Lãnh đạo TPHCM sẽ gặp hơn 100 giám đốc điều hành các tập đoàn quốc tế

08/09/2023 - 05:59

PNO - Cuộc gặp nằm trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế TPHCM lần thứ tư năm 2023, diễn ra từ ngày 13-17/9/2023. Các giám đốc điều hành (CEO) đến từ những tập đoàn lớn trong hệ sinh thái kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Lãnh đạo TPHCM muốn lắng nghe chia sẻ, hiến kế giải pháp từ các CEO và kêu gọi đầu tư.

Bên cạnh các cuộc gặp gỡ, thành phố cũng sẽ tổ chức triển lãm các sản phẩm dịch vụ xanh sạch chất lượng tại phố đi bộ Nguyễn Huệ trong 5 ngày để nâng cao nhận thức của người dân. Các sở ngành TPHCM và doanh nghiệp trong nước sẽ đi học tập mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn tại các nước phát triển như Hà Lan, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc...

TPHCM muốn tận dụng diễn đàn để thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
TPHCM muốn tận dụng diễn đàn để thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không”, Diễn đàn kinh tế TPHCM  năm nay tập trung 6 chủ đề chính. Một là “Xu hướng phát triển tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đối với các siêu đô thị (như TPHCM)”. Hai là “Xây dựng hệ sinh thái của mô hình kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng không”. Ba là “Chính sách trong xây dựng tăng trưởng xanh hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng không và sứ mệnh của doanh nghiệp”. Bốn là “Nguồn lực trong phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng không và sứ mệnh của doanh nghiệp”. Năm là “Bài học, kinh nghiệm quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn”. Sáu là “Thực trạng của TPHCM và giải pháp trong quá trình áp dụng mô hình tăng trưởng xanh”.

Dự kiến diễn đàn sẽ có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam; 1.200 đến 1.500 đại biểu gồm: các định chế tài chính quốc tế (World Bank, IMF, IFC, ADB...), các tổ chức quốc tế như Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), các nhà quản lý và lãnh đạo các địa phương nước ngoài đến từ 21 quốc gia…

Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (Huba) - cho biết, hiện một số doanh nghiệp dệt may đã giảm được lượng hàng tồn kho do đối tác nước ngoài đã mua hàng trở lại. Các hoạt động thương mại cũng sôi động hơn…

Tuy nhiên, đây chỉ là tín hiệu vì các đối tác chỉ mới đặt hàng cầm chừng theo từng tháng chứ chưa đặt hàng theo quý, hoặc đặt hàng cả năm giống thời điểm trước. Điều mà các doanh nghiệp kỳ vọng là sẽ ký được đơn hàng dài hơi để có thêm nguồn vốn, yên tâm sản xuất, chăm lo cho người lao động. Một lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang rất kỳ vọng nhưng chưa có khởi sắc là ngành gỗ. Hiện nay, người tiêu dùng các nước là thị trường xuất khẩu đang thắt chặt chi tiêu, họ chỉ bỏ tiền mua sản phẩm có giá trị nhỏ hoặc nhu cầu thiết yếu trong khi sản phẩm gỗ có giá trị cao hơn nên khó hồi phục hơn. 

Lĩnh vực nông nghiệp đang khả quan nhờ tác động từ các yếu tố bên ngoài (Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo hay Trung Quốc tăng nhập khẩu), gạo tăng giá, nông sản, trái cây xuất khẩu với sản lượng tốt. Tuy nhiên, điều cần làm là không chỉ tận dụng tình hình thuận lợi của thị trường mà phải có giải pháp duy trì quan hệ đối tác lâu dài, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo về truy xuất nguồn gốc, quy hoạch vùng trồng, đảm bảo năng suất, logistics... để có thể phát triển bền vững. 

Hoa Lài

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI