PNO - Ngày 6/6, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trả lời nhiều chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề lao động, việc làm.
Ngày 6/6, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trả lời nhiều chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề lao động, việc làm.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề lao động, việc làm
Mất việc phần đông là lao động nữ
Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu lên thực trạng lao động mất việc làm, đang ngày càng tăng sau đại dịch COVID-19. ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) trăn trở về tình trạng cắt giảm lao động của các doanh nghiệp thời gian qua và cơ hội tìm việc làm mới đối với người lao động (NLĐ) ở độ tuổi ngoài 40 là vô cùng khó khăn. Đây cũng là nhóm có nguy cơ cao phải rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần. “Đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp sẽ triển khai để hỗ trợ NLĐ ở độ tuổi ngoài 40 sau khi bị mất việc làm?” - đại biểu Thủy đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, NLĐ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp gia tăng. Ông chia sẻ: “Cách đây 1 tháng, Thủ tướng Chính phủ phân công tôi đi kiểm tra tại một số địa phương, cùng ăn cơm công nhân. Tôi thấy các ngành nghề dệt may, giày da phần lớn là lao động nữ, thậm chí có những ngành nghề tới 80% nữ. Thời gian qua, hầu hết lao động mất việc, giãn việc cũng rơi vào nữ. Trong 3 triệu người chuyển về địa phương, phần đông là những người mẹ phải đem theo con”. Và theo bộ trưởng, đây là vấn đề rất đáng được quan tâm. Nhưng để giải quyết vấn đề này, phải tập trung vào 5 vấn đề chính.
Trước hết, phải chăm lo đào tạo nghề cho lao động nữ từ sớm, từ khi chưa thất nghiệp để khi thất nghiệp có thể bố trí công việc mới. Bên cạnh đó, các địa phương cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ tín dụng, tạo việc làm để lao động nữ có thể thích ứng trong bối cảnh mới. Một số việc khác cần chăm lo là tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất; tạo việc làm ổn định; chăm lo hệ thống cơ sở phúc lợi thiết yếu như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học... để người phụ nữ giảm bớt khó khăn, thiệt thòi.
Đằng sau người lao động là cả gia đình...
Cùng với tỉ lệ thất nghiệp đang gia tăng, tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu bày tỏ sự lo lắng tới đời sống của NLĐ, đặc biệt là nữ công nhân trong khu công nghiệp, chế xuất. Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) xót xa: “Sau lưng mỗi NLĐ mất việc là gia đình của họ và nhiều vấn đề xã hội khác”. Bà Hạnh đặt vấn đề, trong đại dịch COVID-19, Việt Nam đã phát huy rất tốt các gói hỗ trợ trực tiếp cho người dân và NLĐ. Trong giai đoạn hiện nay, nhiều ý kiến đánh giá, doanh nghiệp và NLĐ còn gặp khó khăn nhiều hơn, vì vậy nên chăng có các chính sách, gói hỗ trợ tương tự?
Hàng ngàn công nhân Công ty Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TPHCM) mất việc cuối năm 2022 - Ảnh: Sơn Vinh
Cùng quan điểm trên, đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) cho biết, nhiều người cần tiền trang trải cuộc sống nên lao động mất việc xin rút BHXH 1 lần là phổ biến, làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội lâu dài. Ông Dương đề nghị bộ trưởng nêu quan điểm về việc thành lập quỹ hỗ trợ NLĐ, tương tự chính sách hỗ trợ NLĐ trong dịch COVID-19.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐ-TB-XH đang tiếp tục đánh giá và dự báo chính xác tình hình từ nay đến tết Nguyên đán cũng như trong năm 2024 để có những chính sách ngắn hạn, dài hạn nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp, chăm lo đời sống NLĐ. Ông cho biết, dự kiến sẽ có một vài chính sách, song cụ thể thì sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định.
Việc thành lập quỹ hỗ trợ NLĐ như đại biểu Tráng A Dương đề cập, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, sẽ cân nhắc và xem đây là 1 căn cứ. Theo ông, thành lập quỹ, nhất là có tác động lớn như ĐBQH nêu, cần phải đánh giá kỹ lưỡng, thậm chí phải báo cáo Quốc hội xem xét. Nhưng theo ông, cần phải có nhiều giải pháp liên quan, đặc biệt tạo công ăn việc làm và thu nhập đủ trang trải đời sống.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đời sống của NLĐ hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Theo thống kê, thu nhập bình quân của NLĐ làm công ăn lương trong quý I/2023 là 7,9 triệu đồng; tăng 2,6% so với quý II/2022. Trong đó, mức lương trung bình của ngành như dệt may là 7,2 triệu đồng, ngành da giày là 8 triệu đồng, ngành chế biến gỗ là 7,4 triệu đồng, ngành điện tử là 9 triệu đồng. Mặc dù thu nhập có gia tăng, nhưng “hiện nay lương và thu nhập còn thấp, đời sống còn khó khăn” - ông Đào Ngọc Dung nhìn nhận.
Làm rõ thêm ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, Bộ Tài chính đang thiết kế gói hỗ trợ cho NLĐ để trình với Chính phủ và Thường vụ Quốc hội. Cụ thể sẽ chi khoảng 23.000 tỉ đồng từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho NLĐ.
Để sàn giao dịch việc làm thành chỗ dựa tin cậy
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) đặt câu hỏi về giải pháp tổng thể để các sàn giao dịch việc làm trở thành chỗ dựa tin cậy cho NLĐ và doanh nghiệp. Tôi nói rằng đây là thiết chế rất quan trọng, đặc biệt với TPHCM và khu vực kinh tế trọng điểm của phía Nam. Tại các quốc gia phát triển, việc tăng cường hỗ trợ, tham vấn chính sách pháp luật; kết nối cung - cầu lao động thông qua các sàn giao dịch, trung tâm dịch vụ việc làm rất mạnh.
Sàn giao dịch việc làm, trung tâm xúc tiến việc làm và sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp được xem là bà đỡ cho thị trường lao động. Đây là 2 thiết chế rất quan trọng để giải quyết vấn đề việc làm.
Sàn giao dịch việc làm, trung tâm dịch vụ việc làm hiện nay hầu hết giao cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nhưng do các địa phương quản lý. Do đó chúng tôi mong muốn các địa phương quan tâm nhiều hơn vấn đề này và trong sửa đổi Luật Việc làm sẽ hiện hữu những quy định rất cụ thể về cơ chế, điều kiện và các quy định ràng buộc đối với sàn giao dịch việc làm và trung tâm giao dịch việc làm.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Tỉ lệ thất nghiệp tăng nhưng hoàn toàn kiểm soát được
Quy mô lao động Việt Nam là rất lớn với hơn 51 triệu người. Đến thời điểm này, tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam có gia tăng nhưng không chỉ riêng chúng ta. Tỉ lệ thất nghiệp trong quý I/2023 là 2,25%, so với thế giới chúng ta vẫn nằm trong ngưỡng còn thấp. 5 tháng đầu năm, lượng lao động mất việc và giãn việc là trên 506.000 người. So với quy mô lao động, tỉ lệ này hoàn toàn kiểm soát được.
Năm 2021, khi dòng người đổ về quê, chúng ta lo sẽ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, nhưng đã không để điều đó xảy ra. Thời điểm này chúng ta không cho phép chủ quan nhưng cũng không bi quan. Thủ tướng đã chủ động cùng xúc tiến đầu tư với một số nhà đầu tư lớn. Chúng ta sẽ thực hiện nhiều giải pháp để giữ chân NLĐ, ổn định đội ngũ lao động và đời sống.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Quan ngại về tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần Theo báo cáo, ước tính năm 2019 có 500.000 người rút BHXH. Đến năm 2022, có trên 900.000 người rút BHXH 1 lần. Đây là điều rất đáng quan ngại. Theo tôi, rút bảo hiểm là bất đắc dĩ và là nguyện vọng thật sự của người đóng, cần được tôn trọng, nhưng đồng thời cũng phải tìm cách bảo đảm quỹ bảo hiểm ổn định và phát triển. Bộ trưởng cho rằng, theo thông lệ quốc tế, quy định rút bảo hiểm 1 lần chỉ áp dụng đối với 2 trường hợp là mắc bệnh nan y hoặc ra nước ngoài định cư. Tuy nhiên, quy định đó khó áp dụng ở Việt Nam.
Tôi đồng ý với hướng giải quyết tăng lợi ích của NLĐ khi sửa đổi Luật BHXH và đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có các quy định để đảm bảo quyền lợi của lao động khi rút BHXH. Có ý kiến đề xuất, trong 5 năm đầu, nếu rút BHXH 1 lần, NLĐ chỉ được trả lại số tiền đúng bằng số tiền họ đã đóng. Trong 6-15 năm tiếp theo, người rút BHXH 1 lần chỉ được trả lại số tiền họ đóng cộng với lãi suất tiết kiệm trung bình. Nếu đóng BHXH được trên 15 năm, NLĐ sẽ được trả lại toàn bộ tiền đóng, kể cả tiền cơ quan đã đóng cho họ như các quyền lợi đã được quy định. Hy vọng rằng Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các bộ trưởng khác suy nghĩ để giải quyết cho thấu đáo.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.