Lấp đầy chiếc tổ trống

17/07/2016 - 06:39

PNO - Càng lớn tuổi, tôi càng mất kiên nhẫn, khó mà chờ đợi được. Nhiều hôm tôi rất bực, cáu gắt, cằn nhằn, bao nhiêu thứ chỉ chờ anh ấy về là xổ tung ra.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Tôi 51 tuổi, chồng tôi hơn tôi bốn tuổi. Chúng tôi vừa tổ chức đám cưới cho con gái đầu lòng, con trai thì đã đi du học. Gia đình bây giờ còn lại có hai vợ chồng, tuổi tác chưa hẳn đã già, nhưng cũng không còn trẻ. Tôi có công việc của tôi, anh ấy có công việc của anh ấy. Nhiều hôm đi làm về rất mệt, nhưng tôi cũng cố nấu nướng cho ra bữa, rồi dọn mâm bát, nhưng anh ấy lại không về ăn, hoặc về rất trễ.

Càng lớn tuổi, tôi càng mất kiên nhẫn, khó mà chờ đợi được. Nhiều hôm tôi rất bực, cáu gắt, cằn nhằn, bao nhiêu thứ chỉ chờ anh ấy về là xổ tung ra. Nhiều bạn khuyên tôi thuê một người giúp việc, nhưng tôi thấy vô lý, xưa kia bao công việc bận rộn, một mình tôi cáng đáng hết, bây giờ con đi vắng, chồng cũng ham đi hơn ham ở nhà, tôi thuê người giúp việc để làm gì.

Chồng tôi xưa kia vốn không đến nỗi lơ là việc nhà hay đàn đúm nhậu nhẹt, nhưng gần đây anh ấy đi nhiều hơn. Tôi nghĩ do tính tình mình thay đổi, về nhà thấy lạnh và trống vắng, lại thêm vợ cáu gắt cằn nhằn, nên anh ấy không thích về thường xuyên như trước, có về sớm cũng ít nói chuyện, cứ cắm đầu vào máy tính, đọc báo, xem phim. Cứ như vậy rồi chắc sẽ sinh nhiều chuyện khác, nên tôi lo lắng.

Làm cách nào để lấp đầy những khoảng trống trong nhà, để gia đình vui vẻ ấm áp? Chúng tôi đều mệt mỏi, tuổi tác công việc cũng đã cho phép được đi, được biết nhiều nơi, nên nói đến chuyện du lịch cũng chẳng mấy hứng thú. Xin chị cho tôi một lời khuyên thiết thực.

Thanh Thảo (TP.HCM)

Lap day chiec to trong
Ảnh mang tính minh họa

Chị Thanh Thảo thân mến,

Hội chứng “chiếc tổ trống” là hội chứng được các nhà tâm lý học đầu tư nghiên cứu hẳn hoi. Khi người ta bắt đầu vào độ tuổi thành đạt, con cái ổn định đời sống riêng, các nhu cầu kinh tế tạm đủ, thì bỗng nhiên người ta nhìn lại gia đình mình và thấy nó trống rỗng, trống vắng. Ý nghĩa của đời sống gia đình bị rơi rụng đi nhiều. Người phụ nữ cảm nhận về chiếc tổ trống này mạnh hơn chồng, do bản năng làm vợ làm mẹ của họ. Tuy nhiên, việc lấp đầy chiếc tổ trống, thắp và giữ ngọn lửa ấm trong gia đình, thì cần đến cả hai vợ chồng chứ không phải một mình ai.

Mỗi độ tuổi, người ta đều có những sinh hoạt riêng. Chị có thể tìm cho mình những hoạt động mà cả hai vợ chồng đều có thể tham gia cùng nhau, ví dụ tập thể dục, hay đơn giản như việc cùng nhau đi bộ một vòng sau bữa tối. Tìm một dự án để chồng cùng tham gia, đề cao vai trò của anh ấy, ví dụ việc chuẩn bị tài chính cho con trai đang du học, hay nhắm nhe chuẩn bị chỗ làm cho con khi con tốt nghiệp.

Các dự định hướng về gia đình nội ngoại, như thăm bà con họ hàng hay mồ mả gia tộc bên chồng cũng là những gì mà tuổi này người ta bắt đầu nghĩ đến. Chuyện đi du lịch cũng không hẳn phải đúng kiểu theo tour khám phá nơi này nơi nọ, mà có thể sắp xếp một chuyến vợ chồng cùng nhau đi thăm con, vừa tình cảm, vừa thắt chặt mối dây giữa các thành viên gia đình.

Bữa ăn, tính ra, nên coi là chuyện nhẹ nhàng thôi chị ạ, vì ở tuổi này cũng không cần phải ăn nhiều, ăn no quá. Hôm nào đó, chị và anh cùng có thể đi ăn nhà hàng, đi để thư giãn và chuyện trò, đó cũng là một niềm vui mà ngày xưa ít có điều kiện thụ hưởng cùng nhau. Chúc chị tìm được niềm vui trong cuộc sống của mình, khi đó, những chỗ trống sẽ tự được lấp đầy.

Hạnh Dung

(hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI