'Lão nông' khấp khởi bán hàng ra thế giới

04/04/2019 - 18:30

PNO - Các đơn vị sản xuất, phân phối Việt Nam đang ráo riết đưa từng lon nước dừa, hộp thạch dừa ra thế giới.

Lão nông lên... sàn

Đại diện một cơ sở kinh doanh dừa Bến Tre cho biết: "Cơ sở đang xem xét đưa sản phẩm “lên sàn” để tiếp cận với nhiều đối tượng tiêu dùng. Không chỉ trong nước, chúng tôi còn hy vọng các đặc sản cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, dầu dừa, nước dừa đóng hộp, thạch dừa… ra nước ngoài". 

'Lao nong' khap khoi ban hang ra the gioi
Các đặc sản Bến Tre sắp có mặt trên các kênh thương mại điện tử 

Vị này nói: "Trước giờ, chúng tôi chỉ bán hàng trực tiếp cho các mối quen chứ chưa bán hàng online, trong khi kênh này có rất nhiều lợi ích".

Đây chỉ là một trong số những cơ sở, doanh nghiệp và các hộ kinh doanh đang ráo riết muốn tiếp cận với thương mại điện tử (TMĐT). Trong vòng 1 tháng này, hơn 20 đơn vị kinh doanh dừa ở Bến Tre sẽ đưa hàng chục sản phẩm dừa lên sàn Lazada. Khoảng 50 đơn vị khác cũng sẽ được đào tạo, háo hức chào bán than hoạt tính làm từ dừa, chỉ xơ dừa, mỹ phẩm và các sảm phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa… 

Sản phẩm tốt cùng với hỗ trợ về logictics, công nghệ marketing, truyền thông… sẽ giúp tăng giá trị hàng hóa. Vì vậy, các doanh nghiệp đang tiếp cận sàn giao dịch điện tử Lazada. Thời gian đầu, các doanh nghiệp được miễn phí các khoản mở gian hàng, hoa hồng trọn đời, đào tạo bán hàng online; được hỗ trợ về thiết kế, thủ tục  xuất khẩu hàng hóa trên các sàn TMĐT quốc tế như: Alibaba, Tmall... Đặc biệt, các doanh nghiệp đầu mối sẽ có một làng nghề ảo trên mạng này. 

Không chỉ Lazada, các doanh nghiệp còn nhắm đến tiếp tục khai thác nhiều sàn TMĐT khác để phát huy hết ưu điểm của loại hình này.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử TP.HCM (VECOM) cho biết,  trong năm nay, 90% đơn vị kinh doanh dừa của tỉnh Bến Tre khai thác hiệu quả kênh bán hàng online. Từ đó, mô hình được nhân rộng ra các địa phương với nhiều nông sản khác.

Nếu như trước đây, muốn tiếp cận với các khách hàng, nhà phân phối thế giới, doanh nghiệp phải tham gia hội chợ vùng, hoặc quốc tế để giới thiệu sản phẩm thì nay chỉ cần ở nhà "lão nông" cũng có thể giao lưu thương mại, giảm được nhiều chi phí phát sinh.

 “Cánh tay dài” cho tiệm tạp hóa

Theo Tổng cục thống kê, các kênh bán lẻ truyền thống còn rất tiềm năng vì chiếm đến 75%  với 9.000 chợ truyền thống và hơn 1,5 triệu cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ.

'Lao nong' khap khoi ban hang ra the gioi
Sản phẩm đến các tiệm tạp hóa nhanh chóng hơn thông qua kênh phân phối đa nhiệm 

Tuy nhiên kênh này đang bị cồng kềnh với chi phí đầu tư và vận hành lớn; khó quản lý và rủi ro cao; hệ thống phân phối chưa đồng bộ với hệ thống marketing, chăm sóc khách hàng, khâu logistic còn bất cập. 

Vì vậy, các doanh nghiệp cần vượt qua những rào cản này bằng cách gia nhập kênh TMĐT để phát triển trong xu thế mới.

Đồng quan điểm trên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại TP.HCM (VCCI - HCM) cũng hợp tác Công ty CP thương mại & Đầu tư BB Việt Nam giới thiệu nền tảng phân phối hàng hóa và dịch vụ đa nhiệm để đồng hành cùng doanh nghiệp. Các bên cùng tạo ra môi trường kinh doanh tốt, xây dựng cầu nối giữa các đơn vị sản xuất, kinh doanh và người mua.

Ông Võ Tấn Thành – Phó Chủ tịch VCCI kiêm Giám đốc VCCI – HCM, cho biết: Nhà cung cấp đưa hàng hóa, dịch vụ tận tay người dùng thông qua kênh bán lẻ truyền thống (cửa hàng tạp hóa và chợ). 

Chỉ cần 1 chiếc điện thoại, các doanh nghiệp tải các ứng dụng gồm: đại lý, hàng sỉ, giao nhận, nhà cung cấp, quản lý kho, bán hàng để thực hiện nhiều tiện ích như nạp thẻ, mua hộ, mua sỉ, quản lý đơn hàng và điểm bán hàng, quản lý hàng tồn, thống kê công nợ, vận đơn... 

Đặc biệt, các phần mềm này còn có chức năng phân tích dữ liệu thói quen người tiêu dùng và gợi ý sản phẩm, nhận diện sản phẩm, thống kê tự động bằng camera và chính sách đánh giá cửa hàng. Đây là thông tin mà doanh nghiệp phải mất nhiều tiền và thời gian mới thu thập được nếu không lên kênh TMĐT.

Ông Vincent Lữ Thế Hùng - Đại diện thương mại của BBLink, so sánh: "Với cách làm truyền thống, phải cần 300 nghìn xe để giao hàng đến 900 nghìn điểm bán, phải cần tới 1 triệu nhân lực để giao hàng. Song với nền tảng phân phối mới tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí, doanh nghiệp bán hàng chỉ trong 1 cú click chuột”.

Ngoài ra, phân phối theo cách mới này còn giúp doanh nghiệp hạn chế được tình trạng hàng gian, hàng giả, nhân viên giao nhận hàng mạo danh... Việc phối hợp được cả hai mô hình online, offline thì sẽ mang lại nhiều quyền lợi hơn cho cả người mua và bán.

"Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận với VECOM để được hỗ trợ truyền thông, tập huấn về TMĐT. Dần dần, các DN tiếp cận các sàn quốc tế như Amazon.com…”, ông Dũng nói.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI