“Lão tướng nông dân” xây ngàn căn nhà tri ân đồng đội

24/04/2025 - 06:55

PNO - Đến xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, hỏi nhà thiếu tướng Lê Thanh Sơn thì không mấy người biết, nhưng hỏi nhà ông Ba Ngay chuyên xây nhà cho đồng đội thì bà con chỉ đường đến tận nơi. Sau hơn 20 năm kiên trì, ông đã cùng Ban liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô xây tặng hơn 1.000 căn nhà cho đồng đội cũ.

"Cuộc sống của anh em còn khó khăn quá"

Vừa xắn tay áo vãi thóc cho đàn gà, ông Ba Ngay - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tây Đô - vừa kể: “Hồi chưa về hưu, tui đi công tác nơi này, nơi kia, gặp nhiều đồng đội từng chiến đấu ở tiểu đoàn, thấy cuộc sống của anh em khó khăn quá. Nhiều mẹ liệt sĩ, vợ liệt sĩ phải một mình nuôi đàn con nheo nhóc, cuộc sống rất vất vả. Tôi cứ suy nghĩ hoài mà chưa biết nên làm sao để giúp đỡ họ”.

Năm 2002, Ban liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô được thành lập, được lãnh đạo tỉnh ủng hộ một khoản kha khá để làm quỹ hoạt động, ông Ba Ngay lóe lên ý nghĩ dùng số tiền này xây nhà cho đồng đội và được các thành viên ban liên lạc nhất trí. Thế là ông xây ngôi nhà đầu tiên trị giá 7 triệu đồng tặng ông Năm Nhâm ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

Ông Năm Nhâm không có tấc đất cắm dùi, cả gia đình sống trên con thuyền vỡ. Ban liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô đã xin địa phương một khoảnh đất công để dựng nhà. Ngày đứng trước ngôi nhà tường gạch, cả gia đình ông Năm Nhâm đã khóc. Giọng ông Ba Ngay bỗng trầm buồn: “Bây giờ, anh Năm Nhâm chết rồi, ngôi nhà đã xuống cấp, 2 đứa con anh Năm Nhâm vẫn sống ở đó. Anh em tui tính sẽ hỗ trợ 2 cháu sửa lại gian nhà để chúng có chỗ hương khói, thờ tự cho cha, anh em tụi tui cũng có chỗ tới thắp hương cho đồng đội cũ”.

Thiếu tướng Lê Thanh Sơn kể về cuộc sống khó khăn của nhiều đồng đội cũ - ẢNH: UÔNG NGỌC
Thiếu tướng Lê Thanh Sơn kể về cuộc sống khó khăn của nhiều đồng đội cũ - Ảnh: Uông Ngọc

Các thành viên trong ban liên lạc của tiểu đoàn nay đều ngoài 70 tuổi nên việc đi tìm lại đồng đội cũ ở khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng khó khăn. Ông Ba Ngay trăn trở: “Có nhiều đồng đội đầu tắt mặt tối ngoài đồng mà ăn vẫn chưa đủ no. Ban liên lạc chúng tôi phải kiên trì lắm mới tìm được họ. Có đồng đội phải ở nhà lá như cái lều chăn vịt giữa đồng, hỏi làm nghề gì thì nói “bán hột vịt”.

Vừa làm nông, vừa đi xin tiền xây nhà

Về hưu với hàm thiếu tướng, ông Ba Ngay có nhà ở TP Cần Thơ nhưng không ở. Vợ chồng ông về huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang dựng nhà, trồng cây, thả gà, đào ao nuôi cá. Ông bảo: “Lương tui hơn 10 triệu đồng, vợ chồng dư sức dưỡng già, nhưng nghĩ đến cuộc sống còn khó khăn của bao đồng đội, tui lại lao động, chắt bóp tiền để giúp”.

Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) và các thành viên Ban liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô trao tặng nhà tri ân đồng đội - ẢNH: NGUYỄN THẮNG
Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) và các thành viên Ban liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô trao tặng nhà tri ân đồng đội - Ảnh: Nguyễn Thắng

Ông cho hay, ban liên lạc tiểu đoàn có 300 thành viên, nhiều người sống chật vật nhưng vẫn tình nguyện đóng góp từ 50.000-100.000 đồng/năm cho quỹ xây dựng nhà tặng đồng đội. Số tiền đóng góp định kỳ ấy đủ xây được 10 căn nhà/năm. Ngoài quỹ, ông Ba Ngay còn đi khắp nơi vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp hỗ trợ tiền. Đến nay, ông và đồng đội đã xây tặng được 1.031 căn nhà. Ngoài tặng nhà, ông còn xác nhận giấy tờ cho đồng đội cũ và thân nhân của họ.

Một số vợ liệt sĩ đã “đi bước nữa” nhưng gia cảnh quá khó khăn cũng tìm đến xin hỗ trợ cất nhà. Ban liên lạc tiểu đoàn cũng giúp, không phân biệt đối tượng, nhưng để công bằng, họ ưu tiên hỗ trợ các hộ quá khó khăn, sau đó mới đến hộ khó khăn ít hơn. Ông Ba Ngay cười khà khà: “Hồi đầu, thấy các bà góa tìm đến tui nhiều quá, thím Ba (vợ ông) còn ghen. Dần dần, thím hiểu và còn hỗ trợ, ai đến nhờ vả gì là thím giữ lại ăn cơm xong mới cho về, rồi còn cho tiền đi tàu xe”.

Đa số trường hợp được ban liên lạc tặng nhà chỉ khác trước ở chỗ có nơi che mưa che nắng tươm tất hơn, nhưng cũng có người nhờ đó mà cuộc sống dần khấm khá. Như gia đình ông Ba Nhơn ở huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) khó khăn thiếu thốn mọi bề, vợ chồng ông Ba Ngay phải tặng từng cái quần, cái áo, rồi đồng đội hỗ trợ dựng nhà, đến nay cuộc sống ông Ba Nhơn đã tốt hơn rất nhiều. Hay năm 2005, gia đình ông Mập Lớn ở huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) được đồng đội tặng nhà, hỗ trợ tiền để mướn đầm trồng sen nên đời sống được cải thiện dần, nay đã có tiền tỉ trong tay.

Đang vui chuyện, bất chợt giọng ông Ba Ngay chùng xuống: “Ngày còn chiến đấu, có trận, tiểu đoàn xuất quân với gần 600 người mà sau một đợt tấn công, chỉ còn lại chưa đầy 100 người. Tặng ngàn căn nhà cũng không là gì so với sự mất mát, hy sinh của đồng đội. Bởi vậy, còn sức khỏe ngày nào là tui còn lao động, còn tìm cách để bù đắp những thiếu thốn cho những người còn sống”.

Nhìn đồng đội đi chân đất mà đau lòng

Ông Lê Thanh Sơn (Ba Ngay) sinh năm 1940 tại tỉnh Kiên Giang. Cha mẹ hoạt động cách mạng từ hồi kháng chiến chống thực dân Pháp nên mấy anh em ông sống nhờ bà nội. Năm 1955, cha ông hoạt động bí mật ở Sài Gòn - Chợ Lớn, bị địch bắt giam đến năm 1960. Không lâu sau, gia đình ông phải đi sơ tán, dượng ông (ông Bảy) đang làm Chủ tịch UBND xã Thị Liễu, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang thì bị địch treo cổ lên cây.

20 tuổi, chứng kiến cảnh chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp, khủng bố, giết chóc cán bộ, nhân dân, ông Lê Thanh Sơn xin vào đội du kích xã Trường Long, huyện Phong Điền, nay thuộc TP Cần Thơ. 1 tháng sau, ông được đồng đội bầu làm tiểu đội trưởng tiểu đội du kích; 1 năm sau, ông được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Sau đó, ông lần lượt trở thành Đại đội trưởng Đại đội 23, rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tây Đô - tiểu đoàn từng 2 lần được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu anh hùng.

Năm 1978, ông lại lên đường sang Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế. Đến năm 2001, ông về hưu với hàm thiếu tướng, là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cần Thơ. Ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2002, ông cùng đồng đội thành lập Ban liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô với hơn 100 cựu binh họp mặt. Trong buổi họp mặt đầu tiên, thấy nhiều đồng đội đi dép rách, thậm chí đi chân đất, ông rất đau lòng. “Từ lúc đó, tôi thấy mình cần phải làm gì đó để bù đắp cho đồng đội” - thiếu tướng Lê Thanh Sơn tâm sự.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI