Lao động khốn khổ vì doanh nghiệp không đóng bảo hiểm

23/10/2023 - 06:19

PNO - Bị “quỵt” bảo hiểm xã hội, hàng ngàn lao động ở Thừa Thiên - Huế không thể tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình và gặp nhiều khó khăn khác.

Mất chế độ thai sản vì chưa được đóng bảo hiểm xã hội

Chị Võ Thị K. - trước đây là công nhân may tại Công ty cổ phần May xuất khẩu Khánh Hà (phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy) - đến Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thừa Thiên - Huế để chốt sổ BHXH và ra về với bộ dạng buồn bã. Chị cho biết, tháng nào công ty cũng trừ lương để đóng BHXH, nhưng đến nay, nghỉ việc đã 4 tháng, mà vẫn chưa chốt được sổ bảo hiểm, lý do là đơn vị nợ BHXH và chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn. “Sắp đến ngày sinh mà không mua được thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình nên sẽ không được hưởng chế độ thai sản, mọi chi phí sinh nở đều phải tự túc, nên càng khó khăn hơn” - chị K. nói.

Trước đó, vào cuối tháng Chín, Nhà máy Xử lý rác Thủy Phương (cụm công nghiệp Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) chấm dứt hợp đồng lao động với 7 công nhân. 4 người trong số họ có sổ BHXH nhưng đang bị công ty nợ đóng từ tháng 5/2019 đến nay. Không chỉ những người bị cho thôi việc mà toàn bộ lao động, kể cả lãnh đạo nhà máy cũng bị nợ đóng BHXH. Quá bức xúc, ngày 30/9/2023, nhiều người đã kéo đến nhà máy để yêu cầu chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa phải đóng số tiền BHXH còn nợ.

Chị Cao Thị Lan Anh - làm việc tại nhà máy đã 13 năm - đến nay vẫn chưa được nhận chế độ thai sản dù con đã hơn 4 tuổi. Chị cho biết: “Năm 2019, tôi sinh con. Hiện cháu đã học mẫu giáo lớn mà tôi vẫn chưa nhận được tiền chế độ thai sản vì bị công ty nợ BHXH. Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đang bị nợ BHXH 4 năm 2 tháng”. Anh Nguyễn Văn Thủ - cựu công nhân nhà máy - chia sẻ: “Toàn bộ công nhân nhà máy đều làm việc trong môi trường độc hại. Chúng tôi thông cảm với sự khó khăn hiện nay của đơn vị, nhưng đóng BHXH cho người lao động là việc phải làm”.
 

Mỗi ngày có hàng chục lao động đến Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế để thắc mắc về bảo hiểm xã hội của mình
Mỗi ngày có hàng chục lao động đến Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế để thắc mắc về bảo hiểm xã hội của mình

Đi vào hoạt động từ năm 2007 với 140 lao động, Nhà máy Xử lý rác Thủy Phương - chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa tại Thừa Thiên - Huế - hoạt động có hiệu quả. Nhưng từ năm 2018 đến nay, nhà máy gặp nhiều khó khăn nên dừng tiếp nhận rác, hoạt động cầm chừng, cố gắng xử lý số rác thải đã tiếp nhận trước đó. Do đó, số giờ làm việc, ngày công của người lao động bị giảm dần, nguồn thu nhập không đảm bảo.

Theo người lao động, năm 2022 họ còn làm việc 2-3 ngày/tuần, nhà máy chỉ còn vận hành 1 lò đốt, lương khoảng 1,2 triệu đồng/tháng. Trước đó, số lượng lao động tại nhà máy đã giảm mạnh (bị cho thôi việc hoặc tự nghỉ). Và qua đợt sa thải cuối tháng 9/2023, nhà máy chỉ còn 12 lao động, bao gồm cả công nhân và các vị trí hành chính, lãnh đạo, trong đó có 10 người bị chậm đóng BHXH từ tháng 5/2019.

2.904 đơn vị nợ bảo hiểm hơn 255 tỉ đồng 

Theo thống kê từ BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính đến đầu tháng 8/2023 có 2.904 đơn vị nợ BHXH với tổng số tiền chậm đóng (gồm BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp) lên đến hơn 255 tỉ đồng, chiếm 6,82% so với kế hoạch giao thu. Trong đó, riêng tiền nợ khó thu hồi tại doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn (273 đơn vị) lên đến gần 33 tỉ đồng. Một số doanh nghiệp nợ số tiền lớn như: Công ty TNHH MTV Takson Huế (nợ 13 tháng với hơn 8,5 tỉ đồng), Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Thuận Thành (nợ 146 tháng, hơn 6 tỉ đồng), Công ty cổ phần Xây dựng giao thông Thừa Thiên - Huế (nợ 29 tháng, 5,3 tỉ đồng), Công ty TNHH Quốc Thắng (nợ 32 tháng, 3,7 tỉ đồng)… 

Trong đó, nhiều doanh nghiệp tại Thừa Thiên - Huế dù vẫn đều đặn trừ tiền BHXH của người lao động nhưng không nộp. Nguyên nhân là doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, hoạt động không ổn định dẫn đến không có khả năng đóng BHXH đúng hạn. Cá biệt xuất hiện trường hợp có biểu hiện cố tình không trả nợ bảo hiểm để chiếm dụng tiền đóng cho Nhà nước.

Bà Bùi Thị Thu Lý - Phó giám đốc BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế - chia sẻ, dù được trao quyền để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhưng các tổ chức công đoàn trực thuộc doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Việc giao quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH cho công đoàn cơ sở đang bộc lộ một số bất cập. Hầu hết đội ngũ này đang hưởng lương từ chủ doanh nghiệp nên họ không dám đứng ra khởi kiện ông chủ của mình. 

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI