Quyết tâm hay chỉ làm… cho vui?
Mặc dù ca Huế đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc từ hàng chục năm nay, góp phần mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Song, việc biểu diễn ca Huế trên sông Hương đang xuất hiện nhiều vấn đề bất cập, cần chấn chỉnh: cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá các suất diễn, chương trình bị cắt xén, thay thế nghệ sĩ chưa được thẩm định và cấp phép… dẫn đến chất lượng nghệ thuật giảm sút, ảnh hưởng đến giá trị sản phẩm du lịch.
Nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm câu lạc bộ Ca Huế thính phòng, nhận định tình trạng “bát nháo” ca Huế trên sông Hương đến từ nhiều phía. Trước hết, nhiều chủ thuyền tự đứng ra tổ chức diễn, và để cạnh tranh nhau, họ hạ giá, mời các nghệ sĩ trẻ, nghệ sĩ “một bài” diễn để trả thù lao ít hơn. Thậm chí, có người còn đưa con, cháu của mình “chen” vào biểu diễn những bài hát trữ tình về Huế. Việc tổ chức này đã làm cho nghệ thuật ca Huế bị “bán rẻ”, gây hiểu nhầm cho du khách và “buồn lòng” người am hiểu nghệ thuật.
|
Từ ngày 25/12 triển khai lắp camera giám sát Ca Huế trên thuyền rồng sông Hương |
Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện có 12 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tổ chức biểu diễn ca Huế. Các đơn vị này hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, được phép đăng ký kinh doanh, tổ chức biểu diễn ca Huế theo quy định tại Nghị định 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 09/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Phần lớn đây là các doanh nghiệp nhỏ, hoạt động chưa chuyên nghiệp, nên chưa phát huy được những giá trị của di sản ca Huế.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng đề án “Phát huy giá trị và xây dựng ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa đặc sắc giai đoạn 2020 đến 2025” của tỉnh Thừa Thiên - Huế lần này, ngoài chấn chỉnh và nâng cao chất lượng ca Huế trên sông Hương, địa phương cũng cần có kế hoạch mở rộng không gian biểu diễn ca Huế. Tùy nhu cầu của các du khách để họ có những chọn lựa thưởng thức ở không gian biểu diễn thích hợp. Đó cũng là lý do dẫn đến việc những thế hệ nghệ sĩ “gạo cội” nắm được nhiều bài bản ca Huế như: Thanh Tâm, Kim Vàng, Kim Liên, Thu Hằng... không còn mặn mà xuống thuyền rồng phục vụ ca Huế cho du khách.
Lắp camera trên thuyền rồng để giám sát Ca Huế
Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng 450 diễn viên, nhạc công tham gia biểu diễn ca Huế. Đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân ngày càng tăng với bốn nghệ sĩ nhân dân, 35 nghệ sĩ ưu tú, 15 nghệ nhân ưu tú; phần lớn trong số đó có hoạt động liên quan đến nghệ thuật ca Huế. Đây là một lợi thế lớn cho việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của lĩnh vực nghệ thuật này. Trong số đó, lực lượng diễn viên, nghệ sĩ trẻ được đào tạo, bổ sung hằng năm, đang sinh hoạt chủ yếu tại các câu lạc bộ Ca Huế: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao TP.Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật, và tham gia biểu diễn cho 11 doanh nghiệp có tổ chức dịch vụ biểu diễn ca Huế. Ngoài ra, còn có nhiều câu lạc bộ Ca Huế hiện đang sinh hoạt tại một số tỉnh, thành phố khác như: Hà Nội, TP.HCM, Quảng Trị, Quảng Bình...
|
Biểu diễn Ca Huế phục vụ công chúng tại Bảo tàng Văn hóa Huế |
Về công tác đào tạo, ngoài Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh đang tuyển sinh và đào tạo các chuyên ngành ca Huế, nhạc công truyền thống Huế, thì Học viện Âm nhạc Huế (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng có bộ môn đàn và hát ca Huế, thuộc Khoa Âm nhạc di sản. Đây là hai cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, bài bản và đóng góp nhiều thế hệ nghệ sĩ ca Huế tài danh. Việc đào tạo chất lượng “nguồn” cho ca Huế không chỉ dừng lại ở phát triển kỹ năng chuyên môn về nghệ thuật, mà còn bổ sung các chương trình, môn học rèn luyện kỹ năng phục vụ khách du lịch cho học sinh, sinh viên.
Ca Huế được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015, đang được xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Là di sản, phải khai thác bài bản, tổ chức chuyên nghiệp thì mới thực sự được phát huy và trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương.
Bây giờ, nhiều MC khi giới thiệu về chương trình biểu diễn ca Huế trên sông Hương còn không thực sự hiểu rõ ca Huế, thì làm sao quảng bá được rộng rãi loại hình nghệ thuật di sản này? Thậm chí bây giờ một số du khách xuống thuyền rồng chỉ chăm chú vào nhan sắc của ca nương trẻ, tặng “hoa bồi dưỡng” cho họ, mà không cần hiểu ca Huế là gì.
Nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm câu lạc bộ Ca Huế
|
Thế nhưng, tình trạng ca Huế “bát nháo” vẫn chưa được “dọn sạch”. Đó cũng là lý do vì sao UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ra quyết định số 62/2020/QĐ-UBND về quy chế Hoạt động biểu diễn và tổ chức dịch vụ biểu diễn ca Huế trên địa bàn tỉnh, thay thế cho quyết định số 09/2016/QĐ-UBND trước đó. Quyết định mới này được áp dụng bắt đầu vào ngày 25/12, và được đánh giá là một trong những biện pháp nhằm khắc phục tình trạng lộn xộn, những tồn tại của hoạt động biểu diễn ca Huế trong thời gian qua.
Điều đáng lưu ý là UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các thuyền du lịch có hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế phải lắp đặt từ một đến hai camera giám sát, kết nối với cơ quan quản lý khi tham gia hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương. Đối với không gian biểu diễn ở các khách sạn, nhà hàng, phải đảm bảo thông thoáng, không trang trí các loại tranh ảnh không phù hợp với không gian diễn xướng ca Huế…
Ông Nguyễn Thiên Bình, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, thông tin: hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương khó quản lý, vì liên quan đến nhiều ngành. Thậm chí nhiều thuyền du lịch cùng lúc hoạt động nên không đủ nhân lực để kiểm tra thường xuyên. Ngoài ra, việc kiểm tra thường xuyên cũng dễ gây phản cảm đối với du khách đang thưởng thức dịch vụ ca Huế.
|
Biểu diễn Ca Huế trên sông Hương |
Do đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, lắp camera để kiểm tra, giám sát chất lượng biểu diễn ca Huế trên sông Hương là rất cần thiết. Ngoài ra, trước khi UBND tỉnh có quy định tại quyết định số 62/2020/QĐ-UBND, Sở Văn hóa và Thể thao đã đề xuất ý tưởng lắp camera theo dõi, quản lý hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương và đã được các đơn vị trong tổ liên ngành đồng tình, nhất trí. Vấn đề này cũng đã được phổ biến đến 12 doanh nghiệp tổ chức hoạt động biểu diễn ca Huế trên địa bàn tỉnh và cũng nhận được sự đồng thuận.
Hiện nay, có 134 thuyền du lịch tham gia hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế trên sông Hương, trong đó có năm thuyền du lịch “hạng sang”. Việc quy định lắp đặt camera đồng bộ ở các thuyền nói trên không chỉ sẽ góp phần giám sát hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế trên sông Hương, mà còn theo dõi, quản lý được nhiều vấn đề xã hội khác, trong đó có nạn xả rác xuống sông… “Các máy quay thông minh sẽ quay lại các buổi biểu diễn, sau đó chúng tôi sẽ mở xem lại và kiểm tra. Nếu chương trình biểu diễn không đảm bảo về thời lượng, số lượng diễn viên nhạc công, hay không tuân thủ các quy định hiện hành, thì sẽ tiến hành xử phạt” - ông Nguyễn Thiên Bình nói.
Ngoài ra, để đảm bảo việc khai thác và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật di sản ca Huế, Sở Văn hóa và Thể thao cũng đề xuất UBND tỉnh xem xét hình thành các bến đón và bến trả khách riêng biệt, nhằm đảm bảo văn minh và an ninh trật tự.
Thuận Hóa