Lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 70% do COVID-19

21/03/2020 - 10:31

Số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tháng 2/2020 tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, do dịch COVID-19. Các ngành bị tác động mạnh là dệt may, dịch vụ du lịch...

Số liệu thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), công bố ngày 20/3 cho biết, số người đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong 2 tháng đầu năm 2020 lên tới gần 77.000 người.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, nếu như tháng 1/2020 chỉ có 29.849 người đăng ký nộp hồ sơ hưởng BHTN, thì đến tháng 2/2020 con số này là 47.164 người (tăng 59,2% so với tháng 1/2020 và tăng 70% so với tháng 2/2019 - số người nộp hồ sơ hưởng BHTN tháng 2/2019 là 27.755 người).

Ngành dệt may bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 do thiếu nguyên liệu sản xuất
Ngành dệt may thiếu nguyên liệu sản xuất do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (ảnh minh họa)

Riêng tại TPHCM, trong tháng 2/2020 có 9.872 lao động thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng BHTN (tăng 80,67% so với tháng 1/2020 và tăng 57,57% so với tháng 2/2019). Lao động thất nghiệp chủ yếu tại các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN tư nhân.

Việc gia tăng hồ sơ hưởng BHTN, bên cạnh nguyên nhân lao động hay nghỉ việc, nhảy việc vào thời điểm Tết Nguyên đán, lý do khác là ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến DN tạm dừng hoạt động, cắt giảm nhân sự.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong tháng 2, có khoảng 10% DN phải cắt giảm quy mô sản xuất. Nửa đầu tháng 3, số lượng DN phải cắt giảm quy mô sản xuất là hơn 15% tổng số DN.

Ngành bị tác động mạnh do COVID-19 là dệt may. Do thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc, nhiều DN đã phải áp dụng các biện pháp giãn ca, không làm thêm giờ, đặc biệt vào thứ Bảy, Chủ nhật. Ngành này có khoảng 2,8 triệu lao động.

Những ngành khác là hàng không, dịch vụ, du lịch… do khách du lịch giảm mạnh vào đầu mùa dịch, và hiện Việt Nam đã tạm dừng cấp thị thực cho du khách...

Các dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường sắt, đường bộ, hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho vận tải với gần 500.000 lao động đang làm việc cũng bị ảnh hưởng lớn.

Ngành vận tải hàng không đã thực hiện cắt giảm lương từ 20%- 40% tùy từng vị trí, áp dụng biện pháp cho nghỉ luân phiên và tiến tới giảm lương.

Các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống với hơn 500.000 lao động đang làm việc cũng gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các DN thỏa thuận với người lao động thực hiện cắt giảm lương, giãn ca hoặc cho nhân viên nghỉ không lương, để người lao động có thể quay trở lại làm việc ngay sau khi phục hồi kinh doanh.

 

B.L

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI