Dường như lãnh đạo các cường quốc đang “xếp hàng” để gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có lời mời ông Kim đến Vladivostock vào tháng 9/2018; còn Tổng thống Syria Bashar al-Assad nói rằng ông muốn thăm Bình Nhưỡng.
|
Lãnh đạo Nga và Syria muốn đều muốn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un |
Jean Lee, cựu phóng viên Associated Press tại Bình Nhưỡng nhận định: "Chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện của Kim Jong Un trong vai trò của một chính trị gia quốc tế. Điều này trái ngược lại với những gì diễn ra năm 2010, khi ông Kim Jong Un kế nhiệm cha và chưa có nhiều kinh nghiệm".
Ken Gause, một nhà nghiên cứu về Triều Tiên, viết: "Rất có thể ông Kim Jong Un thấy rằng cách duy nhất để đảm bảo thành công trên mặt trận ngoại giao là leo thang quân sự... Triều Tiên buộc phải tiến tới bàn đàm phán bằng sức mạnh".
Vì thế, hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ là cánh cửa ngoại giao quan trọng, đồng thời tạo cơ hội để Triều Tiên mở cửa cho kinh doanh.
Có hai yếu tố quan trọng giúp ông Kim Jong Un tiếp cận với thế giới.
Thứ nhất, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In từng hứa vào lúc tranh cử rằng ông sẽ ngồi vào bàn đàm phán với Triều Tiên. Điều này giúp thiết lập mối quan hệ giữa ông Kim với người hàng xóm của mình.
Thứ hai là lời mời của Tổng thống Mỹ sau một năm đe dọa Bình Nhưỡng với các kế hoạch đánh phủ đầu.
Khi ông Kim Jong Un hội đàm với Tổng thống Donald Trump ở Singapore vào ngày 12/6 tới đây, điều đó đánh dấu bước ngoặc rằng chỉ trong sáu tháng, Triều Tiên - từ một quốc gia bị quốc tế cô lập - đã trở thành một trong hai nhân vật chính trong "bộ phim chính trị" lớn nhất thế giới.
|
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trò chuyện thân mật cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Có thể nói, Hội nghị thượng đỉnh chính là đòn bẩy chính trị của ông Kim Jong Un. Chiến lược ngoại giao mới này không chỉ xuất phát từ vị trí chính trị mà còn từ nhu cầu bức thiết về phát triển.
Sau khi tuyên bố chương trình vũ khí đã hoàn tất, ông Kim thông báo rằng trọng tâm chính tiếp theo của Triều Tiên là về kinh tế. Để làm điều đó, quốc gia này cần thêm đồng minh và củng cố quan hệ với bạn hữu cũ.
Điểm dừng đầu tiên là Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Triều Tiên, dù Chủ tịch Tập Cận Bình từng giúp thực thi chiến lược tạo áp lực của Mỹ vào cuối năm 2017, bằng cách cắt đứt nguồn cung cấp thiết yếu cho Bình Nhưỡng.
Nhưng bây giờ mọi thứ đã thay đổi. Hai chuyến thăm Trung Quốc trong vòng hai tháng. Đến Bắc Kinh đầu tiên và sau đó đến Đại Liên vào đầu tháng 5/2018, ông Kim đi dạo dọc theo bãi biển với Chủ tịch Tập và bàn về vấn đề thương mại.
Kèm theo đó là cuộc gặp lịch sử vào tháng Tư tại biên giới Hàn Quốc với Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae In. Cả hai cùng đi dạo, nói về tương lai của sứ mệnh hòa bình giữa hai miền bán đảo Triều Tiên. Kim Jong Un đã sẵn sàng làm điều mà cha và ông nội của ông chưa bao giờ thực hiện.
Kế hoạch mới và liên minh cũ
|
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đón Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới thăm Bình Nhưỡng |
Trên thực tế, Triều Tiên còn sử dụng Nga như đòn bẩy chính trị.
Tuần trước, khi cựu giám đốc an ninh Triều Tiên, Kim Yong Chol đến Mỹ, mang theo bức thư khá lớn của ông Kim, thì đồng thời, ông Kim Jong Un cũng chào đón Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới Bình Nhưỡng.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà ngoại giao cấp cao Nga trong hơn một thập kỷ qua. Tất nhiên đó có thể là một sự trùng hợp, nhưng có vẻ Tổng thống Trump không hài lòng về điều đó.
Ông Trump có lý do chính đáng để không vui. Nga có thể là người thay thế Mỹ trong bất kỳ cuộc thảo luận hạt nhân nào. Quốc gia này có chung biên giới với Triều Tiên và chia sẻ các lợi ích kinh tế quan trọng.
Vì vậy, nếu Washington nghĩ rằng mình đã dồn Triều Tiên vào ngõ cụt, ông Kim Jong Un đã gửi cho họ một thông điệp rằng Triều Tiên luôn có phương án dự phòng.
Những trở ngại
|
Triều Tiên thể hiện phương diện mềm mỏng của mình thông qua mối quan hệ với Hàn Quốc. |
Tuy nhiên không phải mọi thứ đều diễn ra theo kế hoạch của Triều Tiên.
Bộ trưởng ngoại giao Bình Nhưỡng hồi tháng trước đã đưa ra một tuyên bố gay gắt, chỉ trích Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Đây được cho là nguyên nhân khiến Tổng thống Donald Trump quyết định hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh.
Trên thực tế, căng thẳng quân sự đã không xảy ra. Thay vào đó, một cuộc họp nhanh giữa ông Kim với Tổng thống Moon ở biên giới giúp mọi thứ hạ nhiệt.
Kim Jong Un ôm người hàng xóm của mình và gửi cố vấn thân cận đến New York để gửi cho Tổng thống Trump một lá thư "khá lớn".
Nhiều chuyên gia cảm thấy nhà các lãnh đạo trên bán đảo Triều Tiên có vẻ sốt sắng muốn cứu lấy hội nghị thượng đỉnh trên bờ vực sụp đổ.
|
Liệu lệnh trừng phạt kinh tế có phải là nguyên nhân buộc Triều Tiên phải đàm phán? |
Nhưng may mắn, đông thái này phù hợp với kịch bản bộ phim truyền hình hàng ngày của Nhà Trắng, vì nhiều người đã quen với việc Tổng thống Donald Trump cũng “sáng nắng chiều mưa”.
Bản thân ông Kim Jong Un đã thay đổi các quy tắc của trò chơi. Năm ngoái, kho vũ khí hạt nhân của ông là một trách nhiệm pháp lý, còn bây giờ chúng trở thành một công cụ ngoại giao.
Nhưng mục tiêu của Triều Tiên là gì? Và điều gì xảy ra sau hội nghị thượng đỉnh?
Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, Joel Wit, người thành lập trang web phân tích Triều Tiên 38North, bình luận: "Đây không phải là một ‘cuộc tấn công quyến rũ’, đây không phải là một chiến thuật. Đằng sau những gì họ đang làm, cá nhân tôi không nghĩ đó là vì sự trừng phạt kinh tế”.
Linh La (Theo BBC)