Lấp đầy khoảng cách trong nhau

14/05/2024 - 16:21

PNO - Lần đầu tôi khóc không thành tiếng là khi thấy má tôi giấu nước mắt tiễn mình lên xe đò rời quê 21 năm trước.

Từ cuộc đi

Tôi vui mừng vì trúng tuyển đại học ở Sài Gòn, nhưng nhìn dáng má quay lưng khi tôi bước lên ghế ngồi phía đuôi xe, tôi đã không cầm được lòng mình. Tôi nhớ má đã nói: “Ráng học ít năm đi rồi má con mình đoàn tụ”. Tôi trấn an má: “Má yên tâm, con sẽ biết giữ gìn sức khỏe và gắng học”.

Thế rồi tôi đi. 4 năm đại học trôi qua, tôi quyết định tìm việc làm ở thành phố - nơi có nhiều cơ hội và cũng là mảnh đất phù hợp với ngành nghề mình theo đuổi. Má tôi ủng hộ: “Ừ, thôi ráng đi, mỗi năm về thăm má, thăm nhà vài lần hoặc giữa năm khi mùa vụ rảnh rang, má vô Sài Gòn thăm con”.

Từ đó, mỗi năm tôi chỉ về thăm má một vài lần. Suốt thời sinh viên, họa hoằn lắm tôi mới có cuộc trò chuyện điện thoại đường dài với má. Thời ấy, điện thoại di động chưa phổ biến như bây giờ. Những cuộc trao đổi thông tin giữa người đi người ở cách nhau gần ngàn cây số chủ yếu thông qua thư từ.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Những lá thư tôi nắn nót viết vài trang giấy đủ để kể tình hình 1 tháng qua cho má, rồi lại ngóng chờ tin má từ nét chữ run run của người làm nông, ít khi cầm bút viết. Má cũng kể cho tôi nghe những chuyện ở nhà, chuyện bà con lối xóm, mùa màng, nắng gió, mưa bão…

Kết nối yêu thương giữa người đi, người ở dần cải thiện theo hướng hiện đại khi điện thoại di động xuất hiện. Tôi nhớ chiếc Nokia mình dùng liên lạc với má được ví là “điện thoại cục gạch”, mua lại từ tiệm điện thoại cũ, giá rẻ, bằng khoản tiền nhuận bút đầu tay. Dần dần, điện thoại thông minh đã giúp cho những cuộc kết nối trở nên dễ dàng và càng gần gũi hơn khi có “video call”, người gọi vừa nghe tiếng, vừa thấy mặt.

Nhiều năm nay, tôi vẫn xa má cùng cậu con trai 6 tuổi của mình ngần ấy cây số, nhưng dường như ngày nào cũng “gặp nhau” qua chiếc điện thoại nhỏ có kết nối internet. Công nghệ đã kéo gần khoảng cách và giúp cho những cuộc đi, ở trở nên bớt chông chênh.

“Con sẽ ráng làm việc ít năm nữa, rồi sẽ đón má với con của con lên thành phố”. Má tôi trầm ngâm: “Má chưa nỡ đi. Nhà mình còn đó, không ai nhang khói, đất quê quen thuộc, má sống gần cả đời ở đây nên đi xa chắc buồn lắm”. Tôi hiểu tâm tư của má và tôn trọng. Tết năm nay trở về, tôi cũng lại rời quê đi thành phố như mọi lần với sự bịn rịn hơn. Má tôi ngày càng lớn tuổi, con tôi càng lớn và cần ba ở bên.

“Con ưng ba ở nhà luôn với con và nội”. Tôi nhìn con, chỉ biết ôm thằng bé vào lòng, im lặng. Tôi quyết định năm nay phải sắp xếp công việc về quê, làm online, thu nhập ít hơn cũng được. Vén khéo, gần người thân vẫn hơn.

Giải bài toán yêu thương

Ước nguyện được ở gần người thân thương của những đứa trẻ là thật. Hồi tết rồi, đọc bản tin về bé trai 10 tuổi đạp xe từ Phú Yên, muốn vào Bình Dương để gặp mẹ, vì người mẹ đi làm xa không về tết, khiến tôi chạnh lòng. Từ nỗi nhớ sâu sắc, cậu bé đã “liều lĩnh” đạp xe đi vào Bình Dương - một địa chỉ mơ hồ biết được qua miệng người lớn.

Những cuộc “sinh ly” luôn khiến người thương nhau nhung nhớ, ít nhiều tổn thương và tủi thân mỗi khi nghĩ về, nhắc đến. Không chỉ là rời quê lên phố kiếm việc làm mà nhiều người còn lặn lội ra nước ngoài mưu sinh. Tuy tàu xe không còn khó khăn như xưa và điện thoại thông minh đã kéo gần khoảng cách địa lý thông qua những cuộc gọi “video”, nhưng khi hữu sự, lúc cần đỡ nâng tinh thần, việc trở về, tìm tới cũng ít nhiều trở ngại.

Rất nhiều đứa trẻ đã phải sống với ông bà vì ba mẹ đi làm ăn xa. Riêng ở quê tôi, hầu như nhà nào cũng có người đi thành phố, gần thì Đà Nẵng, xa thì TPHCM, Bình Dương… Nhiều gia đình ông bà thành bảo mẫu của cháu.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 72.294 người, gấp hơn 1,55 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong giai đoạn dịch dã, Tổng cục Thống kê cho biết, khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch. Số người ở lại cũng hàng triệu người.

Sau khi dịch ổn, số người hồi hương dần trở lại thành phố theo guồng quay cũ. Nhìn cảnh trước và sau tết, người lao động chen chúc đi về, rồi trở lại thành phố khiến đường sá, tàu xe ken đặc mới thấy câu chuyện đi, ở mỗi dịp đầu năm luôn khiến người trong cuộc khó cầm lòng.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Làm sao để những đứa trẻ lớn lên cùng ông bà được phát triển tốt về thể chất lẫn tâm lý? Làm sao để người ở quê có được việc làm trên chính mảnh đất quê hương, để có thể nuôi dạy con cái mình trực tiếp, kiến tạo gia đình tương đối ổn định trong nếp nhà Việt Nam?

Thực tế, có những người đã chọn bỏ phố về quê vì đã có giải pháp cá nhân. Làm việc online là một cách hoặc phát triển nông nghiệp sạch từ mảnh đất cha ông… Nếu chưa thể có sự dịch chuyển lao động, những đứa trẻ vẫn phải sống với ông bà suốt năm tháng tuổi thơ thì ba mẹ và ông bà phải trang bị kỹ năng lấp đầy khoảng trống nhớ thương. Cách thức giáo dục cho những trường hợp này cũng cần được định hướng một cách khoa học - một đặt hàng cho các chuyên gia tâm lý, các nhà xã hội học.

Lâu dài, quan trọng hơn là chính sách phát triển ở từng địa phương để người quê không phải rời quê, khó khăn trở về dù bến yêu thương luôn đợi chờ.

Để trẻ bớt tổn thương

Việc ba mẹ xa con vì cuộc mưu sinh là một lựa chọn khó khăn, bất đắc dĩ. Cả ba mẹ và con cái đều không thể tận hưởng khoảnh khắc được gần gũi, chăm sóc, nhìn con lớn lên mỗi ngày. Con cái cũng ít có cơ hội được ba mẹ dạy dỗ, hướng dẫn, chia sẻ, nhất là trong khoảng thời gian từ 0-6 tuổi, được xem là định hình tính cách của trẻ.

Thêm nữa, việc trẻ ở với ông bà - có một khoảng cách thế hệ nên khó có thể hiểu, chia sẻ. Việc quản lý con cháu trong sử dụng điện thoại của ông bà (trực tiếp) và ba mẹ (ở xa) cũng là điều đáng lo. Sự tổn thương trong nỗi niềm xa nhau, thương nhớ dài lâu có thể khiến trẻ mặc cảm, tự ti, có cảm giác thèm muốn tình thương của ba mẹ, rồi thấy thua thiệt so với bạn bè. Từ đó, trẻ có thể nổi loạn, không còn nghe ý kiến ba mẹ, thậm chí trách móc…

Để trẻ giảm bớt những tiêu cực nói trên, ba mẹ nên sắp xếp về thăm con định kỳ hoặc tổ chức để ông bà đưa cháu đi thăm ba mẹ ở thành phố. Mỗi ngày, ông bà có thể tỉ tê với cháu, nói về nỗi khổ của ba mẹ khi phải xa con, vì tương lai con mà chịu thiệt thòi. Qua đó, hun đúc cho trẻ tình thương, lòng biết ơn, để nỗ lực hơn trong học tập, sống tốt cho ba mẹ vui lòng… Việc về thăm của ba mẹ như phần thưởng lớn vào dịp lễ, tết, để có gắn kết hơn. Mỗi tối, ba mẹ có thể gọi điện trò chuyện, nhắc nhở con học hành, lắng nghe tâm sự của con để rút ngắn khoảng cách, kết nối sâu hơn với con.

Thạc sĩ giáo dục Lê Trường An
- giảng viên Trường đại học Mở TPHCM

Lưu Đình Long

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI