Lào sẽ chọn thủy điện hay di sản thế giới trong kế hoạch chặn dòng Mê Kông?

28/12/2020 - 14:01

PNO - Theo các chuyên gia bảo tồn, kế hoạch của chính phủ Lào nhằm xây dựng một con đập lớn trên sông Mê Kông, có nguy cơ làm biến mất di sản thế giới Luang Prabang được UNESCO công nhận.

Biến di sản thế giới thành hồ chứa nước

“Tôi không hiểu làm thế nào mà chính phủ có thể nghĩ đến việc xúc tiến dự án đập như vậy, khi nó có thể biến di sản thế giới thành một hồ chứa nước. Tác động sẽ rất tàn khốc”, Minja Yang - cựu Phó giám đốc Trung tâm Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) - chia sẻ.

Nằm trên một bán đảo ở hợp lưu sông Nam Khan và Mê Kông, thành phố Luang Prabang được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1995
Nằm trên một bán đảo ở hợp lưu sông Nam Khan và Mê Kông, thành phố Luang Prabang được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1995.

Năm 2019, nhà phát triển đập Thái Lan CH. Karnchang đã hoàn thành nhà máy thủy điện khổng lồ trên sông Mê Kông - đập Xayaburi - nằm ở phía nam cố đô Luang Prabang. Nếu dự án đập mới này được tiến hành ở thượng nguồn, nó sẽ loại bỏ dòng chảy tự do của sông Mê Kông và sông Nam Khan, vốn nằm cạnh thành phố di sản mang tính biểu tượng. Điều này đã được khẳng định trong diễn đàn tham vấn do Ủy hội sông Mê Kông (MRC) thực hiện vào tháng 2/2020.

Chuyên gia di sản kỳ cựu Minja Yang - Trưởng phái đoàn của UNESCO trong việc bảo vệ Angkor Wat của Campuchia và là cựu Giám đốc UNESCO tại New Delhi - giải thích: “UNESCO đã ký Thỏa thuận năm 1995 với chính phủ Lào dựa trên mối liên hệ độc đáo giữa thiên nhiên, văn hóa và lịch sử dọc theo hợp lưu của sông Mê Kông và sông Nam Khan. Nếu địa điểm này trở thành thị trấn ven hồ và không còn là thị trấn ven sông, tính xác thực cũng như tính toàn vẹn của nó sẽ bị mất vĩnh viễn”.

Nhà tư vấn thủy điện quốc tế Poyry Energy - công ty đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy xây dựng đập Xayaburi bác bỏ mọi nguy cơ về tác động nghiêm trọng đối với thành phố di sản thế giới, vốn chỉ cách 25km về phía thượng lưu, nhưng không đưa bất kỳ loại đánh giá tác động di sản nào vào nghiên cứu tính khả thi khi đệ trình hồ sơ lên MRC. 

Trên thực tế, dự án đập Xayaburi đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến bờ sông của Luang Prabang. Marc Goichot - chuyên gia về Mê Kông báo cáo: “Sự xói mòn xuất hiện tại các bờ sông Mê Kông và Nam Khan, lũ lụt gia tăng và ngày càng trầm trọng hơn do hồ chứa của đập Xayaburi, gây nguy hiểm cho cảnh quan thiên nhiên và tài sản văn hóa thuộc khu di sản thế giới”.

Chọn thủy điện hay di sản?

Lào từng rất tự hào về di sản thế giới của Luang Prabang. Sau nhiều thập niên chịu đựng chiến tranh, sự công nhận từ UNESCO đã mang lại cho Lào hình ảnh mới. Nó được xem như biểu tượng của bản sắc và sự phục hưng văn hóa, đồng thời thúc đẩy du lịch sinh thái và phát triển bền vững. Nhưng đến năm 2005, Lào đã đi vào một con đường rất khác. Với sự hỗ trợ từ quốc tế, Lào ấp ủ kế hoạch xây đập ở hầu hết các con sông lớn để sản xuất điện. Tuy nhiên, UNESCO đã đạt được một số thắng lợi trong việc ngăn chặn các dự án cơ sở hạ tầng và vẫn có thể hướng chính phủ Lào rời khỏi lộ trình hiện tại.

Vào tháng 4/2020, tiến sĩ Mechtild Rossler - Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới - đã viết thư cho chính phủ Lào, đưa ra tác động di sản đối với kế hoạch xây đập. Đến tháng 9/2020, bà tiếp tục có cuộc họp trực tuyến với các phái đoàn UNESCO của Lào, Việt Nam và Thái Lan để bày tỏ mối quan tâm sâu sắc về kế hoạch xây đập trong tương lai của các quốc gia.

Nếu con đập vẫn được xây dựng, thì biện pháp cuối cùng của UNESCO là xóa bỏ tình trạng di sản của Luang Prabang. Điều này khiến các chuyên gia di sản cảm thấy hụt hẫng trước viễn cảnh Luang Prabang biến mất. “Nếu mất Luang Prabang, chúng ta sẽ đánh mất một địa điểm rất độc đáo của nhân loại”, bà Minja Yang nhận định. 

Tấn Vĩ (theo The Diplomat)
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI