PNO - Với kinh nghiệm hàng chục năm nghiên cứu giáo dục đặc biệt, phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Minh Mục - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - đánh giá đang tồn tại nhiều bất cập trong hệ thống chính sách cho người khuyết tật khiến công tác giáo dục hòa nhập chưa thực sự hiệu quả.
*Phóng viên: Thực tế thời gian qua, phần lớn thầy cô dạy hòa nhập không được đào tạo chuyên môn bài bản. Chính sách có hay đến thế nào cũng khó khả thi nếu thiếu con người phải không, thưa ông?
-Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Minh Mục: Hiện nay, trong chương trình đào tạo giáo viên không có bộ môn chuyên sâu về giáo dục đặc biệt. Bởi vậy, giáo viên ra trường không có hiểu biết, kỹ năng và cả tâm thế để đón nhận, giáo dục học sinh đặc biệt. Giáo viên chủ yếu tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn, chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”. Càng ngày, các loại hình khuyết tật càng phức tạp, đòi hỏi giáo viên phải được trang bị kiến thức, phương pháp và kỹ năng phù hợp với từng đối tượng khuyết tật khác nhau. Nếu không có phương pháp hỗ trợ đặc thù thì các em rất khó tiến bộ, thầy cô cũng vô cùng mệt mỏi.
Hiện chúng ta rất thiếu đội ngũ chuyên môn làm công tác giáo dục đặc biệt. Cả nước chỉ có hai trường đại học đào tạo chính quy chuyên ngành giáo dục đặc biệt, nhưng ra trường các em không đủ chuẩn làm giáo viên phổ thông vì không có chuyên ngành sư phạm. Đa phần các em chọn làm ở các cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật tư nhân với thu nhập cao gấp 4-5 lần công lập. Do đó, để xây dựng nguồn nhân lực cho giáo dục hòa nhập, không chỉ khắc phục những bất cập trong công tác đào tạo, mà còn phải có chính sách, chế độ hợp lý để “giữ chân” họ.
* Khác với khuyết tật về thể chất, các dạng khuyết tật trí tuệ, tự kỷ… không dễ dàng nhận biết qua tiếp xúc thông thường. Thế nhưng, quy định hiện nay giao hội đồng cấp xã, phường xác định mức độ khuyết tật liệu có “quá sức” không, thưa ông?
- Đây là bất cập của quy định hiện nay. Chúng ta suy nghĩ giao cho cấp xã, phường là để tạo thuận tiện cho người khuyết tật khi đi làm giấy xác nhận. Đồng thời, việc cấp giấy xác nhận thời gian qua chủ yếu phục vụ trợ cấp xã hội chứ chưa chú trọng mục đích hỗ trợ giáo dục cho người khuyết tật. Đối với nhiều trường hợp khuyết tật trí tuệ, khuyết tật học tập, tự kỷ… các em không có biểu hiện nặng ra bên ngoài nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn về học tập.
Thực tế đã có những em bị từ chối cấp giấy xác nhận vì nhìn các em hoàn toàn bình thường. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ vì không được hưởng chính sách giáo dục hòa nhập. Theo quy định, trẻ học hòa nhập được xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân, điều chỉnh chương trình học và phương pháp đánh giá phù hợp với khả năng và nhu cầu của trẻ. Nếu bị áp cách đánh giá như học sinh bình thường thì các em không thể theo được và cũng không thể tiến bộ.
Đồng thời, giáo viên chỉ được nhận phụ cấp cho các giờ đứng lớp có học sinh khuyết tật khi học sinh đó có giấy xác nhận. Đây là điều khiến chúng tôi vô cùng trăn trở khi gặp gỡ giáo viên làm nhiệm vụ giáo dục hòa nhập ở các địa phương.
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, để chẩn đoán rối loạn phát triển của trẻ cần có năm chuyên gia, theo tiêu chuẩn của Mỹ là sáu chuyên gia đánh giá độc lập trẻ trong các môi trường khác nhau bao gồm bệnh viện, gia đình và cộng đồng. Tại Việt Nam, chúng tôi đang kiến nghị bổ sung trong danh sách hội đồng xác nhận mức độ khuyết tật cần có đại diện ngành giáo dục. Đồng thời, tất cả trường hợp nghi ngờ khuyết tật phải được ghi nhận, nếu hội đồng cấp xã không đủ khả năng kết luận thì phải chuyển lên hội đồng cấp huyện, cấp tỉnh.
* Luật Người khuyết tật hiện nay chưa chính thức đưa các dạng khuyết tật học tập, rối loạn tự kỷ vào luật mà chỉ được hiểu chung chung là loại “khuyết tật khác”. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến việc xây dựng các chính sách, trong đó có chính sách giáo dục, cho các đối tượng này?
- Những năm gần đây, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, trong khi đối tượng trẻ khuyết tật giác quan có xu hướng giảm rõ rệt thì trẻ khuyết tật trí tuệ và khuyết tật phát triển lại gia tăng rất nhanh. Đối tượng này chiếm tỷ lệ lớn nhất trong nhóm trẻ khuyết tật.
Luật Người khuyết tật phân loại sáu nhóm khuyết tật là: khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ; khuyết tật khác. Như vậy, rất nhiều loại khuyết tật mới như: rối loạn giao tiếp, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý, khuyết tật học tập đặc thù… chưa được “chỉ mặt, đặt tên”, mà chỉ được hiểu như loại “khuyết tật khác”.
Hiện nay, các cơ quan đang tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Luật Người khuyết tật và dự kiến năm 2023 lấy ý kiến sửa đổi luật này. Chúng tôi sẽ có kiến nghị cụ thể về việc cập nhật, phân loại các dạng khuyết tật một cách khoa học và phù hợp thực tế. Việc sửa đổi, chuẩn hóa Luật Người khuyết tật sẽ tạo tiền đề, cơ sở để nghiên cứu, xây dựng chính sách và chế độ hỗ trợ y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội tốt nhất cho từng nhóm đối tượng.
* Xin cảm ơn ông.
Ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TPHCM - đang tư vấn cho phụ huynh của trẻ khuyết tật - Ảnh: Phùng Huy
Cần có chương trình hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật
Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về giáo dục trong Luật Người khuyết tật và các văn bản khác. Cụ thể, về xác định dạng tật và mức độ khuyết tật tại Luật Người khuyết tật và Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH, cần bổ sung thành phần hội đồng có đại diện ngành giáo dục tham gia. Đồng thời, cần công nhận kết quả chẩn đoán của bệnh viện hoặc trung tâm có chức năng làm căn cứ xác định loại tật và mức độ.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các chương trình hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh khuyết tật với những dạng tật và mức độ tật khác nhau. Có định biên giáo viên chuyên ngành giáo dục đặc biệt trong trường phổ thông để hỗ trợ việc học tập cho các em; có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho học sinh khiếm thính trong trường hoặc cụm trường để giúp các em học tập ở cấp cao hơn…
Kinh nghiệm giáo dục hòa nhập ở Mỹ
Chị Phạm Quỳnh Hương, sống tại bang California (Mỹ) cho biết khi con chưa đến ba tuổi, phát hiện bé có biểu hiện khác lạ, chị gọi điện cho trung tâm chuyên về trẻ khuyết tật của bang. Bác sĩ đến tận nhà kiểm tra và sau đó xác nhận con chị bị tự kỷ. Trung tâm cử các giáo viên chuyên về tự kỷ đến nhà dạy bé, cứ mỗi ngày có ba giáo viên thay nhau, mỗi người dạy hai tiếng. Họ rất nhẫn nại, giỏi chuyên môn, tỉ mỉ dạy bé từng kỹ năng cơ bản nhất.
Sau một thời gian, khi tiến bộ hơn, bé được vào học tại một trường dành cho trẻ tự kỷ. Trường có nhiều hoạt động về vận động, trải nghiệm, tương tác, qua một thời gian, bé tiến bộ rõ rệt. Trường chuyên biệt nằm ngay cạnh trường học bình thường, mỗi ngày, giáo viên cho trẻ tự kỷ vào trường bình thường để làm quen. Thời gian vào trường bình thường được tăng dần lên để xây dựng mối quan hệ gắn bó, cảm thông giữa học sinh tự kỷ và học sinh bình thường. Qua một thời gian, nếu thầy cô đánh giá trẻ có tiến bộ và được sự đồng ý của phụ huynh, có thể chuyển bé sang học trường bình thường.
Trẻ khuyết tật còn được ưu tiên thuê làm việc tại các siêu thị, khu vui chơi (ở các vị trí phù hợp) để các em có thêm kỹ năng giao tiếp và cảm nhận mình làm được việc hữu ích, từ đó giúp các em hòa nhập tốt với xã hội. Mỗi năm, tại địa phương sẽ có 1-2 lần họp mặt để phụ huynh có con khuyết tật nêu các thắc mắc, yêu cầu đến cấp thẩm quyền. Toàn bộ chi phí khám, tư vấn, điều trị, học tập cho trẻ khuyết tật đều hoàn toàn miễn phí.
Ngày 3/11, Thành Đoàn TPHCM phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên thành phố tổ chức ngày hội “Học sinh Trung học phổ thông” năm học 2024-2025.
Đại diện nhà trường cho biết, đã giải quyết các khó khăn chồng chất của nhà trường trong suốt 2 tháng qua, AISVN dự kiến khai giảng trở lại vào tháng 1/2025.
Đề xuất này được ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Quản lý chất lượng - nêu tại hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 sáng 31/10.
Sáng 31/10, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Sáng 30/10, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức sơ kết kết quả thực hiện kế hoạch xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024-2030".