Theo bà Thi, sau một thời gian ký nhận tiền, bất ngờ bà bị Công an huyện Chơn Thành triệu tập vì cho rằng bà thông đồng với một số cán bộ dự án để kê khống diện tích hầm đất thành ao đào, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Sau khi yêu cầu giao nộp lại số tiền bồi thường, cơ quan công an đã bắt tạm giam bà, dù thời gian này bà đang lâm bệnh, phải điều trị. “20 ngày bị bắt giam thì có hơn 15 ngày tôi phải nằm viện cấp cứu. Đã vậy, dù tôi bị tụt huyết áp, thiếu máu não, thường xuyên ngất xỉu, nhưng trong thời gian nằm bệnh viện, tôi vẫn bị cùm cả tay và chân vào thành giường”, bà Thi bức xúc.
Bà Thi trong phiên tòa xét xử ngày 3/7/2014
Cũng theo bà Thi, việc cơ quan điều tra cho là bà thông đồng với các cán bộ dự án thủy lợi Phước Hòa để kê khống hầm đất thành ao đào là hoàn toàn không có cơ sở. Phần diện tích 15.000m2 ao đào của bà đã được khai phá, mở rộng từ năm 1991 đến 1999, với mục đích tưới tiêu và thả cá. Việc này được người dân địa phương làm chứng.
Trong khi đó, dự án thủy lợi Phước Hòa được công bố năm 2007. “Ao đào gia đình chúng tôi có trước thì làm sao có thể nói khi có dự án tôi mới đào ao để lấy tiền bồi thường? Còn việc cơ quan chức năng căn cứ vào hiện trạng ao hiện nay để cho là gia đình tôi cơi nới, đào đất mang bán lại càng không hợp lý. Sau khi tôi kê khai diện tích ao, có rất nhiều xe ben vào múc trộm đất sỏi mang bán. Việc này tôi đã trình báo chính quyền địa phương nhưng cơ quan chức năng không xử lý”, bà Thi phân bua.
Viện KSND tỉnh Bình Phước thừa nhận, thời điểm năm 1999, gia đình bà Thi có một ao đào để chứa nước tưới, nhưng lại cho rằng, đến thời điểm được áp giá đền bù năm 2009 thì hiện trạng đất của bà Thi lại được khai thác sỏi phún, ao đào đã không còn tồn tại trên thực tế nên không thể chấp nhận bồi thường cho bà Thi.
Luật sư Vương Quốc Quỳnh, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước nhận định: Quan điểm của Viện KSND tỉnh Bình Phước là thiếu khách quan, bởi lẽ, tại hồ sơ vụ án (đặc biệt là sơ đồ hiện trường do Cơ quan CSĐT Công an huyện Chơn Thành lập ngày 2/10/2010) thể hiện rất rõ đường dẫn nước vào ao đào của bị cáo Thi, kết hợp với các chứng cứ như các nhân chứng, chứng thực xác nhận diện tích ao đào từ UBND xã Nha Bích và đơn vị được gia đình bà Thi thuê đào ao, có thể nói, phần diện tích đất ao đào của bà Thi là có thật, nhưng không được xem xét.
Bên cạnh đó, việc một người dân nằm trong vùng bị giải tỏa, tuy đã thực hiện đầy đủ các thủ tục nhưng không được xem xét, do hành vi tắc trách của cán bộ chuyên trách… và, việc người dân tìm đến cán bộ có chức năng đề đạt nguyện vọng và yêu cầu xem xét thống kê bồi thường là hoàn toàn hợp lý, không thể xem là hành vi trái luật.
Anh Nguyên
Tại phiên tòa ngày 10/8/2012, HĐXX TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ diện tích ao đào của bà Thi. Ngày 3/7/2014, sau ba ngày xét xử, TAND tỉnh Bình Phước lại tuyên trả hồ sơ, yêu cầu điều tra, bổ sung, làm rõ một số chứng cứ, tài liệu, tình tiết liên quan đến việc xác định lại phần đất thuộc sở hữu của bà Thi có thể hiện ao đào nguyên thủy từ năm 1999. Từ lời khai của những người làm chứng và sơ đồ khám nghiệm hiện trường đều xác định nhà bà Thi có phần ao đào này. Vì vậy, tòa cho rằng, Viện KSND cần phải xác định lại diện tích ao đào có trước hay sau khi được giải tỏa, bồi thường. Việc xác định này nhằm đảm bảo căn cứ cho quá trình giải quyết vụ án được đúng đắn, khách quan, toàn diện và đầy đủ.
Hội thi “Bàn tay vàng công nhân cấp nước TPHCM” do SAWACO thực hiện đã giúp người lao động có sân chơi luyện tay nghề và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.
Hiện nhiều tỉnh, thành của vùng ĐBSCL đang khẩn trương xây các hồ trữ nước ngọt nhằm ứng phó nguy cơ thiếu nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô.