Lập lờ lách luật biểu diễn

12/11/2015 - 07:44

PNO - Mượn danh casting để tổ chức thi thố, dùng cụm từ “giao lưu văn hóa”, “sinh hoạt nội bộ” cho những hoạt động mang tính thi tuyển…

Đó là hiện tượng được nhìn thấy gần đây. Những cú lách luật ấy, thỉnh thoảng bị “vướng” và bị xử phạt do kẽ hở quá hẹp, nhưng cũng đã cho thấy các cơ quan quản lý cập nhật không kịp những biến tướng mới.

Lap lo lach luat bieu dien
Trai độc gái lạ được đánh giá là có vi phạm phức tạp, Sở VH-TT-DL TP.HCM phải xin chỉ thị của UBND thành phố về việc xử lý 

"Chơi chữ" để "lách"

Chuyện chương trình Bình minh phương Đông 3 (BMPĐ3) tổ chức tại Đà Nẵng bị cơ quan chức năng yêu cầu dừng, xảy ra từ ngày 4/11/2015, nhưng vài ngày sau, ban tổ chức (BTC) sự kiện vẫn không “cam lòng” với kết quả này, liên tục gửi thông tin đến các cơ quan truyền thông, ám chỉ Sở VHTT-DL Đà Nẵng lạm quyền.

BMPĐ3 là sự kiện nằm trong khuôn khổ 10 ngày giao lưu của các người đẹp đến từ các nước SNG, bên cạnh “các hoạt động bên lề” khác là Miss world beauty, Young miss world beauty… Trước khi Sở VH-TT-DL Đà Nẵng lập biên bản, đình chỉ chương trình, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã có văn bản gửi đến Sở thông báo, Cục không hề cấp phép cho cuộc thi Miss world beauty, Young miss world beauty… do đó, đây là các cuộc thi trái phép.

“Sở chưa từng cấp phép cho chương trình BMPĐ3. Khi có thông báo từ Cục Nghệ thuật Biểu diễn về các cuộc thi kia, chúng tôi đã đề nghị BTC phải xin phép Cục theo đúng quy định Nhà nước trước rồi mới thẩm định BMPĐ3, nên không có chuyện BTC không hề biết điều này”, ông Trần Quang Thanh - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng cho biết.

Trong khi đó, bà Mỹ Dung - Giám đốc công ty Tấm & Cám nói vì chỉ là “cuộc giao lưu”, “sinh hoạt nội bộ” giữa người đẹp các nước với nhau nên BTC không tiến hành xin phép. Cũng theo bà Dung, bà đã tổ chức hoạt động này tại các tỉnh khác và diễn ra suôn sẻ, không bị làm khó như ở Đà Nẵng.

Ngoài tên gọi đã thể hiện rõ ràng tính chất của hoạt động, các thông tin giới thiệu đến công chúng, BTC cũng đã dùng từ “cuộc thi” khi đề cập đến Miss world beauty 2015, Young miss beauty 2015… Với những lần tổ chức trước, các hoạt động này cũng trao danh hiệu hoa hậu, á hậu như các cuộc thi nhan sắc khác.

Với một công ty tổ chức chuyên nghiệp, khó để nói rằng họ hoàn toàn không biết việc sự kiện biểu diễn có yếu tố nước ngoài sẽ phải xin phép như thế nào, gửi đến đơn vị quản lý nào. Cách dùng từ “nội bộ” đã cho thấy sự hiểu biết của đơn vị này.

Khi bị Sở VH-TT-DL TP.HCM đình chỉ hoạt động Tìm kiếm người mẫu châu Á - Vietnam New Face Casting 2015 và nộp phạt 45 triệu đồng vì hành vi tổ chức cuộc thi quy mô toàn quốc nhưng không có giấy phép, ông Vũ Khắc Tiệp - đại diện đơn vị tổ chức Venus tỏ ý không đồng tình.

Vị này cho biết đây không phải là cuộc thi mà chỉ là cuộc casting, mang tính nội bộ nên công ty ông không cần phải xin phép. Cùng hành vi trên, cuộc “tìm kiếm tài năng trẻ” mang tên Trai độc gái lạ do Yeah1 tổ chức bị Sở VH-TT-DL TP.HCM đình chỉ và xử phạt.

Đây rõ ràng là một cuộc thi với nhiều vòng (thi ảnh, thi tài năng và đêm gala chung kết), nhiều phần thưởng cho giải nhất, nhì, ba, nhưng không xin phép. Mới đây nhất, cuộc thi mang tính địa phương Nữ hoàng du lịch Huế 2015 cũng đã lập lờ bằng cách trao danh hiệu chính là hoa hậu…

Lap lo lach luat bieu dien
Cuộc “casting” núp bóng của Venus

Tăng khung phạt nặng

Hôm nay 11/11, Bộ VHTT-DL tổ chức hội thảo tại TP.HCM để lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Biểu diễn. Đây được xem sẽ là hành lang pháp lý hữu hiệu với những biện pháp xử lý thiết thực cho các trường hợp chây ì, cố tình sai phạm như thời gian qua.

Danh sách thí sinh đi thi chui ở nước ngoài ngày càng dài nhưng nếu như trước đây các người đẹp bao biện là “không biết thủ tục phải như thế”, “gấp quá không kịp làm thủ tục xin phép” thì giờ, có người thẳng thừng thừa nhận rằng không xin vì biết chắc sẽ không được cấp phép như trường hợp Lâm Thùy Anh mới đây.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI