Ông Nguyễn Lê Trung Hiếu - Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Q.Bình Tân - đã có cuộc trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM xoay quanh những vấn đề này.
Ông Nguyễn Lê Trung Hiếu cho biết: Dân số thực tế trên địa bàn Q.Bình Tân vào khoảng 860.000 người, trong đó có 350.000 - 400.000 lao động nhập cư và nữ chiếm khoảng 60%. Lao động nữ (LĐN) được quận quan tâm một cách bao quát, cũng như cho từng độ tuổi. Dưới sự chỉ đạo chung của quận, Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền về Luật Hôn nhân gia đình, giáo dục truyền thông về sức khỏe sinh sản, bảo đảm an toàn lao động… đối với nữ công nhân.
Vấn đề “mẹ đơn thân” rất cần được quan tâm! * Phóng viên: Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, ông có thể cho biết các chương trình chăm lo thiết thực cho người lao động (NLĐ) trên địa bàn? - Ông Nguyễn Lê Trung Hiếu: Trong các chương trình phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể, chúng tôi chú trọng đến hoạt động tạo ra “quan hệ lao động hài hòa”. Các tổ chức chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội luôn vận động, nhắc nhở, tác động doanh nghiệp chấp hành pháp luật, bảo đảm các quyền lợi cho NLĐ theo đúng quy định như đóng bảo hiểm xã hội, công đoàn phí, chế độ ốm đau, thai sản… Ngoài ra, quận còn có các chương trình chăm lo thăm hỏi, tặng quà tết, tổ chức xe đưa NLĐ về quê ăn tết miễn phí. Với những công nhân ở lại thành phố ăn tết, chúng tôi vận động chủ nhà trọ giảm tiền điện nước, miễn tiền thuê phòng trọ trong mùa dịch COVID-19. Hiện đang là Tháng thanh niên, chúng tôi cũng mời gọi công nhân tham gia các chương trình Chủ nhật xanh vì môi trường, trồng cây, dọn dẹp các điểm rác tồn đọng, cải tạo cảnh quan. Thông qua các hoạt động này, chúng tôi nhận thấy LĐN có điểm mạnh là nhận thức tốt hơn nhiều so với nam giới. Họ tham gia rất tích cực vào các phong trào tình nguyện vì cộng đồng. Với những lao động nhập cư, việc tham gia vào các phong trào vì cộng đồng đã tạo cho họ cảm giác được hòa nhập nhanh chóng hơn.
* Dường như vấn đề lớn đang rất cần được quận quan tâm là nữ lao động nhập cư. Theo ông, họ đang đối diện những khó khăn gì?
- Theo quan sát của tôi, “mẹ đơn thân” đang là một thực tế khá phổ biến trong lực lượng nữ công nhân. Đây là xu hướng chung được xã hội tôn trọng khi người phụ nữ muốn được tự do hơn trong các chọn lựa. Nhưng hiện nay, nhìn chung các doanh nghiệp vẫn chưa có các chính sách rõ ràng cho mẹ đơn thân. Vì vậy, tôi cho rằng Nhà nước cần thể hiện trách nhiệm của mình. Ngoài hỗ trợ công nhân là mẹ đơn thân nuôi con một mình, cần có định hướng giúp những đứa trẻ phát triển trong hoàn cảnh thiếu vắng người cha. Các vấn đề xã hội liên quan có khi 10 - 20 năm nữa mới xuất hiện, nhưng cần phải quan tâm ngay từ lúc này. Nhưng để “sự quan tâm” trở nên thực chất, chúng ta cần có sự chung tay của cả thành phố, cả nước, chứ một hai địa phương hay một hai tổ chức không thể làm được.
Ông Nguyễn Lê Trung Hiếu
Một khó khăn nữa mà LĐN nhập cư đang đối diện là tình trạng phân biệt tuổi tác nam, nữ. Nếu như đàn ông vẫn tiếp tục làm việc thì nữ lao động trong độ tuổi 40 - 45 bắt đầu nằm trong “tầm ngắm” bị sa thải. Các tổ chức chính trị xã hội quận thường xuyên làm việc với các doanh nghiệp về vấn đề này, nhưng bên cạnh yếu tố từ phía doanh nghiệp còn có yếu tố từ phía các chị em. Ở lứa tuổi này, họ bắt đầu có tâm lý muốn hồi hương. Đây là một nhu cầu chính đáng của NLĐ, nhưng nhiều người không biết về quê sẽ làm gì. Nhiều chị em đành bám trụ trong sự o ép, gây khó khăn cho phía sử dụng lao động và nhiều tác động tiêu cực.
* Về chính sách hỗ trợ khi lao động muốn hồi hương, ông có giải pháp nào cho vấn đề trên không?
- Chúng ta vẫn phải làm tốt công tác vận động doanh nghiệp, nhưng đồng thời cần có những giải pháp giải quyết “hậu tha hương”. Họ đã đóng góp cả tuổi thanh xuân cho sự phát triển chung của thành phố thì họ xứng đáng nhận được chính sách hỗ trợ khi muốn quay về. Điều này cần một chủ trương lớn của thành phố. Ví dụ xây dựng chính sách liên tịch với các tỉnh để khởi tạo các làng nghề đón NLĐ trở về nhằm tận dụng lợi thế của họ như: ý thức và tác phong công nghiệp, tay nghề và kinh nghiệm làm việc trong môi trường hiện đại… Đây là những điều cần thiết có thể giúp các tỉnh phát triển sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
* Trước mắt, trong phạm vi của quận và với tư cách thủ lĩnh thanh niên, ông thấy lao động nhập cư cần thêm những hỗ trợ thiết thực nào? - Người ta ai cũng cần có một nơi để thuộc về! Trong việc kêu gọi NLĐ nhập cư tham gia các hoạt động cộng đồng, chúng tôi luôn chú trọng sự ghi nhận, khen thưởng. Nhiều khi những tấm giấy khen chẳng có giá trị gì về mặt vật chất, nhưng khi NLĐ nhìn vào đó thấy tên mình, thấy nơi mình ở, cũng là cách để người ta xem thành phố là một phần của họ.
Để thiết thực hơn, chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng mô hình “Góc phố tôi yêu” từ gợi ý của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Mỗi tổ dân phố, mỗi địa phương nên có một góc phố đẹp. Chúng tôi muốn phát huy các góc phố đẹp đó thành điểm sinh hoạt chung do người dân tự quản. Đây cũng có thể trở thành nơi cho các bạn trẻ, nhất là công nhân lao động, đến thư giãn, check-in, selfie hoặc trở thành niềm tự hào của cả khu phố. Dự kiến trong năm nay, Q.Bình Tân sẽ có mười “Góc phố tôi yêu” và năm sau sẽ có thêm mười góc phố như vậy.
Trong tháng Năm sắp tới, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Q.Bình Tân sẽ phối hợp với Quận đoàn tổ chức “Ngày hội thanh niên lao động Q.Bình Tân” lần đầu tiên với mong muốn giúp các doanh nghiệp trên địa bàn quận có điều kiện để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và NLĐ ổn định đời sống. Ngày hội sẽ huy động các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế nhằm giải quyết việc làm cho NLĐ, đồng thời sẽ có các tham vấn cho việc phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp.
NLĐ, nhất là LĐN, tham gia ngày hội sẽ được tư vấn, định hướng việc làm, nắm bắt những thông tin về các chính sách, quy định pháp luật về lao động việc làm, dạy nghề. Họ sẽ có cơ hội trao đổi với một số nhà tuyển dụng uy tín để tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp, có dịp thi thố tài năng qua hội thi tay nghề. * Xin cảm ơn ông.
Quốc Ngọc (thực hiện)
“Mẹ đơn thân” - vấn đề cần được quan tâm ngay từ lúc này!
Từ đầu thập nhiên 2020, cả thế giới đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng bà mẹ đơn thân. Theo The New York Times, từ năm 2015, tỷ lệ bà mẹ trẻ đơn thân tham gia lực lượng lao động tăng khoảng 4%/năm. Phía sau một người mẹ đơn thân chẳng còn điều gì lớn lao hơn con mình. Bởi thế, khi đóng góp xây dựng các chính sách gia đình tại Mỹ, nhà xã hội học Matthew McKeever khẳng định: “Quan tâm đến những người mẹ, chính xác hơn là phải quan tâm đến những đứa trẻ họ đang cưu mang”. Tạp chí Forbes cho biết, hơn 1/4 trẻ em dưới 18 tuổi ở Mỹ đang sống với cha hoặc mẹ đơn thân, trong đó 80% là mẹ đơn thân. Theo Diễn đàn liên bang Trẻ em và Gia đình (childstats.gov), trẻ lớn lên trong hoàn cảnh mẹ đơn thân gặp nhiều bất lợi so với các trẻ khác. Đó là những khó khăn về kinh tế (vì chỉ có một người kiếm tiền), về vấn đề phát triển (con cái gia đình đơn thân có xu hướng bị điểm thấp, tỷ lệ bỏ học cao, vì cha/mẹ thường không có thời gian hỗ trợ, chăm sóc). Nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng đơn thân là ly hôn. Không hiếm trường hợp trẻ bị lôi kéo vào những mâu thuẫn giữa cha mẹ. Các em dễ mắc các bệnh tâm thần khác nhau, lạm dụng rượu và có ý định tự tử… Ở Việt Nam, bà mẹ đơn thân xuất hiện chưa lâu nhưng đang là xu hướng. Cho nên cần phải nhìn nhận tất cả những vấn đề trên để hoạch định các chương trình, kế hoạch, tầm nhìn. Hỗ trợ người mẹ đơn thân chính là hỗ trợ những đứa trẻ thiếu cha để các em có điều kiện phát triển tốt nhất. Nói như ông Nguyễn Lê Trung Hiếu - Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Q.Bình Tân, “các vấn đề xã hội liên quan có khi 10 - 20 năm nữa mới xuất hiện, nhưng cần phải quan tâm ngay từ lúc này”. Đây là trách nhiệm của Nhà nước, là tinh thần “không để bất kỳ ai tụt lại phía sau” một cách căn cơ, bền vững.