Lão bà cầm gậy tre 'chiến đấu' với giao thông hàng ngày: Thương mọi người quá...

12/06/2016 - 07:50

PNO - Bất kể trời nắng hay mưa, sáng sớm hay tối mịt, lão bà vẫn một mình một gậy, điều tiết giao thông, giải quyết ùn tắc tại ngã tư Cống Mọc

Lao ba cam gay tre 'chien dau' voi giao thong hang ngay: Thuong moi nguoi qua...
Lão bà đang điều phối giao thông tại ngã tư Cống Mọc. Ảnh: Hải Đăng

Làm để tích đức cho con cháu...

Hình ảnh một người phụ nữ đứng giữa ngã tư để điều tiết giao thông vào giờ cao điểm đã trở nên quá quen thuộc với người dân Cống Mọc (Phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội). Sau khi tìm hiểu, được biết người phụ nữ này là bà Nguyễn Thị Tiến (62 tuổi) làm nghề buôn bán ngay đầu Cống Mọc.

Trao đổi với báo Phụ nữ TP HCM, bà Tiến chia sẻ rằng, bà làm việc này đến nay đã được hơn 4 năm. Hàng ngày vào giờ cao điểm, khu vực này rất hay xảy ra ách tắc. Người tham gia giao thông ý thức chưa cao nên cứ mạnh ai người nấy vượt, mà càng cố vượt thì lại càng tắc.

Cũng chính vì thế mà mỗi khi xảy ra ùn tắc là bà Tiến lại cầm chiếc gậy tre tự chế của mình ra để phân luồng. Việc làm của bà đã giúp cho xe cộ đi qua khu vực này được lưu thông dễ dàng hơn.

''Đoạn đường này nhỏ, lại là ngã tư nên rất hay xảy ra ùn tắc. Đặc biệt, vào những giờ cao điểm như buổi sáng lúc 7h30 - 8h30, buổi chiều từ 17h30 - 19h30, xe bị dồn lại cả trăm mét.

Mỗi lần như vậy tôi lại bỏ cửa hàng lại đó rồi đi ra phân luồng. Người dân thấy có người đứng ra hướng dẫn cũng tuân thủ theo đúng chỉ dẫn, nên chỉ một lúc là xe lại có thể đi lại bình thường. Mỗi người nhường nhau một tý thì đâu xảy ra tình trạng này.'' bà Tiến nói.

Lý giải về hành động đẹp của mình, bà Tiến cho biết: ''Tắc đường ở Hà Nội là đặc sản rồi. Ai ở Hà Nội cũng đều phải trải qua món này và hiểu được sự vất vả khi tham gia giao thông mà bị tắc đường. Mùa đông còn đỡ chứ mùa hè mà đứng chờ nhích từng tý một thì khổ lắm. Thương mọi người vất vả, nắng nôi quá nên tôi mới đứng ra điều khiển.

Tôi cũng có con, có cháu, hàng ngày chúng nó vượt đường xa đi làm đi học rất vất vả. Nhìn dòng người ùn ứ lại mà đi không được, lùi không xong tôi cũng xót lắm. Nghĩ rằng con cháu mình có khi cũng đang phải chịu cảnh ùn tắc như vậy nên tôi làm vì cũng mong rằng, biết đâu con cháu mình cũng được người khác giúp, đỡ phải chịu cảnh nắng nôi giữa ngày hè này. Tôi làm việc này cũng là để tích đức cho đời sau nữa''

Chia sẻ về kinh nghiệm điều tiết giao thông của mình, bà Tiến cho hay, ban đầu thì nhìn mấy bác trật tự khu vực điều khiển, xong rồi bà học theo. Sau vài lần như vậy, dần dà bà quen với việc nhận định tình huống giao thông và xử lý ùn tắc.

Theo bà Tiến thì hễ ngả đường nào mà bắt đầu ùn ứ thì bà sẽ yêu cầu một ngả đường thưa người hơn dừng lại, nhường đường cho đoạn đường đang đông đi trước. Tương tự như vậy đối với từng ngả đường, bà sẽ có sự điều tiết cho phù hợp để giải quyết ùn tắc một cách nhanh chóng. Chỉ với một cây gậy tre, bà đã trở thành một ''cảnh sát giao thông'' khá chuyên nghiệp.

''Nhiều người thấy tôi ra là người ta lại bảo với nhau rằng ''may quá bà ấy ra rồi, bà ấy ra là hết tắc ngay ấy mà''. Mọi người quý tôi lắm, tôi thì cứ hay nói đùa rằng, có quý tôi thì tuân thủ theo tôi chỉ dẫn, mỗi người nhịn nhau một chút là được rồi.

Thậm chí có người thấy tôi vất vả còn bỏ tiền vào phong bì rồi đưa cho tôi để tôi uống nước nhưng tôi không nhận. Tôi làm việc này đâu phải vì tiền đâu. Nhìn thấy đường thông thoáng, mọi người đi lại vui vẻ là tôi cũng thấy vui rồi.'' bà Tiến tâm sự.

Bà Tiến chia sẻ thêm: '' Nhiều khi, 10h trưa hoặc 9h tối, tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra, thậm chí còn kéo dài nhiều giờ. Đôi lúc vì sức khỏe của tôi không được tốt cho lắm nên cũng bị choáng hoặc tụt huyết áp.

Mỗi lần như vậy tôi lại vào trong quán ngồi nghỉ một lát rồi lại ra làm tiếp. Con cái tôi biết được cũng rất ủng hộ, chúng nó cũng lưu ý tôi nên hạn chế ra ngoài vào lúc nắng để giữ sức khỏe, cơ mà lúc nắng thì lại là lúc hay tắc (cười)''

Cuộc sống cơ cực

Bà Tiến sinh sống bằng nghề bán nước, bánh mỳ, bánh bao ngay chân Cống Mọc đã được hơn 30 năm. Theo những gì bà kể lại, cuộc sống của bà đã trải qua không ít những thăng trầm. Lấy chồng từ rất sớm nhưng vì không chịu được tính khí thất thường của chồng nên bà rời quê (Trạm Trôi, Hoài Đức, Hà Nội) và đi thêm bước nữa.

Lao ba cam gay tre 'chien dau' voi giao thong hang ngay: Thuong moi nguoi qua...
Bà Tiến chia sẻ câu chuyện cuộc đời. Ảnh: Hải Đăng

Những tưởng cuộc sống sẽ bớt khó khăn hơn, thế nhưng người chồng tiếp theo của bà cũng ốm đau liên miên, không phụ giúp được nhiều. Một mình bà vừa phải nuôi con, vừa phải chữa bệnh cho chồng.

Những năm tháng cơ cực của bà chỉ mới dừng lại khi mà con gái lớn của bà đi lấy chồng. Hiện tại, bà còn một đứa con gái đang học lớp 12, mọi cuộc sống của gia đình đều trông chờ vào sạp hàng của bà.

Người dân ở đây biết được cuộc sống của bà Tiến cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, mỗi khi bà đi ra điều tiết giao thông thì mỗi người một tay cũng phụ giúp bà trông hàng quán, và thu tiền giúp bà để bà an tâm hơn, tập trung giải quyết ùn tắc cho mọi người.

Khá nhiều thanh niên ''bất hảo'' trong khu vực đi lại ngổ ngáo, nhưng mỗi khi thấy bà Tiến ra điều khiển giao thông thì đều chấp hành răm rắp, thậm chí mấy anh này gặp bà còn chào ''u Tiến'' rất to.

Bà Tiến bày tỏ: ''Nếu mỗi người dân tự ý thức được trách nhiệm khi tham gia giao thông, không đi ẩu, lấn làn thì có lẽ tắc đường sẽ không xảy ra. Tôi cũng mong thông qua những hành động của mình sẽ khiến người tham gia giao thông hiểu được điều ấy.''

Trao đổi với phóng viên, ông Hùng một an ninh viên tiến hành điều phối giao thông tại Cống Mọc cho biết:

''Bà Tiến làm việc này từ lâu rồi, cứ khi nào đường tắc mà không có chúng tôi là bà ấy lại ra làm. Lịch trực của chúng tôi là sáng từ 7h - 8h, buổi chiều từ 16h-17h30, cũng vì thế mà nhiều lúc tắc đường vào những khung giờ khác, khi mà chúng tôi không ở đây thì bà Tiến sẽ làm. Việc làm của bà Tiến chúng tôi rất ủng hộ và cũng mong muốn bà ấy sẽ tiếp tục duy trì việc này, giúp cho  mọi người có thể lưu thông một cách an toàn.''

Anh Giang (38 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: ''U Tiến ở quanh đây thì ai cũng biết. Nhà u nghèo lắm nhưng sống với mọi người rất tình cảm, ai cũng yêu quý. Mỗi lần u ấy mà ''ra tay'' thì ùn tắc hay gì đó thì cũng hết. Chúng tôi ở đây ngỏ ý giúp đỡ u ấy nhưng u ấy nhất định không nhận, vì vậy chúng tôi chỉ có thể giúp bằng cách mua nước, ăn bánh mỳ ủng hộ u thôi''

Cùng quan điểm với anh Giang, chị Hoài Thu (32 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) nói: "Mới đầu cứ nghĩ rằng bà ấy ra làm chơi, ai ngờ bà ấy làm thật cho tới giờ luôn, điều tiết rất chuyên nghiệp, mọi người tuân theo răm rắp. Bà Tiến nhà ngay cạnh nhà tôi, bình thường bà ấy rất hay bán hàng về muộn.

Một mình bà cáng đáng việc gia đình, cuộc sống vất vả lắm. Thế nhưng bà rất hay giúp đỡ mọi người, ai nhờ gì bà cũng giúp. Thời buổi này kiếm được người như bà ấy khó hơn lên trời...''

Ngọc Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI