Lập boong-ke để bảo vệ nội dung bom tấn

16/04/2019 - 06:00

PNO - Dùng kịch bản kỹ thuật số- khi cảnh quay dứt thì kịch bản cũng biến mất; đưa kịch bản giả cho các diễn viên; lập phòng boong-ke cho biên tập... là những điều mà các nhà sản xuất bom tấn đã làm để phim không bị rò rỉ.

Có một căn phòng trong boong-ke ở Santa Monica, California, nơi tất cả các cửa sổ đều tối thui. Ngay cả khi dù có thể quyến rũ được bảo vệ bên ngoài, bạn vẫn cần phải quét vân tay mới được vào trong bởi những thông tin dán trên tường đều là dạng tuyệt mật. Đây là khu căn cứ của chính phủ? Không, đây chỉ là phòng biên tập sêri truyền hình mới của Amazon.

Khi thông tin về các biện pháp công nghệ cao chống spoil (tiết lộ nội dung) cho sêri Chúa tể của những chiếc nhẫn của hãng được tiết lộ, nhiều người đã chế nhạo nó. Chris Ryan, người dẫn Watch- một chương trình văn hóa của trang phim Ringer, đã so sánh các biện pháp này với “làm việc trong chế độ Xô Viết sụp đổ những năm 80”: “Giờ đây, bí mật là điều rất quyền lực. Tôi nghĩ họ đang dùng nó để thu hút sự chú ý". 

Lap boong-ke de bao ve noi dung bom tan
Bạn sẽ không bao giờ biết được chuyện gì sắp xảy ra... Emilia Clarke và Kit Harington trong một cảnh của Trò chơi vương quyền mùa 8. (Ảnh: HBO)

Trong thời buổi này, có cảm giác như một chút chi tiết cỏn con nhất cũng có thể bị coi là làm hỏng trải nghiệm của người xem. Nhưng như thế nào sẽ làm hỏng trải nghiệm đó, một bộ trang phục mới, tên của một tập hay cuộc gặp của hai nhân vật? Thật khó để đánh giá bởi chẳng có định nghĩa chính xác nào về việc này– và với người hâm mộ đầy tận tâm, sẵn sàng càn quét mạng để tìm ra bất cứ manh mối nào có thể giúp ngoại suy nội dung chương trình yêu thích, việc giữ bí mật đối với họ càng trở nên khó hơn.

Năm nay, ba trong số “quái thú” lớn nhất của văn hóa xem đều đang đạt tới đỉnh điểm của mình – Trò chơi vương quyền, bộ ba Chiến tranh giữa các vì sao  Avengers của Marvel. Đáp lại, bản thân việc chống tiết lộ nội dung cũng trở thành một ngành công nghiệp. Kịch bản tự phát nổ (giống như siêu nhân Robert Hunter của Marvel, có khả năng tự phát nổ rồi tái sinh) và công nghệ chống máy bay không người lái, cảnh giả, khách mời giả, phim giả được sử dụng chủ yếu để đánh lạc hướng khán giả nghe giống như chiến lược cực đoan trong những bộ phim gián điệp, nhưng giờ đây, chúng thường được sử dụng ở hậu trường để ngăn việc thông tin bị lộ ra ngoài.

HBO và Amazon giờ bắt đầu nhận ra điều Disney và Marvel đã biết từ lâu: bí mật có thể thu hút sự chú ý, kiểm soát câu chuyện chặt chẽ hơn và ngăn chặn tiêu cực trên mạng xã hội.

Trò chơi vương quyền, câu chuyện sử thi sẽ kết thúc năm nay với mùa 8, từng nhiều lần bị tiết lộ nội dung. Vụ tin tặc năm 2017 khiến kịch bản mùa 7 bị lộ, tiết lộ gần như mọi cú twist, cái chết và câu chuyện chung. Chi nhánh của HBO ở một số quốc gia cũng vô tình lên sóng sớm hai tập. Trước đó, phần 5 và 6 cũng bị rò rỉ ít nhiều. Thế nên, công ty sản xuất đang quyết tâm ngăn chặn bất cứ khả năng rò rỉ nào của phần cuối.

Nikolaj Coster-Waldau, người đóng vai Jaime Lannister trong phim, từng nói với EliteDaily rằng việc bảo mật phim đã lên tới “cấp độ điên rồ”, kịch bản phim được sử dụng trên nền tảng kỹ thuật số, và kết thúc ngay sau khi quay phim dừng: “Khi xong cảnh, kịch bản biến mất luôn.” Sophie Turner, người đóng vai Sansa Stark, nói rằng thiết bị vô hiệu hóa máy bay không người lái đã được sử dụng trong quá trình quay phim ở Bắc Ireland. Một số cảnh trong mùa 8 còn được quay gần sân bay Belfast, khu vực chỉ định cấm máy bay không người lái, flycam.

Lap boong-ke de bao ve noi dung bom tan
Cảnh giả khiến bạn không thể tin vào mắt mình. Ảnh: HBO

Một người từng làm việc trong đoàn Trò chơi vương quyền vài năm, cho biết việc kiểm soát thông tin nghiêm ngặt hơn là do truyền thông đã lờ đi lệnh cấm. Ví dụ, sau buổi khởi chiếu mùa 5, diễn ra ở Tháp London, mô tả chi tiết về tập đầu đã được đăng lên Reddit ít giờ sau.

Trò chơi vương quyền, giống như phim của Marvel, có lượng người hâm mộ đông đảo riêng, những người chắc chắn sẽ xem phim. Việc lộ thêm những thông tin có thể lấy mất đi của khán giả những khoảnh khắc gây bất ngờ khi phim ra mắt. Một số người hâm mộ thật sự không muốn biết quá nhiều trước khi xem”. Cũng theo nhân vật này, kiểm soát chặt chẽ cũng có nghĩa là khi có bất cứ thông tin nào xuất hiện nhỏ giọt trên truyền thông, thì đó là ý của người sáng tạo phim.

Mùa cuối của một số sêri đình đám khác, như Tập làm người xấu hay Gã điên, mức độ cường điệu cũng tương tự, nhưng do trường quay xa xôi và thường ở trong nhà nên những người có khả năng tiết lộ nội dung khó tiếp cận. Matthew Weiner, người sáng tạo Gã điên, thậm chí nói với các nhà phê bình rằng kể cả tiết lộ năm thực hiện quay phần cuối cũng khiến phim bị tàn phá.

Ngành công nghiệp điện ảnh giờ đã cảnh giác hơn với nạn tiết lộ nội dung, nhưng nó cũng phải thích nghi với cách mà mạng điện tử ảnh hưởng tới văn hóa đại chúng. Với Avengers: Endgame, phần tiếp theo của Infinity năm ngoái, hãng phim đã tung ảnh lên mạng, ẩn ý thêm những thương vong chưa được biết tới. Một số bước tương tự cũng được thực hiện, nhưng lần này, gánh nặng đè lên vai các diễn viên.

Robert Downey Jr nói với người dẫn chương trình Jimmy Kimmel rằng anh có tham gia viết một vài cảnh giả, còn Tom Holland luôn bị đưa kịch bản giả do thói “bà tám” khiến anh thường để lộ chuyện. “Nỗi sợ spoil” cũng vượt ra ngoài quá trình sản xuất khi các nhà phê bình, ở buổi khởi chiếu, đã gửi đi thông điệp: “Thanos yêu cầu các bạn im lặng”.

“Chúng ta không thể tin bất kỳ ai - nhất là Tom Holland,” đạo diễn phim, Joe Russo, nói với Games Radar. “Đó là gánh nặng với họ. Có lẽ sẽ dễ dàng hơn khi để họ đọc kịch bản giả và kết thúc giả bởi họ sẽ không bị áp lực khi biết chuyện gì xảy ra trong phim rồi sau đó phải giấu đi”.

Trong một buổi phỏng vấn, Karen Gillen, người đóng Nebula trong sêri Avengers, giải thích rằng mỗi diễn viên chỉ được đưa đúng tờ kịch bản cảnh họ đóng, và do phim rất hoành tráng, nên có nhiều chuyện cô sẽ không biết. “Các đạo diễn sẽ bổ sung mọi thứ chúng tôi cần về bối cảnh, nhưng tôi vẫn không biết phim là về cái gì,” cô nói. Đoạn phim quảng bá của bom tấn, tung ra hồi tháng này, cũng mơ hồ đến độ có tin đồn phim dài tới ba giờ.

Lap boong-ke de bao ve noi dung bom tan
Máy bay không người lái là mối de dọa bảo mật của những đoàn phim muốn giữ kín bí mật nội dung phim.

Tuy nhiên, giới hạn bảo mật của phim điện ảnh khác với những sêri như Trò chơi vương quyền hay Chúa tể của những chiếc nhẫn. Hợp đồng đóng phim của diễn viên là một phần đáng chú ý trong bộ máy Hollywood nên có thể biết được diễn viên nào ký hợp đồng đóng bao nhiêu phim trong một chuỗi nhượng quyền thương mại cụ thể. Đây là trường hợp của Avengers. Cùng với kế hoạch dài hơi cho một dự án mới (như bom tấn Đại úy Marvel lần đầu được công bố từ năm 2014), người hâm mộ có thể đoán được ai sẽ rời đi và ai sẽ ở lại dựa vào việc nhìn xem có phần tiếp theo cho nhân vật không. Với những phần tiếp theo đã được thảo luận, có thể tin là Người nhện của Holland, Báo đen của Chadwick Boseman và Bác sĩ Strange của Benedict Cumberbatch sẽ ở lại với khán giả thêm một thời gian nữa. Trong khi đó, chẳng có gì bí mật khi nói Đội trưởng Mỹ sắp đến hồi kết.

Diễn viên của những chuỗi nhượng quyền thương mại lâu đời, như Chiến tranh giữa các vì sao, chỉ ra rằng mọi thứ giờ đã thay đổi hoàn toàn. Mark Hamill nói với Entertainment Weekly rằng khi lần đầu vào vai Luke Skywalker, ông có thể khoe kịch bản với bạn bè. Giờ đây, kịch bản được in trên giấy đỏ để không thể sao chép và phải đọc dưới sự giám sát. “Ai đó từ công ty mang nó tới", ông nói về phần cuối bộ ba, ra mắt vào cuối năm 2019. “Họ tới và đưa nó cho tôi rồi chờ tôi đọc trước khi phải trả lại. Bạn thậm chí không thể giữ qua đêm. Thời nay là thế”.

Lap boong-ke de bao ve noi dung bom tan
Chris Evan trong vai Đội trưởng Mỹ ở Avengers: Endgame.

Cuộc giằng co giữa các công ty sản xuất và người hâm mộ ngày một gay gắt khi những trang trực tuyến như Watchers On the Wall của người hâm mộ Trò chơi vương quyền thường xuyên tung tin về dàn diễn viên, quá trình làm phim... trước khi nó được tung lên báo chí chính thống nhờ mạng lưới người trong cuộc rộng khắp. Tuy nhiên, biên tập của trang, Susan Miller, nói rằng các hãng nên học cách “khoan dung” với hoạt động thám tử của các trang cộng đồng người hâm mộ, bởi họ là những người đã đóng góp cho sự thành công của phim.

“Bất cứ cộng đồng người hâm mộ nào, kể cả những cộng đồng khó chịu, cũng có mặt tốt", cô nói, "Ám ảnh với chuyện biết từng chi tiết là một phần tình yêu chúng tôi dành cho phim”.

Thư Vĩ (Theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI