PNO - Trong khi phần lớn ngành nghề trong xã hội đều bị đình trệ và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao do COVID-19 thì lao động nhập cư tại các nước giàu vẫn có thu nhập ổn định từ những công việc đang có nhu cầu cao về nhân lực.
Phản xạ ban đầu của Menchie Yunson là quay trở về Philippines ngay khi cô được thông báo rằng, mình nằm trong danh sách phải nghỉ việc do nền kinh tế nước sở tại nơi cô sống và làm việc theo diện xuất khẩu lao động đang bị suy sụp vì dịch bệnh.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, cô gái 26 tuổi này đã tìm được công việc mới là chăm sóc người già tại một viện dưỡng lão. Người ta nhận cô ngay lập tức bởi đã hàng tháng trời đăng tuyển và thông báo khắp nơi nhưng không có người dân địa phương nào chịu làm những việc chân tay như cọ toilet và tắm rửa cho người già với mức thù lao chỉ 8.35 USD (khoảng 200 nghìn đồng)/giờ.
Cô Menchie Yunson tìm được việc làm mới tại viện dưỡng lão ngay sau khi thôi việc ở một công ty sản xuất thiết bị nhà tắm ở Nhật - Ảnh: Hiroshi Okamoto/WSJ
Có một điều dễ nhận thấy, đó là cho dù nền kinh tế toàn cầu có lao đao bởi thiên tai hay dịch bệnh đến thế nào đi nữa thì bất cứ quốc gia giàu có phát triển nào trên thế giới cũng phải dựa vào lực lượng lao động nhập cư đến từ các nước nghèo hoặc đang phát triển. Họ chính là những người sẵn sàng bán sức lao động để nhận lấy mức thù lao khiêm tốn cho những công việc nặng nhọc, vất vã vốn bị dân bản xứ chê bai không muốn làm. Chẳng hạn như công việc chăm sóc người già và làm nông nghiệp là hai trong số nhiều ngành nghề luôn trong tình trạng “khát” nhân lực, kể cả khi kinh tế có bị suy thoái hay không.
Tổng thống Trump vốn là một người mạnh tay trong việc ngăn chặn và cắt giảm số lượng người nhập cư vào Mỹ trong suốt nhiệm kỳ của mình, vẫn mở rộng cánh cửa chào đón lao động nhập cư ngành nông nghiệp. Hồi tháng 6/2020, ông Trump đã ký một sắc lệnh “ác mộng” đối với nhiều người, đó là siết chặt việc cấp visa cho người nước ngoài, nhưng “những dịch vụ thiết yếu phục vụ cho nước Mỹ như nông nghiệp và chuỗi cung ứng thực phẩm” thì lại được loại trừ.
Trước đó một tháng, Ý cũng cho phép và tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp và chăm sóc người cao tuổi được cấp visa làm việc ngắn hạn trong vòng 6 tháng tại Ý, với hy vọng lấp đầy khoảng trống nhân lực đang rất căng thẳng do thiếu hụt lao động nội địa.
Thiếu hụt lao động ngành nông nghiệp khiến Ý phải mở cửa cho lao động nhập cư - Ảnh: Getty Images
Ở Nhật Bản thì cô Yunson cùng 4 đồng hương người Philippines thuộc nhóm công nhân nằm ngay trang đầu của danh sách sa thải do công ty sản xuất thiết bị nhà tắm nơi họ làm việc bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Thế nhưng, thay vì phải hồi hương, tất cả bọn họ đều tìm được công việc mới ngay sau đó ở một trung tâm dưỡng lão thuộc miền Trung Nhật Bản.
Kể từ thời điểm cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra năm 2008-2009, Nhật Bản đang ngày càng thể hiện mình là một “miền đất hứa” cho những lao động nước ngoài có trình độ cao đến từ những nước đang phát triển như Philippines và Việt Nam.
Thế nhưng giờ đây, ngay giữa tâm dịch COVID-19 thì những lao động chân tay nhập cư vẫn có việc làm mà không bị bỏ rơi. Điều này có thể tạo nên hình ảnh đẹp về sự rộng lượng của đất nước Mặt trời mọc. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn lại là, đất nước này đang thật sự cần họ, những người lao động nhập cư.
Theo các số liệu thống kê của chính phủ Nhật Bản, cứ 4 việc làm trong ngành chăm sóc người cao tuổi ở các viện dưỡng lão đang cần tuyển thì chỉ có 1 người tìm kiếm công việc này trong 2 tháng Bảy và Tám vừa rồi.
Nhật Bản được xem như là một "miền đất hứa" thu hút nhiều lao động nhập cư đến làm việc nhờ những chính sách ưu đãi từ chính phủ - Ảnh: Benjamin Parks/WSJ
Dưới thời thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đã mở toang cánh cửa cho lao động nhập cư, và nhờ thế, con số đã tăng vọt lên tới 1.66 triệu người hồi tháng 10/2019, gấp đôi so với 5 năm trước. Và chính sách này sẽ vẫn được tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn bởi người kế nhiệm là ông Yoshihide Suga, người vừa được bổ nhiệm làm Thủ tướng Nhật Bản ngày 16/9 vừa rồi.
Cũng như tất cả các nước khác, Nhật Bản đã và đang siết chặt việc nhập cảnh đối với bất cứ ai không phải là công dân Nhật Bản như là một biện pháp “cực chẳng đã” để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Thế nhưng, với những người hiện đang ở tại Nhật Bản thì các chính sách dành cho họ lại dễ thở hơn nhiều.
Phần lớn lao động nhập cư đều được tạo điều kiện để ở lại Nhật và có công việc mới kể cả khi họ đã đến thời hạn phải về nước do visa hết hiệu lực. Thậm chí, nhóm đối tượng này còn có cơ hội nhận được gói hỗ trợ tiền mặt 940 USD (gần 22 triệu đồng) mà Quốc hội đã thông qua dành cho những ai đang sinh sống và làm việc ở Nhật Bản, bất kể họ là dân bản địa hay nhập cư.
Thông thường thì lao động nước ngoài đủ điều kiện đáp ứng cho các ngành nghề cụ thể ở Nhật Bản đều phải tham gia các khóa đào tạo tại nước sở tại trước tiên, sau đó khi sang Nhật thì sẽ được đào tạo chuyên sâu cũng như tăng cường thêm kỹ năng tiếng Nhật. Họ sẽ sống và làm việc tại Nhật với tư cách là những tu nghiệp sinh trong vòng 3 đến 5 năm, sau đó sẽ quay trở về quê nhà.
Lao động nước ngoài phải trải qua chương trình đào tạo chuyên sâu và ngôn ngữ tại Nhật Bản trước khi bắt đầu làm việc. Trong ảnh là lớp học tiếng Nhật cho người mới sang - Ảnh: Beawiharta/Reuters
Thế nhưng, hình thức vận hành nguồn nhân lực theo cách nói trên đã bị thay đổi do ảnh hưởng bởi coronavirus. Ông Hitoshi Yamada, một chuyên gia tuyển dụng và cung ứng lao động nhập cư, đã từng phải di chuyển liên tục giữa Nhật Bản và các nước để phỏng vấn lao động tiềm năng và kết nối họ với chủ sử dụng lao động phù hợp ở Nhật. Nhưng suốt từ đầu năm đến giờ, ông chỉ tập trung cho việc tuyển dụng những công nhân như cô Yunson và những người lao động nhập cư đang ở ngay tại Nhật Bản.
Cô Yunson đã làm việc trong nhà máy sản xuất thiết bị vòi tắm được 3 năm với mức thu nhập 1.400 USD (khoảng 32 triệu)/tháng. Nhờ chi tiêu tiết kiệm mà cô đã để dành ra được một khoản kha khá để gửi về cho bố mẹ mình là nông dân ở một vùng quê nghèo thuộc Philippines.
Giờ đây khi chuyển sang công việc mới là chăm sóc người già trong viện dưỡng lão, tuy thu nhập có thấp hơn so với công việc trước đây trong nhà máy, thế nhưng nó đã mang lại cho cô nhiều niềm vui về tinh thần.
“Khi tôi giúp các cụ bà tắm hoặc đi vệ sinh, họ đã liên tục nói lời cám ơn với tôi. Tôi thấy mình là người có ích”, cô Yunson chia sẻ.
Điều dưỡng, chăm sóc người già là những nghề có số lượng lớn người lao động đến từ Việt Nam. Trong ảnh là các học viên đang tham gia khóa đào tạo nghề trước khi sang Nhật - Ảnh tư liệu
Takahiko Ishikawa, giám đốc điều hành một viện dưỡng lão lớn cho biết, người lao động Nhật Bản thường chẳng mặn mà gì với công việc ở đây, và họ thường bỏ việc rất sớm do tính chất nặng nhọc và vất vả đặc thù của nghề. Cơ sở của ông có khả năng tiếp nhận 100 người cao tuổi nhưng hiện chỉ đang phục vụ 80 khách hàng bởi thiếu nhân công. Nhân viên phục vụ ở đây phần lớn là người Việt Nam và Philippines.
Ông Ishikawa cho biết, những cán bộ người Nhật thường được giao thêm nhiệm vụ hướng dẫn, đào tạo cho những nhân viên người nước ngoài mới được tuyển dụng.
“Hầu hết họ đều cần phải được đào tạo lại”, ông Ishikawa nói. “Thế nhưng với tôi, lao động nước ngoài chính là những ‘kho báu’ mà tôi không được phép đánh mất trong lúc này”.
Các nhà khoa học Do Thái đang nghiên cứu chế tạo vắc xin “Benjamin Button”, có thể đảo ngược đồng hồ sinh học, chống lão hóa và ngăn ngừa chứng mất trí.