy may công nghiệp, các công đoạn cắt, may…
Nhờ chịu khó, chị đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm trong nghề may ba lô, túi xách và làm quen với nhiều nguồn hàng. Rồi kinh tế khó khăn, thu nhập hằng tháng không đủ chi tiêu, lại không có thời gian chăm sóc con, nên chị Minh quyết định nghỉ việc về nhà nhận may hàng gia công. Khoản tiền tiết kiệm được, chị mua 2 máy may rồi tìm kiếm các đơn hàng gia công và may các mẫu tự thiết kế để bán ở các chợ, trường học.
|
Chị Mai Thị Minh (bìa phải) - Tổ trưởng tổ nghề may gia công ba lô, túi xách - đang hướng dẫn chị em làm sản phẩm |
Thấy công việc phát triển tốt, chị Minh quyết định nhờ hội phụ nữ hỗ trợ, kết nối vay 100 triệu đồng để mở rộng quy mô. Với số vốn đó, chị mua sắm các trang thiết bị và thành lập tổ may ba lô, túi xách với 8 thành viên.
Đến nay, sau hơn 1 năm, tổ may của chị Minh đã gặt hái những thành công bước đầu. Mỗi tháng, thu nhập của chị vào khoảng 15-20 triệu đồng, nhưng quan trọng hơn là chị đã tạo việc làm ổn định cho hàng chục phụ nữ khó khăn tại địa phương với thu nhập từ 4-7 triệu đồng. Cơ sở không gò bó giờ làm việc, chị em có thể đến làm hàng bất kỳ lúc nào rảnh rỗi.
Đặc biệt, chị Minh còn nhận đào tạo nghề may miễn phí và cung cấp nguồn hàng để các chị em có thể đem về nhà gia công. Chị tâm sự: “Tôi không nhớ nổi đã dạy nghề cho bao nhiêu người. Cứ đến xin học là tôi dạy. Có người muốn đem hàng về nhà làm nhưng không có máy thì tôi cho mượn máy”.
Chị Nguyễn Thị Kim Hồng từng làm công nhân may và phải nghỉ sau khi sinh con, được bạn bè giới thiệu đến làm việc tại tổ may của chị Minh, nói: “Làm ở đây thu nhập khá ổn định, môi trường thân thiện, giờ giấc cũng thoải mái nên mình cũng có thời gian lo cơm nước, đưa đón con đi học. Tôi thấy rất hài lòng”.
Khá giống với chị Mai Thị Minh, chị Phạm Thị Kim Liên - 41 tuổi, là mẹ đơn thân của 2 con nhỏ - đã vượt qua mọi khó khăn để khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng. Từng làm việc tại một công ty may mặc, sau khi phải một mình nuôi 2 con nhỏ, chị quyết định nghỉ việc công ty để chuyển sang buôn bán. Tuy nhiên, niềm đam mê với nghề may đã khiến chị để tâm tìm hiểu, chuẩn bị cho khởi nghiệp.
Những ngày đầu, chị Liên phải rong ruổi xe máy khắp các nẻo đường ở xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B để tìm nguồn hàng gia công. Sau bao nỗ lực, chị cũng tìm được các mối hàng lớn, sẵn sàng giao hàng quần áo số lượng lớn cho chị làm. Khởi đầu, chị Liên phải thuê máy may với giá 600.000 đồng/tháng. Hay tin về hoàn cảnh của chị, Hội LHPN xã Phạm Văn Hai đã khảo sát, kết nối để chị vay 50 triệu đồng.
Có tiền, chị Liên đã trang bị đầy đủ máy may, máy vắt sổ phục vụ cho công việc. Đến tháng 4/2024, tổ nghề may gia công quần áo với 6 thành viên do chị Liên làm tổ trưởng được thành lập. Chị cho biết, tương lai chị sẽ mở rộng quy mô và tự may các sản phẩm để bán trên các sàn thương mại điện tử nhằm tạo thêm thu nhập cho mình và các chị em.
Bà Lê Thị Ngọc Bình - Chủ tịch Hội LHPN xã Phạm Văn Hai - thông tin: hiện nay, trên địa bàn xã có 4 tổ nghề may gia công quần áo và ba lô, túi xách với 31 thành viên. Sắp tới, Hội LHPN xã sẽ ra mắt thêm mô hình “Bếp sạch, nhà thơm” để hỗ trợ chị em có thêm việc làm. Hội sẽ tiếp tục rà soát, vận động các chị em tham gia các tổ nghề phù hợp, hỗ trợ thêm phương tiện sinh kế, dụng cụ làm việc để chị em nâng cao chất lượng của tổ nghề.
Đa dạng tổ nghề cho chị em dễ tham gia
Tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, tổ nghề nấu ăn do chị Lê Thị Thanh Ngân - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 18 - làm tổ trưởng đã trở thành điểm tựa cho nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Được thành lập từ tháng 4/2024, tổ nghề này có 12 thành viên là những hội viên phụ nữ, phụ nữ thất nghiệp, nội trợ…
Chị Ngân với kinh nghiệm nấu nướng lâu năm, sẽ nhận tiệc, đi chợ và chế biến. Chị bộc bạch: “Ngày xưa, tôi thường xuyên nấu đám tại nhà, được nhiều người khen ngon nên mời nấu. Giờ đây, thấy công việc tạo ra thu nhập nên chúng tôi thành lập tổ nghề”.
|
Tổ nghề nấu ăn của Hội LHPN xã Lê Minh Xuân ra mắt tháng 4/2024 thu hút nhiều chị em phụ nữ tham gia |
Tổ nghề nấu ăn không chỉ phục vụ đám cưới, sinh nhật mà còn nhận nấu suất ăn cho các đoàn công tác, các lớp học và hội nghị. Tổ nhận từ vài bàn đến vài chục bàn tiệc, sau khi trừ các khoản chi phí, thu nhập mỗi bàn lời được vài trăm ngàn đồng, mỗi tháng mỗi thành viên trong nhóm cũng có thêm 1-2 triệu đồng thu nhập tùy thuộc vào khối lượng công việc.
Ai không có kinh nghiệm thì phụ giúp lặt rau, trang trí. Còn người biết nấu thì đảm nhiệm việc chế biến, bắt mâm. Thợ nấu chính nhận khoảng 700.000 đồng cho mỗi bữa tiệc, còn thợ phụ nhận từ 400.000-500.000 đồng.
Không chỉ góp phần cải thiện đời sống kinh tế của các chị em, tổ nghề nấu ăn còn tham gia vào các hoạt động xã hội như nấu cơm chay từ thiện vào các ngày 14 và 29 âm lịch hằng tháng. Bà Trần Kim Phượng - 67 tuổi, ấp 18, xã Lê Minh Xuân - cho biết, bà ở nhà bán quán nước và chăm cháu. Thời gian rảnh, bà tham gia vào tổ nấu ăn để kiếm chút tiền sinh hoạt. “Làm chung với mấy chị em vui lắm, với lại làm ra nhiều món ăn ngon phục vụ khách hàng mình cũng thấy hạnh phúc” - bà Phượng nói.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Bình Chánh còn có nhiều tổ nghề khác như: tổ gia công nắp chai nhựa, gia công túi gạo (xã Lê Minh Xuân), tổ hợp tác xe nhang (xã Vĩnh Lộc B), tổ dịch vụ phát triển kinh tế của phụ nữ yếu thế (xã An Phú Tây). Những tổ nghề này đã giúp hàng trăm phụ nữ yếu thế có công việc ổn định, tạo thu nhập và dần cải thiện kinh tế.
Bình Chánh có 62 tổ ngành nghề, 10 tổ hợp tác, 836 thành viên Bà Võ Thị Hồng Cúc - Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Chánh - cho hay, từ nhu cầu thực tiễn, Hội LHPN huyện đã tích cực hỗ trợ chị em phụ nữ trong việc thành lập tổ nghề. Hằng năm, hội tổ chức các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp… Hiện tại, huyện Bình Chánh có 62 tổ ngành nghề và 10 tổ hợp tác với 836 thành viên, hoạt động trong các lĩnh vực như may gia công, nấu ăn, xe nhang, trồng rau và nhiều ngành nghề khác. |
Ngọc Trăm