Có thâm niên bỗng thành "công nhân thử việc"
Năm 2019, chị T.N.H. - 44 tuổi, công nhân giày da của Công ty P.C. (quận Bình Tân, TPHCM) - cùng hàng trăm đồng nghiệp bị công ty cho nghỉ việc với lý do “không có đơn hàng”. Phần lớn số bị cho nghỉ việc là công nhân có thâm niên làm việc từ 10-20 năm. Riêng chị H. đã làm cho công ty này 12 năm, mức lương 8 triệu đồng/tháng. Sau đó, do dịch COVID-19 bùng phát, chị H. không thể tìm được chỗ làm mới.
Cuối năm 2021, Công ty P.C. tuyển dụng lại chị H. bởi chị có kinh nghiệm. Tuy nhiên, do bị xem là lao động mới nên mức lương của chị chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng. Hiện nay, sau 2 năm, lương của chị lên hơn 5 triệu đồng/tháng. Nếu không bị cho nghỉ việc vào năm 2019 thì mức lương nay là 10 triệu đồng/tháng.
|
Chị Trần Thị Hạnh - công nhân Công ty giày da Tỷ Hùng - cho biết rất lo lắng về tương lai bởi chị đã 50 tuổi - Ảnh: Thanh Hoa |
Chị Phạm Thị Nhanh - công nhân Công ty giày da Sh.H.C. - kể, cứ vài năm, công ty lại viện lý do không có đơn hàng rồi lọc bớt những công nhân có thâm niên làm việc nhưng liền đó lại treo bảng tuyển dụng. Chị Nhanh nói: “Tôi nghĩ, đây thực ra là cách để doanh nghiệp (DN) giảm mức tiền lương phải trả và mức phí bảo hiểm xã hội phải đóng. Lương cho công nhân mới khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Nếu công nhân làm việc trên 10 năm, DN phải trả lương 10 triệu đồng/tháng và đóng mức tiền bảo hiểm xã hội gấp đôi so với công nhân mới tuyển”.
Chị N.T.B.B. - từng là tổ trưởng tổ kiểm hàng, Công ty may T.S.V.N. (huyện Hóc Môn, TPHCM) - cho rằng, DN thường không trực tiếp cho công nhân lâu năm nghỉ việc mà yêu cầu tổ trưởng gây khó dễ để họ tự nguyện xin nghỉ. Có DN tuyển công nhân mới nhưng đa phần tuyển lại những công nhân cũ đã bị cho nghỉ việc do số này đã có kinh nghiệm, tay nghề. Chị B. khẳng định, hầu hết DN cần người có tay nghề, kinh nghiệm nhưng chỉ muốn trả mức lương thấp (dành cho người được tuyển mới).
Với những DN thực sự buộc phải giảm lao động do thiếu đơn hàng, những lao động lớn tuổi luôn là đối tượng bị cắt giảm trước hết. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong vòng 1 tháng qua, có 562.400 người bị giảm giờ làm, 31.370 người bị chấm dứt hợp đồng lao động. Ở TPHCM, mới đây nhất, Công ty giày da Tỷ Hùng đã thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 người, chỉ giữ lại khoảng 700 người làm ở bộ phận thiết kế, kỹ thuật, nhân sự. Trong số bị cho nghỉ việc, 936 người có hợp đồng không xác định thời hạn với gần 50% ngoài 40 tuổi, đã gắn bó với DN này từ 10-15 năm. Công ty TNHH Việt Nam Samho (sản xuất giày da) cũng dự kiến cắt giảm hơn 1.400/8.700 công nhân kể từ tháng 12 tới đây.
Là 1 trong những người bị Công ty Tỷ Hùng cho thôi việc, công nhân Trần Thị Hạnh (quê ở Quảng Ngãi) rất lo về tương lai bởi chị đã 50 tuổi, đang nuôi 2 con ăn học và mẹ bị ung thư: “Tôi làm cho công ty này 13 năm nay, lương 8,3 triệu đồng/tháng. Nếu bây giờ đi xin việc, chắc chắn mức lương chỉ được phân nửa. Tôi chấp nhận mức lương thấp, chỉ sợ các công ty không nhận do tôi đã lớn tuổi”.
Đừng "vắt chanh bỏ vỏ"
Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam - cho rằng, khi gặp khó khăn, các DN sẽ cắt giảm lao động; khi hoạt động kinh doanh ổn định, họ sẽ tuyển dụng và ưu tiên tuyển người trẻ. DN thường lấy lý do không có đơn hàng để cắt giảm những người lao động lâu năm nhằm giảm mức trả lương, chi phí đóng bảo hiểm xã hội.
“Nếu tôi là chủ DN và DN đang gặp khó khăn, tôi cũng sẽ hy sinh một số người để cứu cả con tàu sắp chìm. Mục đích chính của DN - nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài - là doanh thu, lợi nhuận nên họ biết cần giữ ai, cắt giảm ai và sẽ không vì lời kêu gọi nào đó mà làm những việc tổn hại đến lợi ích của mình” - ông Lưu Kim Hồng nói.
Theo một vị lãnh đạo Công ty may Nhà Bè, một DN hướng đến sự phát triển bền vững sẽ không chọn cách “vắt chanh bỏ vỏ” bởi công nhân sẽ không coi DN là nơi để gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, nếu đứng trước bài toán sống còn, buộc DN phải sắp xếp lại quy mô hoạt động, họ sẽ cắt giảm đối tượng đem lại rủi ro cao nhất. Để đưa đến các quyết định này, các DN phải cân nhắc rất nhiều.
Theo ông Lưu Kim Hồng, để hài hòa lợi ích đôi bên, cơ quan quản lý nhà nước cần đóng vai trò điều phối nguồn lao động, chuyển từ nơi có người lao động dư thừa sang nơi có nhu cầu tuyển dụng. Các hội nghề nghiệp, đoàn thể có thể nghiên cứu, tạo công ăn việc làm cho nhóm người lao động lớn tuổi bị mất việc để họ có thu nhập. Chẳng hạn, kết nối việc làm thời vụ cho họ hoặc tốt hơn nữa là tổ chức cho họ về quê và chủ động giới thiệu việc làm cho họ.
“Về lâu dài, cần có sự phối hợp nghiên cứu của nhiều cơ quan, ban, ngành, để giải quyết bài toán việc làm cho người lớn tuổi. Cần điều tra xã hội học, tâm lý học đối với người lao động lớn tuổi để có giải pháp hỗ trợ thật hiệu quả và kịp thời khi họ mất việc” - ông Lưu Kim Hồng đề xuất.
Giám đốc một công ty may lớn ở TPHCM (xin giấu tên) cho rằng, công nhân càng có thâm niên thì hệ số lương càng cao, chi phí đóng bảo hiểm xã hội càng nhiều, nên DN càng sử dụng nhiều đối tượng này thì càng tốn chi phí.
“Ở nước ngoài, người trẻ tuổi đóng thuế, phí bảo hiểm xã hội cao, còn người làm việc lâu năm đóng thấp hơn. Ví dụ, trong năm 2022, tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội của DN cho tất cả người lao động là 33 - 34% (DN đóng 22,5 - 23,5%, người lao động đóng phần còn lại). Nếu chúng ta thay đổi hệ số này theo hướng DN chỉ đóng 28% cho người lao động mới, đóng 15% cho người lao động lâu năm thì giảm được áp lực tài chính cho DN có đông người lao động lâu năm” - vị giám đốc này nói.
Nếu DN lấy lý do thiếu đơn hàng rồi cho người lao động nghỉ việc, không thực hiện đầy đủ các quyền lợi chính đáng thì cơ quan công đoàn cần phải can thiệp kịp thời để bảo vệ người lao động. Đối với các DN đang gặp khó khăn hoặc có quá đông người lao động lớn tuổi thì có thể nghiên cứu, hỗ trợ họ bằng cách miễn, giảm các khoản phí đóng bảo hiểm xã hội trong một thời gian nhất định. Ông Đào Xuân Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TPHCM (HBA) |
Thanh Hoa