Lấp lánh vẻ đẹp từ những “vầng trăng khuyết”

18/04/2025 - 06:45

PNO - Nhân ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, Hội LHPN TPHCM tổ chức chương trình “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” năm 2025. Những câu chuyện và nghị lực phi thường vượt qua khiếm khuyết để vươn lên trong cuộc sống của các “vầng trăng khuyết”đã truyền cảm hứng cho nhiều người.

Chương trình được tổ chức ngày 16/4 vừa qua với sự đồng hành của Báo Phụ nữ TPHCM và nhiều doanh nghiệp.

Thích nghi với khuyết tật để vui sống mỗi ngày

Trong khoảnh khắc con gái đầu lòng cất tiếng chào đời, chị Đỗ Hoài Tâm (quận 12, TPHCM) vỡ òa hạnh phúc. Chị đặt tên con là Trương Thanh Nga. Kể từ đó, thế giới của chị chỉ có con, hạnh phúc nhìn con lớn lên từng ngày, biết bò, biết lật… Được gần 1 tuổi, bắt đầu tập đứng thì con bị gãy chân. Chị Tâm hoảng loạn, ôm con chạy vào bệnh viện thì được biết con bị xương thủy tinh - căn bệnh di truyền từ chồng, vốn có thể trạng yếu ớt. Cả bầu trời của chị Tâm như sụp đổ.

Từ khi phát hiện bệnh, cô gái nhỏ Thanh Nga phải chung sống với vô số lần bị gãy xương. Nga chia sẻ: “Tôi đã quen sống với việc xương dễ bị gãy, chỉ một va chạm nhẹ, ho hoặc hắt hơi mạnh, cũng có thể làm xương bị gãy, vết gãy này chưa lành đã có thêm vết gãy mới. Cơ thể đau đớn, chưa lúc nào vơi”.

Tiếp lời con, chị Tâm kể, lúc con còn nhỏ, vợ chồng chị tranh thủ đi bán hoa nơi cổng chùa vào 30 tết. Sáng sớm về thì thấy con bị gãy chân, nhập viện. Rồi một lần khác, khi Nga đang trong phòng mổ lấy đinh ở chân này thì chân kia bị gãy. Nhìn con đau đớn, quấy khóc, lòng chị Tâm nhói đau.

Cứ như vậy, Nga luôn sống trong tình trạng bị gãy xương ngay cả khi bị tác động nhẹ hoặc không rõ nguyên nhân. Bệnh khiến cơ thể Nga phát triển không bình thường, thấp bé, xương cong vẹo, chỉ có thể đi lại quanh nhà bằng chiếc ghế lắp thêm các bánh xe. “Lúc nhỏ, khi không được chạy chơi cùng các bạn, tôi cũng buồn. Nhưng theo thời gian, tôi thích nghi với khuyết tật của mình, tạo động lực sống vui, sống có ích mỗi ngày” - Nga nói.

Bà Nguyễn Thị Bạch Mai (bìa trái) - Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM  - và bà Phạm Thị Thanh Hiền (bìa phải) - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - tặng hoa cho các nhân vật truyền cảm hứng
Bà Nguyễn Thị Bạch Mai (bìa trái) - Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM - và bà Phạm Thị Thanh Hiền (bìa phải) - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - tặng hoa cho các nhân vật truyền cảm hứng

Đến năm 15 tuổi, số lần gãy xương của Nga cũng giảm dần. 20 tuổi, chị được mẹ thuê gia sư về nhà dạy cho biết đọc, biết viết. Cũng trong những năm này, chị bắt đầu làm quen với hạt cườm khi thấy mẹ nhận kết cườm lên áo. Chị nhặt nhạnh những hạt cườm còn sót lại rồi tập xỏ. Ban đầu là những chiếc vòng tay. Sau đó, chị lên mạng học và làm theo các clip hướng dẫn để có những sản phẩm khác.

Thấy con có niềm vui, mẹ chị đã mua thêm nhiều loại hạt khác cho chị tập kết. Dần dà, chị Nga kết được những chiếc vòng tay và các con vật khác nhau… Hàng xóm thấy đẹp, gợi ý chị kết những chiếc móc khóa. Thế là chị Nga có nghề kết cườm từ đó. Thu nhập không nhiều nhưng chị có thêm niềm vui.

Nói về công việc, chị Nga cho biết: “Khi mình làm được các sản phẩm có hình dạng rõ ràng, thành những chiếc móc khóa, vòng tay, mình mê lắm. Cặm cụi làm ngày làm đêm”. Sản phẩm làm ra, chị Nga chỉ bán cho bạn bè, những người quen đến nhà chơi hoặc trong các sự kiện do Hội LHPN phường kết nối.

Ngoài nghề kết cườm, chị Nga còn được người hàng xóm chỉ cho làm móng, gội đầu. Chị kể: “Có lúc thấy bất tiện, khách đề nghị được ngồi bệt xuống sàn cho tôi dễ làm. Vui hơn nữa là không vì sự bất tiện này mà các chị em bỏ mình. Họ vẫn quay lại ủng hộ”.

Chị Nga có 2 người em, trong đó em gái kế cũng mắc bệnh xương thủy tinh. Để lo cho các con, vợ chồng chị Tâm luôn cố gắng làm lụng. Trước đây, chồng chị đi bán hoa tươi tại các chợ, cổng chùa, rồi đi làm bảo vệ, giữ xe. Về sau, anh học nghề cắt tóc và làm nghề ổn định cho đến hiện tại. Chị Tâm cũng nhận đủ thứ việc về nhà và bán thêm bánh cuốn để có thu nhập.

Tự tin, cố gắng từng ngày

Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Hải - một vận động viên khuyết tật giàu ý chí, nghị lực và khát vọng vươn lên trong cuộc sống - thực sự truyền cảm hứng cho nhiều người. Thuở nhỏ, cô gái quê Nghệ An bị sốt bại liệt, chân bị teo. Nhờ chăm chỉ tập luyện, chị đã đi lại được, dù không còn như trước.

Học hết lớp Mười hai, Hải đến TPHCM, xin vào mái ấm tình thương. Nhìn bao người bị khuyết tật nặng hơn mình, cô thấy mình còn may mắn và lấy đó làm động lực để tiếp tục vươn lên. Rồi cô có cơ duyên làm quen với thể thao dành cho người khuyết tật và tham gia tập luyện nhiều bộ môn như bắn cung, đẩy tạ, điền kinh và trở thành vận động viên của đội tuyển thể thao người khuyết tật TPHCM. Vào đội tuyển, Hải càng không ngừng cố gắng. Cô vừa đi học nghề dược, vừa đi giúp việc nhà để có tiền tập luyện.

Ngoài thời gian tập luyện trên sân cùng đồng đội, nhiều lúc Hải còn tranh thủ vào các phòng để tiếp tục tập thể lực. Sau một khoảng thời gian tập luyện, Hải có cơ hội tham gia giải đấu toàn quốc với các bộ môn đẩy tạ, ném lao, ném đĩa, đoạt 2 huy chương vàng và được cử tham gia Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEA Para Games) tại Philippines năm 2005.

Chị Hải chia sẻ: “Vui lắm, vì đây cũng là lần đầu tiên tôi được xuất ngoại, được đi máy bay”. Tại giải đấu này chị đã đoạt 3 huy chương vàng và phá kỷ lục hiện có. Trở về, chị được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Nhắc lại hành trình vượt khó, chị Hải cho biết từng rất cô đơn, mặc cảm với khuyết tật của mình. Nhưng qua thời gian, chị đã cố gắng và khẳng định được vị trí. Chị cũng có được hạnh phúc cùng chồng và 2 đứa con. Để có cuộc sống ổn định, ngoài niềm đam mê thể thao, chị còn chăm chỉ kinh doanh và hiện đang làm tổng đại lý phân phối mỹ phẩm. “Dù có cụt tay, cụt chân hay khiếm khuyết, xấu xí như thế nào thì hãy cứ tự tin, cố gắng từng ngày” - chị Hải nhắn nhủ.

Những câu chuyện đẹp của các “vầng trăng khuyết” đã truyền động lực cho bao người, cả những người lành lặn, tiếp tục phấn đấu vươn lên. Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - đánh giá: “Mỗi câu chuyện của các chị - những “vầng trăng khuyết” - là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng”.

Trong chương trình, Hội LHPN TPHCM và các đơn vị đồng hành đã trao 300 phần quà, tổ chức các gian hàng bày bán sản phẩm do phụ nữ khuyết tật làm ra, như các sản phẩm thủ công, kết cườm, móc len…

Hội LHPN TPHCM cũng trao bằng khen cho 24 gương phụ nữ vượt khó tiêu biểu, trao vốn vay không lãi suất cho 11 chị để phát triển kinh tế gia đình với tổng số vốn là 80 triệu đồng, từ nguồn hỗ trợ của Báo Phụ nữ TPHCM.

Mời xem talk show “Phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”

Theo kế hoạch, lúc 9g ngày 20/4, Báo Phụ nữ TPHCM sẽ phối hợp với Hội LHPN TPHCM tổ chức buổi thảo luận truyền hình (talk show) Phụ nữ thời đại mới số 2 năm 2025 với chủ đề “Phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”. Đây là diễn đàn chia sẻ, trao đổi về công tác cán bộ nữ, sự đóng góp của phụ nữ vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong thời gian qua, gợi mở những giải pháp phát huy vai trò của cán bộ nữ trong thời gian tới.

Chương trình dự kiến có sự tham dự của bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, bà Thái Thị Bích Liên - Phó trưởng Ban tổ chức Thành ủy TPHCM, bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM, tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn (Học viện Cán bộ TPHCM).

Chương trình sẽ được phát trực tiếp (live stream) trên kênh YouTube, trên trang Facebook (fanpage) và phiên bản điện tử Báo Phụ nữ TPHCM (phunuonline.com.vn), trên fanpage của Hội LHPN TPHCM và hội LHPN các cấp. Từ hôm nay, bạn đọc có thể đặt câu hỏi cho các đại biểu dự talk show qua email toasoan@baophunu.org.vn hoặc qua số điện thoại 0913159315. Rất mong nhận được sự quan tâm, tương tác của quý bạn đọc.


Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI