Lào phát triển thủy điện bất chấp kiến nghị của các nước láng giềng

06/07/2020 - 06:02

PNO - Mặc dù Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đã đưa ra nhiều mối quan ngại, nhưng Lào vẫn đẩy mạnh xây dựng thủy điện.

Dự án Luang Prabang sẽ là đập thủy điện lớn nhất của Lào trên sông Mê Kông. Cụ thể, việc xây dựng sẽ bắt đầu triển khai trong năm nay. Trong khi đó, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đã đưa ra nhiều mối quan ngại, kêu gọi chính phủ Lào dành thêm thời gian để đánh giá tác động, sau khi Ủy hội sông Mê Kông (MRC) chính thức hoàn thành quá trình tham vấn sáu tháng cho dự án này ngày 30/6 vừa qua.

Lào đẩy mạnh xây dựng thủy điện

“Cần tiến hành đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới nhiều hơn nữa” - đại diện chính phủ Campuchia nói với MRC trong quá trình tham vấn. Trong khi đó, Việt Nam yêu cầu Lào “dành thêm thời gian và nguồn lực”. Tuy nhiên, chính phủ Lào đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Người dân địa phương chèo thuyền trên đoạn sông Mê Kông, nơi sẽ xây dựng đập thủy điện Luang Prabang
Người dân địa phương chèo thuyền trên đoạn sông Mê Kông, nơi sẽ xây dựng đập thủy điện Luang Prabang

Nghiên cứu của MRC đã chỉ ra rằng, các đập thủy điện trên sông Mê Kông có thể gây hại cho nông nghiệp ở hạ lưu khi cản trở dòng chảy trầm tích vào đồng bằng sông và ngăn chặn sự di cư của cá. Đặc biệt, dự án thủy điện Luang Prabang sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, gây suy giảm trầm tích, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt cũng như gây các hiện tượng sụt lún khác…

Phát triển thủy điện là kế hoạch trọng tâm của Lào nhằm xuất khẩu khoảng 20.000 MW điện cho các nước láng giềng vào năm 2030. Năm 2019, Lào đã hoàn thành hai dự án thủy điện Xayaburi 1.285 MW và Don Sahong 260 MW bất chấp sự phản đối của các nhóm hoạt động môi trường. Ngay khi đưa vào vận hành, mực nước sông Mê Kông đã hạ xuống mức thấp kỷ lục trong vòng nửa thế kỷ. 

Pianyh Deetes - một nhà hoạt động môi trường Thái Lan thuộc Liên minh Sông ngòi quốc tế - cho biết: “Quá trình tham vấn chưa bao giờ dẫn đến cuộc tranh luận có ý nghĩa về tác động hoặc các vấn đề có thể phát sinh từ các dự án thủy điện này. Vì vậy, các câu hỏi do người dân, các tổ chức phi chính phủ và chính phủ đặt ra vẫn chưa nhận được câu trả lời thích đáng”. 

Thủy điện đe dọa phá hủy di sản văn hóa

Không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến đời sống của hàng chục triệu người dân ở vùng hạ lưu sông Mê Kông, dự án thủy điện Luang Prabang còn đe dọa phá hủy sự tồn tại của ốc đảo văn hóa - thành phố Luang Prabang được UNESCO xếp hạng di sản thế giới về kiến trúc, tôn giáo và văn hóa của Lào. Đập nằm ở vị trí rất gần cố đô, chỉ cách thượng nguồn sông Mê Kông từ thành phố Luang Prabang 25km. 

Marc Goichot - người đứng đầu Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên, phụ trách các vấn đề nước ngọt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương - cho rằng, đập Luang Prabang sẽ gây ra nhiều tác động, có thể nhấn chìm cảnh quan sông và các hệ sinh thái. Thậm chí, dòng nước thay đổi dao động sẽ làm biến dạng địa điểm di sản thế giới vô giá này. Tồi tệ hơn, Luang Prabang còn nằm trong khu vực nhạy cảm cao trước những rung động địa chấn. Năm 2019, một trận động đất 6,1 độ Richter đã xảy ra tại tỉnh Xayaburi (gần Luang Prabang), phía Bắc nước Lào.

Nhà địa chấn hàng đầu Thái Lan cảnh báo, sẽ rất nguy hiểm nếu vội vàng xây đập Luang Prabang mà không chờ đợi một báo cáo địa chấn độc lập (báo cáo của nhà khoa học). Nếu có bất kỳ sự cố vỡ đập hay tai nạn nào, thành phố cổ Luang Prabang sẽ ngập chìm trong nước lũ. 

Chung Thu Hương (theo Reuters, Bangkok Post và Diplomat)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI