"Lãnh địa ánh sáng": Lãnh địa của tự do trong xã hội hiện đại

09/07/2021 - 12:39

PNO - "Lãnh địa ánh sáng", một dạng tự truyện bán chính thức thuật lại những ngày tháng của một thiếu phụ đang trong giai đoạn ly thân và nuôi dạy con gái nhỏ.

Nữ văn sĩ Tsushima Yuko là đứa con côi của nhà văn Osamu Dazai (tên thật là Tsushima Shūji). Bà sinh năm 1947, đến năm 1948, Dazai qua đời sau lần tự sát thứ năm. Sống với danh phận con gái của Dazai chắc hẳn không dễ dàng, đặc biệt là phải trưởng thành trong hoàn cảnh thiếu vắng người cha. Yuko làm mẹ đơn thân, rồi con trai bà mất... như thể bi kịch là món thừa kế duy nhất mà người cha trao lại cho con gái. 

Tsushima Yuko đã đem một phần bi kịch ấy để cho ra tác phẩm Lãnh địa ánh sáng (Thư Trúc dịch, I Love Books và Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành) - một dạng tự truyện bán chính thức thuật lại những ngày tháng của một thiếu phụ đang trong giai đoạn ly thân và dọn đến nơi ở mới để nuôi dạy con gái nhỏ.

“Đó là căn hộ có cửa sổ trổ ra bốn phía, trên tầng cao nhất của một tòa nhà cũ bốn tầng”. Tsushima đã miêu tả “lãnh địa” mà hai mẹ con nhân vật “tôi” ở cùng nhau trong suốt một năm. Những miêu tả của Tsushima khiến ta hình dung về một tổ chim, nơi con chim mẹ đang cố gắng che chở, chăm sóc con. Từ căn hộ đó, họ vẫn có thể lắng nghe những âm thanh chốn náo phố thị, sự chuyển động của nhịp sống hiện đại. Họ tiếp nhận thế giới ấy từ góc nhìn trên cao, không thoát ly nhưng đủ khoảng cách để duy trì trạng thái tự do nhất định.

Bản thân từ “lãnh địa” như minh định đây là vùng đất riêng biệt, của ánh sáng, khát vọng vươn lên, thể hiện qua tên các chương rải rác từ đầu đến cuối tác phẩm: Lãnh địa ánh sáng, Ánh sáng đỏ, Ngọn lửa, Quang tố... Thậm chí có một chương được đặt tên Điểu mộng - giấc mơ loài chim. Trong giấc mơ đó, nhân vật thấy những thân cây trụi lá, trên cây có một loài chim nhiệt đới màu sắc sặc sỡ đang đậu, rồi chúng cứ liên tục gia tăng số lượng đến mức “chen chúc nhau, rơi cả xuống đất nghe nặng nề như trái cây chín nẫu”. 

Lãnh địa của Tsushima có cả ánh sáng lẫn bóng tối, biểu hiện qua những giấc mơ ám thị mang dáng dấp đời sống tinh thần tù túng, bấp bênh và vô định. Đến cuối tác phẩm, tình trạng nhân vật “tôi” với chồng vẫn là trạng thái lửng, các mối quan hệ vá víu, tạm bợ, vô định.

Nhân vật chính trong sách còn trẻ, yêu và lấy người chồng lớn tuổi như một dạng phức cảm của kẻ bị thu hút bởi những người khác giới hơn tuổi để bù đắp cảm giác thiếu vắng người cha.

Sáng tác đối với Tsushima như một cách khám phá những chiều kích khác trong tâm hồn bà, đào sâu những trải nghiệm mất mát trong quá khứ. Bằng việc phân tích tâm lý nhân vật, chính bà cũng như đang đứng trước tấm gương để bóc tách bản thân. Vì thế, lãnh địa của Tsushima phân tầng giữa cao và thấp, bóng tối ẩn chứa trong ánh sáng, như thể ánh sáng từ trên cao đã rọi xuống phần tăm tối bên dưới. Đó không phải là hai thế giới riêng biệt mà là một thế giới - một lãnh địa rộng lớn và phong phú, đủ sức ôm trọn những sinh linh nhỏ nhoi trong nó. 

Đến nay, tác phẩm này vẫn được xem là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Tsushima Yuko. Sách phản ánh được trạng thái tinh thần của thời đại bà sinh sống - sự rạn vỡ của truyền thống gia đình, vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại, những áp lực của đời sống đô thị. 

Huỳnh Trọng Khang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI