Lão ngư Lý Sơn kể chuyện sản vật ở Hoàng Sa

13/07/2014 - 17:34

PNO - PNO - Hơn 55 năm gắn bó với nghề đi biển, với lão ngư Huỳnh Phụ (sinh 1940), ở thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn, ký ức rõ nhất, đáng nhớ nhất vẫn là những gì gắn với vùng biển Hoàng Sa của Tổ quốc.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tiếp bước cha ông

Dù đã bước qua tuổi "thấp thập cổ lai hi", nhưng lão ngư Huỳnh Phụ vẫn chưa có ý định từ giã nghề đi biển. Mấy hôm nay có tí việc gia đình, ông mới nghỉ ở nhà, nếu không, giờ này ông đang ở ngoài khơi rồi.

Ông Phụ bắt đầu theo tàu ra biển để mưu sinh từ năm 19 tuổi. Lúc đó, tuy phương tiện của người dân trên đảo chủ yếu là thuyền buồm và thiết bị hỗ trợ định hướng chỉ duy nhất một chiếc la bàn nhỏ. Thế nhưng, nhiều người dân trên đảo Lý Sơn cũng đã đưa tàu ra đến tận vùng biển Hoàng Sa để đánh bắt.

“Đến khoảng năm 1984, sau khi cùng 23 ngư dân khác ở Lý Sơn vay tiền nhà nước đóng 2 chiếc tàu hành nghề lưới chuồng, có công suất 20 CV/chiếc và ra đánh bắt ở Hoàng Sa, tôi và số người đi cùng mới rủ nhau lên hòn đảo mà chúng tôi đặt là hòn đảo 2 trụ”. Và với chuyến đi đó, ông Phụ và 23 ngư dân đi cùng đã trở thành những người đầu tiên ở Lý Sơn ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản bằng thuyền máy.

Kể từ lần đó, Hoàng Sa đã trở thành nơi đánh bắt quen thuộc của lão ngư Huỳnh Phụ cùng các thuyền viên. Sau mấy chục năm gắn bó với vùng biển này, không một hòn đảo nào của Hoàng Sa mà lão ngư Phụ chưa đặt chân đến.

Lao ngu Ly Son ke chuyen san vat o Hoang Sa

Lão ngư Huỳnh Phụ kể chuyện về Hoàng Sa.

Vùng biển giàu sản vật

“Hiếm thấy vùng biển nào mà hải sản và sản vật biển nhiều như ở Hoàng Sa. Mấy năm gần đây do tuổi cao nên tôi chỉ đánh bắt gần bờ, không còn ra Hoàng Sa nữa nên không biết thế nào, chứ lúc trước cá, tôm dày đặc. Chỉ cần thả vài vác lưới là xem như đầy tàu. Nhiều lần buông lưới, do gặp luồng cá quá lớn, tàu chở không xuể, đành phải đổ bớt xuống biển” - ông Phụ nhớ lại.

Ông kể, các loại sản vật khác nhiều vô số kể, đặc biệt là ốc cừ, rau chân vịt... Những loại này nhiều đến mức làm người ta có cảm giác chỉ cần dùng tay bắt, vợt xúc vài giờ cũng đủ đầy ghe. Không chỉ một vài nơi, gần như tất cả những hòn đảo nhỏ mà ông đã đến, cũng thấy 2 loại trên. Có nơi, rau chân vịt mọc dày như mạ, cao cả nửa mét, nằm gần sát mép đảo. Còn ốc cừ thì nằm ngay mép nướ, chỉ cần lội xuống là cào, cắt, nhặt chứ không phải lặn để thu hoạch như những vùng biển trong này.

Để khai thác 2 sản vật này, không cần phải đầu tư nhiều tiền mua sắm ngư cụ mà chỉ cần tàu và xăng dầu để đi là được. Với giá rau chân vịt từ 50.000 - 70.000 đồng/kg khô, ốc cừ bỏ vỏ từ 150.000 - 170.000 đồng/kg thì một chuyến đi khoảng từ 10 - 12 ngày, mỗi tàu thuyền cũng kiếm vài trăm triệu đồng.

“Có thể từ đây đến cuối đời, tôi không ra Hoàng Sa được vì sức khỏe không cho phép, nhưng với tôi và những người dân Lý Sơn thì Hoàng Sa mãi mãi là một phần máu thịt không thể chia cắt được của đất nước và dân tộc Việt Nam”, ông Phụ nhìn ra khơi, giọng đầy quả quyết.

Minh Phú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI