Sau ba năm chồng vợ, đang an yên với tay hòm chìa khóa thì một ngày, chồng tôi đưa ý kiến: “Mình thử đổi vai nhé. Để anh giữ tiền một thời gian xem sao, nghe em ca bài ca con cá về việc tiền nong hoài, chán quá”. Tôi gật đầu cái rụp, kèm theo câu: “Ráng làm tốt vai trò nghe cưng”.
Và tất nhiên sau đó, thẻ ATM trao cho chồng, giao luôn mật khẩu. Tháng đầu, “nhân viên tập sự” nhờ tôi lên danh sách những nhu yếu phẩm cần mua cho gia đình trong tháng, còn tiền chợ búa hàng ngày anh bảo anh sẽ “tùy hỉ”. Khi cầm danh sách trên tay, quanh quẩn những gạo, muối, tương, mắm, xà bông, nước xả, nước lau sàn… anh cười nửa miệng: “Dễ như trở bàn tay!”.
Nhưng bữa cơm chiều đầu tiên của thời gian chồng giữ tiền sao chỉ có canh khoai mỡ và trứng chiên, những món đứa con hai tuổi rưỡi không ăn được. Ít nhất thì cũng phải có khúc xương hầm cho nó vừa mút tủy vừa khen ngon hay có khoanh cá lóc luộc chứ, con dị ứng trứng kia mà. Anh bảo: “Tiết kiệm đi, cứ ăn canh, rắc thêm chút chà bông chứ gì mà làm quá”. Chà bông của tháng trước vẫn còn.
Thằng bé cũng xong bữa cơm chiều. Nhưng từ chiều tới lúc đi ngủ vẫn còn xa, mà con thì phải có hộp sữa chua, chồng vợ cũng cần chút trái cây gì đó, sao anh không mua? Anh bảo: “Sữa chua thì duyệt, trái cây dẹp đi, phải tiết kiệm”.
Bữa sáng thường tôi nấu ăn ở nhà, hai tô thôi, nhưng đủ dinh dưỡng và không gian ấm áp hơn. Nhưng… anh bảo anh quên mua hành ngò, tôm khô, rau giá. Thôi ăn đỡ mì nước sôi.
Bữa trưa, tất nhiên anh phải “phát lương” cho tôi như tôi từng “phát lương” cho anh. Nhưng sao anh chỉ đưa em có hai chục? “Tiết kiệm đi, cơm văn phòng làm gì, cơm bụi rẻ hơn”. Tôi phản đối, rằng cơm văn phòng ba lăm ngàn/suất, trước giờ em vẫn đưa anh chẵn bốn chục, sao nay anh “cắt giảm” em còn năm mươi phần trăm? Mà chỗ làm của em, đi cả cây số mới có cơm bụi. Thế là chồng miễn cưỡng rút ví đưa tôi thêm mười lăm ngàn.
Chiều tan sở, tôi về trước, đến trường rước con và thật thoải mái gì đâu vì không phải chen lấn chợ búa với xe cộ bụi bặm. Mẹ con về nhà, con chạy tung tăng múc từng ca nước tưới hoa, mẹ thì nhặt cỏ, xới đất quanh quanh mấy chậu mai, ớt, phát tài… Nhưng đã 5g30 mà vẫn chưa thấy chồng về. Tôi gọi, nhắc anh đi chợ nhanh nhanh tí, mua gòn gọn thôi, để em còn làm cơm kịp, bảy rưỡi tối nay nhà mình còn sang nhà nội bàn việc cô út đi lao động nước ngoài. Trong tiếng kèn xe pin… pin tôi nghe cả tiếng dzô… dzô… rất hào hứng và giọng anh nhỏ xíu: “Chết… anh quên… chờ tí”.
Bữa cơm thứ hai, từ lúc chồng tôi giữ tiền là cá hộp, dưa leo. Tôi bảo, anh cứ tự nhiên ăn như vậy, còn đưa em năm chục để em và cu Bin ra ngoài ăn, chứ kiểu này mẹ con em không nuốt được. Thế là anh đấu dịu bằng cách… cả nhà cùng ăn ngoài, ăn xong sang nhà nội luôn. Tròn một tuần chồng tôi tay hòm chìa khóa thì tới dịp đóng tiền an ninh trật tự khu phố, tiền rác, tiền ủng hộ trẻ em nghèo hiếu học (mấy cái quỹ này mỗi quý đóng một lần). Anh nhăn nhó móc bóp than sao mà “hao đạn”, hồi sáng đóng tiền ăn cho cu Bin, cô giáo đã “khuyến khích” nộp thêm tiền mua quạt, tiền làm lại sân trường rồi.
Tôi ngồi giũa móng tay mà ráng nín cười.
Tình hình ăn uống mấy ngày nay có khá hơn bởi tôi lên thực đơn với ba món canh, kho, xào nhưng sau mỗi lần đi chợ chồng đều than “sao cái gì cũng mắc hơn dự toán”.
Giữa tháng lương là tới tiền internet, tiền điện, nước. Mỗi lần móc bóp là mặt chồng tôi héo thêm, tôi thì ruột nở ra một đoạn. Nhưng anh cũng “lội” qua được hai tháng.
Tháng thứ ba sau ngày “đổi vai trò”, bỗng dưng cả nhà đang ăn cơm thì điện tắt phụt. Nhìn qua hàng xóm vẫn sáng trưng. Thế là vợ bồng con ra ngõ, chồng lui cui lấy đèn pin soi xem cầu chì, dây điện có làm sao không. Cuối cùng, tất cả đều bình thường, chỉ là anh… quên đóng tiền điện sau khi nhậ n giấ y nhắ c nhở và i lầ n nên bị cắt. Đêm đó, đã biết cảm giác “lò bánh mì” như thế nào trong ngôi nhà bốn mươi mét vuông. Chỉ chồng có thể ra hiên ngủ, còn tôi phải thức suốt đêm quạt cho con.
Giải pháp trả tiền điện qua tài khoản đã được áp dụng ngay sau đó. Nhưng rồi tôi cảm thấy nhan sắc mình lúc này kém quá, mụn nổi đầy, da sần sùi, bụng hay đau… Công việc ở bộ phận truyền thông của tôi rất cần đến ngoại hình, mà mặt mũi vầy thật khó coi, Thế là đi bác sĩ, để “dân chủ”, chồng sẽ tự tay trả tiền thuốc luôn. Kết quả, tôi không bệnh gì nhiều, chỉ là thiếu vitamin do ăn uống không đủ chất. Vài lọ thuốc chống táo bón, chống nhiễm trùng do nhiều mụn bọc và lọ Vittamin E đẹp da đã “đứt ngọt” triệu hai. Chồng tôi vai gù xuống, dáng thiểu não như… sắp động đất khi bước ra khỏi phòng khám.
Dù tiền thuốc tốn nhưng cũng không thể cắt giảm tiền chợ. Mà vài nhu cầu “bỏ đi” của phụ nữ cũng cần. Hôm tôi “xin” anh tiền mua vài món “bảo vệ hạnh phúc gia đình” thì anh đưa ngay mười ngàn: “Này, bịch băng vệ sinh, đủ rồi nhé! Thuốc tránh thai thì xin ở trạm y tế phường thôi”. Tôi tròn mắt hỏi ở đâu ra giá này? Anh bảo hồi… chưa lấy em, có lần con em út xin anh chừng ấy tiền mua “cái đồ bỏ đó”. Tôi bảo, “hồi đó” là cách đây lâu rồi anh. Còn thuốc tránh thai, ô kê, em sẽ xin ở phường về cho... anh uống. Hình như “nhột” nên chồng càu nhàu ỉu xìu: “Ba cái đồ quỷ đó mà cũng mất tiền mua…”.
Dù sao thì tôi cũng thầm khen chồng “nội công” khá, bởi chín mươi ngày qua mà chưa thấy anh mở miệng than van chuyện tiền nong.
Nhưng rồi một hôm đang giữa giờ làm, tôi nhận được cuộc điện thoại báo phải vào viện gấp vì anh đang cấp cứu. Chẳng biết vì lý do gì mà người đàn ông bốn mươi phơi phới sức xuân như chồng tôi lại vào bệnh viện? Dù có bảo hiểm nhưng tiền tạm ứng vẫn phải đóng. Bóp vẫn nằm trong túi anh, nhưng mới nửa tháng lương, mà tiền chỉ còn vài trăm ngàn?
Bác sĩ bảo: “Anh nhà bị suy nhược thần kinh. Chắc là áp lực công việc. Bà nên quan tâm sức khỏe anh ấ y hơn. Suy nhược nặ ng có thể dẫn đến nhiều chứng bệnh khó lường”. Nằm bệnh viện hai hôm, vô vài chai nước biển, bè bạn đến thăm cũng đông, nhưng anh toàn ngủ. Đến khi mở mắt thức dậy thấy hoa, bánh, nước yến, sữa… đầy phòng thì hốt hoảng: “Chết rồi… sao em mua nhiều quá, làm sao mà đủ tiền…”. Tôi cười, bảo là của bạn bè, đồng nghiệp thăm bệnh. Anh cứ an tâm mà nghỉ ngơi để lo... “tay hòm chìa khóa” cho thời gian sắp tới. Chồng nhỏ giọng: ”Vợ ơi… anh xin lỗi, em hãy giữ tiền như trước đi, chứ hơn ba tháng nay anh sắp điên rồi. Đầu óc lúc nào cũng tiền, tiền, tiền… Không làm được gì cả”. Và sau ba tháng chồng giữ tiền, mọi trật tự trong nhà tôi đã trở lại như trước.
Trang Đào