Lao động như tù nhân ở các công xưởng Trung Quốc

17/05/2017 - 06:36

PNO - Mới đây, bà Christel Wallace đã chia sẻ với truyền thông bức tâm thư cầu cứu một người được cho là đang chứng kiến những gì xảy ra tại Quảng Tây, Trung Quốc

Sau khi mua chiếc túi xách “made in China” tại một cửa hàng Walmart ở Mỹ, bà Christel phát hiện trong túi có một bức thư nét chữ vội vàng, nội dung: “Những “tù nhân” đang phải làm việc 14 tiếng/ngày với lương 290 USD/tháng. Suốt thời gian làm việc trong ngày, chúng tôi không hề được nghỉ giải lao hay đi vệ sinh. 

Nếu không hoàn thành công việc, sẽ bị đánh đập dã man”. Bà Christel Wallace cho biết, bà như chết lặng khi biết nội dung bức thư và chưa bao giờ tưởng tượng món hàng mình mua lại là thành phẩm của sự bóc lột lao động.

Lao dong nhu tu nhan o cac cong xuong Trung Quoc
Lao động trong một nhà máy sản xuất điện thoại gục đi vì kiệt sức - Ảnh: Daily Mail

Đại diện Walmart cho biết, họ sẽ tìm hiểu về nguồn gốc chiếc túi vì nguyên tắc kinh doanh của họ đã quy định rõ người lao động phải làm việc trong điều kiện tự nguyện. Đây không phải lần đầu một sản phẩm làm từ Trung Quốc xuất ra thị trường quốc tế gặp rắc rối về nguồn gốc nhân công.

Khoảng những năm 2014-2015, truyền thông quốc tế đã nhiều lần phanh phui sự thật bên trong những công xưởng sản xuất hàng triệu chiếc điện thoại Samsung, iPhone.

Trong khi đó, đại diện các bên đều cam kết không có tình trạng lao động vị thành niên làm việc thời vụ, không hợp đồng, bị vắt kiệt sức lực tồn tại.

Nhưng thực tế, chia sẻ đăng trên Business Insider tháng trước của sinh viên Dejian Zeng thuộc ĐH New York mới đây đã khiến mọi người bàng hoàng.

Để hoàn thành công trình nghiên cứu của mình, Dejian Zeng đã đến nhà máy Petragon chuyên gia công iPhone ở Trung Quốc, hy vọng sẽ được tận mắt chứng kiến và học hỏi một quy trình sản xuất chuyên nghiệp; nhưng lại thấy cảnh công nhân ở đây phải làm việc như những tù nhân bị giam lỏng; trở thành những cái máy trước áp lực làm việc 11-12 tiếng/ngày.

Giờ nghỉ trưa, họ chỉ có thể ngồi tại chỗ, nếu tranh thủ duỗi người cho thẳng lưng là sẽ bị đánh, bị trừ lương. Dejian Zeng kể, nhiều hôm anh quên cả việc đi vệ sinh, nín nhịn suốt ngày vì quá bất tiện. Anh kết luận: “Ở đây không phải một môi trường làm việc, công nhân không có cơ hội được sống đúng nghĩa”. 

 Tại Liên hoan phim tài liệu về quyền con người ở London (Anh) tháng Ba vừa qua, hai nhà làm phim Heather White và Lynn Zhang đã công bố những thước phim vạch trần hậu quả mà công nhân các xưởng sản xuất thiết bị điện tử Thâm Quyến và Quảng Châu đang phải gánh chịu.

Một trong những nhân chứng là anh Yi Yeting, đã bị ung thư bạch cầu vì tiếp xúc với các hóa chất gây hại cho sức khỏe.

Một nạn nhân khác là Xiao Ya, làm việc trong các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử từ lúc 15 tuổi. Rời bỏ làng quê nghèo, cô gái trẻ Xiao Ya từng nghĩ, mình tìm được cơ hội làm việc ở thành phố lớn là sẽ được đổi đời; đâu ngờ rơi vào cảnh phải làm việc 15 tiếng/ngày ở công xưởng.

Hậu quả là một ngày cô phải nhập viện với tổn thương não nghiêm trọng và tấm thân bại liệt vì đã tiếp xúc quá nhiều với chất n-hexane dùng trong tẩy rửa.  

Đại diện các hãng điện thoại không lên tiếng về những trường hợp cụ thể; chỉ cho biết họ có quy chế an toàn cho người lao động.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính vì áp lực đơn hàng cho thị trường quốc tế mà các nhà máy sản xuất gia công đã bất chấp quyền và lợi ích của người lao động, dẫn đến bi kịch của những lao động làm thuê thấp cổ bé họng.

Anh Thông (Theo Next Shark, Business Insider, New Scientist)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI