Lào tăng cường xây đập thủy điện, Mê Kông lâm nguy

13/05/2020 - 07:00

PNO - Bất chấp một số phản đối, Lào tiếp tục triển khai dự án xây dựng đập thủy điện thứ sáu trên dòng chính sông Mê Kông, dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

Phát triển hàng loạt dự án thủy điện

Theo Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC), Lào đã đệ trình kế hoạch xây dựng đập thủy điện mới trên dòng chính sông Mê Kông vào ngày 11/5, dự kiến sẽ khởi công cuối năm 2020. Đây là dự án thứ 6 trong kế hoạch xây dựng 9 đập thủy điện trên sông Mê Kông của Lào.

Ồ ạt xây dựng đập thủy điện tại Lào sẽ tác động nặng nề đến khu vực hạ lưu sông Mê Kông
Ồ ạt xây dựng đập thủy điện tại Lào sẽ tác động nặng nề đến khu vực hạ lưu sông Mê Kông

Theo đó, đập thủy điện Sanakham, với chi phí đầu tư ước tính lên đến 2.073 tỷ USD, sẽ được triển khai bởi Công ty thủy điện Datang Sanakham, công ty con của công ty sản xuất điện quốc tế Datang của Trung Quốc. Cụ thể, địa điểm xây dựng Sanakham nằm cách thủ đô Viêng Chăn, Lào khoảng 155km về phía Bắc, dự tính sẽ sản xuất 684 megawatt (MW) điện sau khi đập đưa vào hoạt động năm 2028.

Phát triển thủy điện là kế hoạch trọng tâm của chính phủ Lào, hướng đến mục tiêu xuất khẩu khoảng 20.000MW điện cho các nước láng giềng vào năm 2030. 

Trước đó, Lào đã hoàn thành hai đập thủy điện trên sông Mê Kông bao gồm đập Xayaburi với công suất 1.285MW và đập Don Sahong 260MW trong năm 2019, bất chấp sự phản đối của các tổ chức môi trường. Hiện, Lào cũng đang chuẩn bị xây dựng đập Luang Prabang với tổng dung tích hồ chứa 1.256 triệu m3, công suất thiết kế 1.460MW. 

Nhóm người phản đối cho biết, việc xây dựng một loạt các đập thủy điện sẽ gây hệ lụy không nhỏ đến những ngư dân sống bằng nghề đánh bắt cá, trầm tích và lũ lụt theo mùa hỗ trợ cho nông nghiệp, đang là sinh kế của khoảng 60 triệu người sinh sống dọc theo sông Mê Kông.

Theo Reuters, Trung Quốc đứng sau tài trợ cho nhiều dự án thủy điện của Lào. Bản thân Trung Quốc đã xây dựng 11 đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông trong lãnh thổ nước này, đồng thời vướng các cáo buộc thay đổi dòng chảy tự nhiên của dòng sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước hạ lưu sông Mê Kông.

Dự án Sanakham sẽ trải qua quá trình tham vấn trước MRC, thường kéo dài trong 6 tháng. Tuy nhiên, dù có thể thay đổi một số đề xuất nhưng quy trình tham vấn MRC không thể phủ quyết bất kỳ dự án nào. Do đó, Sanakham có thể sẽ được tiến hành xây dựng, bất chấp khuyến cáo.

Tham vọng thoát nghèo và hệ lụy dây chuyền

Các dự án đập thủy điện của Lào có những tác động trực tiếp đến việc đánh bắt, nuôi trồng tại hạ nguồn Lào nói riêng và vùng hạ lưu sông Mê Kông ở một số nước Đông Nam Á nói chung. Bên cạnh đó, áp lực gây ô nhiễm và khai thác cát ngày càng tăng từ các con đập cũng đang trở thành mối lo cho dòng sông Mê Kông và những người có sinh kế phụ thuộc vào nó.

Trong vòng 15 năm qua, Lào chứng kiến sự bùng nổ với khoảng 50 đập thủy điện được xây dựng, ít nhất 50 công trình đang được thi công và 288 kế hoạch dự định trên hàng trăm con sông, suối.

Theo Trung tâm nghiên cứu Stimson ở Washington, nếu tất cả các dự án thủy điện Lào được hoàn thành, sẽ nâng công suất thủy điện của quốc gia không giáp biển này từ 700MW năm 2005 lên 27.000MW.

Chanthanet Boualapha, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia sông Mê Kông của Lào, từng chia sẻ trong cuộc họp giải quyết các mối quan tâm về đập Luang Prabang: “Kéo đất nước thoát nghèo là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi có tiềm năng về thủy điện, vì vậy chúng tôi phải làm các con đập. Đó là sự lựa chọn của chúng tôi”.

Theo Nikkei, Lào đặt mục tiêu thoát khỏi danh sách quốc gia kém phát triển nhất của Liên hiệp quốc trên nền tảng đẩy mạnh các ngành công nghiệp, hoạt động khai thác xuất khẩu, đặc biệt phụ thuộc không nhỏ vào việc bán điện cho các nước láng giềng. Chính tham vọng này có khả năng sẽ tiếp tục gây thiệt hại nặng nề về hạn hán và xâm ngập mặn cho các vùng hạ lưu sông Mê Kông. 

Chung Thu Hương (theo Reuters và Bangkok Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI