War Nu đã vay gần 3.000 USD để trả cho một người môi giới việc làm trong ngành may mặc ở Nhật, vì cô kỳ vọng ở mức lương hấp dẫn và tay nghề mới ở một đất nước có nền công nghệ tiên tiến.
Thực tế, cô được giao làm nhân viên đóng gói sản phẩm may mặc vào các thùng carton, công việc kéo dài từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm, hay thậm chí nửa đêm. Mức lương cơ bản của cô chỉ là 530 USD một tháng, bằng một nửa con số cô được hứa hẹn, trong khi còn bị sếp không ngừng la mắng.
|
Lực lượng lao động Nhật Bản có chiều hướng thu hẹp, khiến chính phủ đưa ra một dự luật mới làm thay đổi quan niệm của nước này về vấn đề nhập cư - Ảnh: Getty Images |
“Thật phi lý, ngày nào tôi cũng căng thẳng, lo âu, nhưng tôi không biết diễn đạt thế nào, chỉ biết khóc mà thôi”, cô nói.
War Nu đến Nhật Bản theo Chương trình đào tạo thực tập kỹ thuật (TITP) - một chương trình được hình thành lâu đời nhằm giảm bớt tình trạng thiếu hụt lao động kinh niên của Nhật, đồng thời trợ giúp các quốc gia trong khu vực. Về lý thuyết, TITP được thiết kế để cung cấp cho người lao động, chủ yếu là người châu Á, khóa đào tạo từ 3-5 năm, sau đó trả họ về nước.
Đối mặt với tình trạng dân số già đi và suy giảm nhanh chóng, Thủ tướng Shinzo Abe tháng này đã đệ trình Quốc hội một dự thảo luật để tăng lên 345.000 công nhân nước ngoài có tay nghề trung bình trong vòng 5 năm tới. Động thái này gây ra một cuộc tranh luận gay gắt giữa Quốc hội và giới truyền thông, khi các đảng đối lập của Nhật liên kết lại với nhau, chỉ trích kế hoạch này là mơ hồ và không thấu đáo.
Đặc biệt, nhiều ý kiến nói ông Abe trước hết cần xử lý các vấn đề của chương trình TITP, trước khi mở cửa cho hàng trăm ngàn công nhân nước ngoài bổ sung.
Ông Shiori Yamao, thủ lĩnh đảng Dân chủ Hiến pháp đối lập của Nhật Bản, nói rằng, “nhân danh đào tạo kỹ thuật, chương trình này sử dụng người nước ngoài như lao động giá rẻ và dùng một lần để lấp đầy tình trạng thiếu hụt lao động”.
Khi tranh luận lan rộng, truyền thông Nhật Bản đã đánh động những vấn đề cố hữu của TITP, chẳng hạn như lao động cưỡng bức, điều kiện làm việc kham khổ, các nạn quấy rối và tình trạng đối xử tệ bạc.
Luật sư Masashi Ichikawa nhận định, vấn đề chính là công nhân không được phép thay đổi công ty mà họ đăng ký làm việc, và đây được coi như một điều kiện để xin thị thực, nếu ai dám than phiền sẽ phải đối mặt với khả năng mất việc làm và bị trục xuất.
“Bình thường, người lao động có cơ hội chuyển đổi công việc nếu điều kiện làm việc không thỏa đáng, nhưng khi tham gia chương trình đào tạo, họ phải chịu đựng ngay cả khi họ đối mặt với vi phạm về quyền lợi hoặc áp bức”, Ichikawa nói.
|
Công nhân may War Nu, người Myanmar, chụp ảnh ở thành phố Gifu, Nhật Bản, ngày 28/10/2018. Cô buộc phải làm việc nhiều giờ với mức lương thấp và bị ông chủ lạm dụng tại nhà máy may King Style - Ảnh: Washington Post |
Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập đến chương trình thực tập TITP và nói rằng thực tế nó làm tăng con số lao động bị ép buộc, vì người công nhân trả cho các đại lý việc làm hàng ngàn USD để đến Nhật Bản rồi lại bị mắc kẹt trong những tình huống lưỡng nan.
Hiện nay, khoảng 270.000 người nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản theo chương trình TITP, nhiều người từ các quốc gia châu Á, với mức tăng năm 2017 so với 2016 là 20%.
Một số người làm việc trong ngành nông nghiệp như thu hoạch dâu tây ở Ibaraki và rau diếp ở Nagano, trong khi những người khác làm việc trong ngành sản xuất hoặc xây dựng.
Cô gái Myanmar War Nu thì đến thành phố Gifu, một trung tâm của ngành dệt may ở miền trung Nhật Bản, một ngành sản xuất phụ thuộc ngày càng nhiều vào lao động nước ngoài với chi phí nhân công giá rẻ để duy trì tính cạnh tranh. Cô làm việc tại công ty King Style, bị sếp đối xử tệ bạc, chứ không phải trong vai trò là một thực tập sinh.
War Nu bị cấm nói chuyện với bạn bè đồng hương và bị mắng mỏ hàng ngày. Nếu cô không tuân theo những gì sếp nói, ông ta đe dọa đuổi cô về nước. “Tôi rất sợ nhưng phải nhẫn nhục chịu đựng”, cô nói. Cô và 4 nữ công nhân khác sống chung trong 2 phòng bên trên nhà máy, họ làm việc suốt ngày, trừ thời gian ít ỏi để ăn và ngủ.
|
Các công nhân may Myanmar chụp ảnh lưu niệm tại thành phố Gifu. Họ nói phải làm việc nhiều giờ với đồng lương ít ỏi trong ngành dệt may của Nhật Bản - Ảnh: Washington Post |
Khi phỏng vấn 8 phụ nữ khác ở Gifu, họ cũng kể những câu chuyện tương tự War Nu về lương ít, làm việc nhiều và không được đào tạo.
Hậu quả của điều kiện sống và làm việc khắc nghiệt đã khiến cho khoảng 7.000 lao động nước ngoài bỏ trốn trong năm ngoái, con số bỏ việc trong 6 tháng đầu năm nay là 4.300 người, nhiều người lao động không có hồ sơ cá nhân phải sống bất hợp pháp.
Để cải thiện hình ảnh về TITP, năm 2917 chính quyền Nhật đã sửa đổi luật đào tạo nhằm tăng cường giám sát các công ty có thể vi phạm quy tắc, và thành lập Tổ chức đào tạo thực tập kỹ thuật để giám sát chương trình này.
Ngay trước khi luật có hiệu lực, một cuộc điều tra của Bộ Lao động Nhật Bản năm 2017 cho thấy chủ lao động vi phạm quy định tại hơn 4.000 cơ sở, chiếm hơn 70% những cơ sở được điều tra, về các khoản mục làm việc quá giờ, tiêu chuẩn an toàn không phù hợp hoặc trả lương thấp.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động nói rằng ít có thay đổi ở cấp cơ sở. “Các công ty Nhật không bị phạt, đó là một sự phân biệt đối xử”, ông Myint Swe, chủ tịch Liên đoàn Người lao động Myanmar nói.
Với sự giúp đỡ của ông Myint Swe và JAM - Hiệp hội công nhân sản xuất ngành kim loại, máy móc và sản xuất Nhật Bản, một tổ chức công đoàn có ảnh hưởng - War Nu đã có thể rời khỏi công ty cũ và tự giữ visa, để tìm việc tại một nhà máy may khác ở Gifu, nơi có điều kiện làm việc tốt hơn, và khiến War Nu cùng bạn bè của cô hạnh phúc hơn nhiều.
Hoàng Diệu (Theo Washington Post)