- Thiếu gì!
- Có đủ trang trải gia đình không?
- Đủ chứ! Thiếu gì!
Ông hào hứng soạn bánh cho khách tìm đến tận nhà mua mở hàng
Nhắc tới “sở trường” bán rong, ông nhanh nhảu bật ra hai chữ “thiếu gì” thật tự tin. 97 tuổi, 50 năm đi khắp Sài Gòn rao bán hàng rong, ông Nguyễn Văn Chúm (SN 1917, P.8, Q.Gò Vấp) vẫn chưa có dấu hiệu “về hưu”, dưỡng già. Hỏi đến, ông chỉ cười: “Nghỉ sao được! Con cái ai nuôi?”.
Quê gốc Hà Nội, vào Sài Gòn mưu sinh năm 1954, vài năm sau, ông lập gia đình. Sau khi sinh con, vợ ông đột ngột qua đời, rồi đứa con cũng ra đi vì bạo bệnh. Ông đằng hắng mấy tiếng giữa những lời kể, rồi xa xăm: “Tưởng đời mình chấm hết từ đó rồi, ai ngờ còn đằng đẵng cho tới tận nay”.
Người vợ thứ hai ra đi sau hơn 30 năm chung sống, để lại cho ông hai cô con gái, một ngẩn ngơ, một câm điếc. 46 tuổi, chị Nguyễn Thị Thu sáng sủa, khỏe mạnh lại phải quẩn quanh trong nhà vì không nghe, không nói được. Người chị Nguyễn Thị Thanh (49 tuổi) từng kiếm ra tiền bằng nghề may. Nhưng, dáng vẻ khù khờ, nhớ trước quên sau, chị liên tục phải đền tiền hàng làm hư cho khách. Nghe lời cha, chị thôi việc. Áo cơm thu về trong hai giỏ bánh tét ông Chúm bán rong mỗi ngày.
Ông xòe tay, vừa bấm từng đốt, vừa điểm danh các con đường trên “địa bàn kinh doanh”, khoe: “Ngày nào tôi cũng đi hơn 15 cây số”. Lòng vòng các đường Quang Trung, Phan Huy Ích, Cây Trâm từ chín giờ sáng, trong hai cái giỏ xách của ông là một chai nước lọc, non chục đòn bánh tét và năm chục bánh ú. Chừng ấy bánh lấy từ một mối quen, “hên thì bán hết trước khi trời tối, mà thường thì mãi đến 10 giờ đêm mới mong bán hết bánh”. Còn, nếu đến tận khuya, bánh vẫn còn mà sức thì đuối, ông lại phải mang về, ăn trừ cơm.
Có những ngày ông đổ bệnh ngay trên đường đi bán dạo. Khi người nhuốm lạnh, trời tối sầm trước mắt, bước đi lảo đảo, ông phải cắn răng đi thật nhanh tới quầy thuốc tây, mua vài viên thuốc rồi ra chỗ mát ngồi, vừa nghỉ vừa cất tiếng rao. “Ngồi rao thế có khi cũng bán được, nhưng buồn chân lắm, cứ ngồi một chỗ chờ người ta để ý tới mình sao được!”. Thế là, ông lại đi. Thấy ông xiêu đổ theo hai giỏ bánh, nhiều người thương tình ghé mua rồi hỏi han, khích lệ. Có người rộng lòng cho thêm vài ký gạo.
Nhìn cô con gái khuyết tật thu vén nhà cửa là niềm vui của cụ Chúm
Minh mẫn, dẻo dai thế, nhưng không phải lúc nào ông cũng quán xuyến được hết chuyện bán buôn. Lợi dụng vẻ già yếu của ông, nhiều người vờ mua hàng rồi lén bốc trộm mấy cái bánh ú. Có khi nhìn thấy tận mắt, nhưng phần vì mặc cảm già yếu; phần vì thương cảm, ông lại lặng im. “Có ai giàu có mà ăn cắp miếng ăn bao giờ, tại cái nghèo cả thôi…”.
Cứ thế, bữa bán được nhiều thì ông mua mấy con cá tươi với nhúm rau, còn không thì ghé quán quen mua ít cá khô, vài cái trứng về cho con gái. Chuyện chợ búa, chi tiêu trong nhà một mình ông thu vén. “Con Thanh thì hay đi ra ngoài, con Thu thì lủi thủi quét dọn suốt ngày, không biết giao tiếp bao giờ, nên cần gì tôi cũng tự mua. Có vậy tôi mới biết thiếu biết đủ mà tính”. Lâu lâu, chị Thu lại níu tay cha, vỗ vỗ lên trán, ra hiệu đau đầu; người cha lại tất tả ra tiệm mua thuốc cho con. Chỉ vài năm nữa đã tròn một thế kỷ sống trên đời, vậy mà sáng nào ông cũng ngồi nhẩm tính từng đồng chi ra, nhắc Thanh cái này, ra dấu chỉ bảo cho Thu cái nọ; rồi mới yên tâm xách giỏ bánh ra đi.
Tôi hỏi, thường thì trong ngày, điều gì làm ông vui. Ông móm mém cười: “Thiếu gì!”. Nhưng, kể ra thì ông toàn vui những niềm vui... cũ rích: “Hồi xưa bán cà rem dạo ở quận 1, tối nào tôi cũng vác thùng kem vào rạp hát, vừa xem vừa bán. Rồi thỉnh thoảng lại ghé vô coi người ta xổ số, không mua vé số mà coi xổ số cũng thú lắm”. Tôi đùa: “Niềm vui đó cũ rồi, ông không có niềm vui gì mới hết sao?”. Ông chỉ về phía cửa, nơi chị Thu đang lặng lẽ ngồi xếp chiếc áo mưa, cười ngượng nghịu: “Là nó đó, ngày nào nó cũng dọn nhà sạch sẽ, ngồi chờ tôi đi bán về rồi làm dấu tứ tung, hỏi han đủ thứ”. “Nó biết giặt đồ, giặt sạch lắm! Nó không biết nghe, nhưng rành tôi lắm, hễ tôi mỏi là nó lấy dầu xoa bóp liền” - ông say sưa kể tên những công việc con gái làm mỗi ngày với vẻ tự hào.
“Tôi là lao động gốc (chính), là trụ cột gia đình”. Ông nói, rồi tự nhận về mình cái phần mạnh mẽ, trụ cột mà chở che, bảo bọc cho con, mà vui với thú “làm chủ gia đình”. Nhắc về điều ước tuổi già, ông chỉ ví von nửa đùa nửa thật: “Tôi chỉ cầu sức khỏe đừng bỏ tôi tới lúc lìa đời, để đừng phiền hà các con”.
Thanh Tân