PNO - Phát triển hạ tầng cảng biển, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM là nội dung được các chuyên gia, nhà đầu tư quan tâm thảo luận tại hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2030, diễn ra sáng 22/3 tại TPHCM.
Ông Boris Cohen - Tổng Giám đốc MSC Vietnam - nhận định, việc phát triển nhanh chóng hạ tầng cảng biển sẽ giúp TPHCM sớm trở thành trung tâm dịch vụ hàng hóa không chỉ của Việt Nam mà còn cả khu vực. Ngoài mong muốn cảng Cát Lái tiếp tục được đầu tư, hiện đại hóa, ông Boris Cohen còn đề xuất, TPHCM sớm đầu tư cảng trung chuyển ở biển Cần Giờ trước năm 2030 để tăng cơ hội tiếp cận hàng hóa.
Việc đầu tư nâng cấp và mở rộng các cảng hàng hóa, trong đó tập trung vào cảng Cát Lái (TP.Thủ Đức) và cảng Hiệp Phước (Q.7), là mong muốn của ông Park Hyun Bae - Tổng Giám đốc Công ty KCTC Việt Nam. Ông cho rằng, mỗi năm, lượng hàng hóa thông quan qua cảng Cát Lái tăng 30% nhưng cảng này vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu. Do đó, TPHCM cần phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và tận dụng những cảng khu vực lân cận, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, liên kết thông tin cảng biển để điều hành các luồng xe, hàng hóa.
Về đề án phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, các chuyên gia, nhà đầu tư cho rằng, đây là bước đi đúng đắn để đạt được hiệu quả kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng cả trong ngắn hạn và dài hạn. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - phân tích, lĩnh vực tài chính là kênh dẫn vốn rất quan trọng cho cả nền kinh tế. Nhu cầu nguồn lực để phát triển TPHCM trong 25 năm tới rất lớn nhưng nguồn lực trong nước vẫn chưa đảm bảo; do đó, nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài là rất quan trọng.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn dẫn ý kiến của Công ty Tư vấn luật và tài chính Shearman & Sterling để cho rằng, nếu có được trung tâm tài chính, TPHCM sẽ có các lợi ích như quy tụ nhiều thực thể tài chính hàng đầu thế giới, góp phần phát triển thị trường tài chính lên tầm cỡ khu vực và quốc tế, là kênh hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư công cho TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long, tạo hiệu ứng gia tăng độ hấp dẫn trong thu hút vốn đầu tư và phát triển hạ tầng, tạo các chuỗi cung ứng gắn với dịch vụ tài chính và các dịch vụ thương mại cao cấp khác, giúp tăng thu ngân sách nhà nước từ 8 - 10%, thậm chí cao hơn. Từ đó, ông nêu mong muốn, chính quyền TPHCM sớm xác định mô hình và định hướng đầu tư trung tâm tài chính để các nhà đầu tư được tham gia nghiên cứu dự án theo đúng quy trình và quy định của pháp luật.
Ông Trần Thanh Tân - Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam - cũng cho rằng, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM là điều cần thực hiện từ lâu nhưng chưa thể hoàn thành vì nhiều lý do. Ông bày tỏ mong muốn được hỗ trợ chi phí, kỹ thuật vào quá trình nghiên cứu, xây dựng, hoàn tất đề án này.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao sự tâm huyết của các nhà đầu tư, cho rằng chính sự đồng hành, gắn bó của doanh nghiệp, nhà đầu tư là một trong những nhân tố quyết định giúp TPHCM nhanh chóng phục hồi và phát triển. Ông khẳng định, lãnh đạo TPHCM luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, TPHCM tập trung vào ba vấn đề trọng tâm là thể chế - chính sách, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực: “Hiện tại, thể chế, chính sách như một chiếc áo đã chật đối với sự phát triển của TPHCM và cần sớm tháo gỡ”. Ông đồng tình với các góp ý cho rằng, TPHCM cần tạo một môi trường đầu tư trong sáng, minh bạch, thuận lợi, dễ dàng, một không gian sống và làm việc văn minh, hiện đại, nghĩa tình, không lãng phí thời gian, công sức cho những điều nhỏ nhen, tiêu cực.
Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh: “Bổn phận của chính quyền thành phố là làm sao cho nhà đầu tư thấy rõ được rằng, đầu tư vào TPHCM thực sự là cơ hội, hội đủ ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Theo ông, chính quyền thành phố đã cam kết, doanh nghiệp đã đồng hành, vấn đề quan trọng là cần có tiêu chí, quy định trách nhiệm mỗi bên, nhất là vai trò của người đứng đầu. Khi gặp khó khăn, vướng mắc, các bên phải cùng nhau giải quyết và phải có cơ chế giải quyết nhanh nhất, đồng thời có sự giám sát của người dân, của hệ thống chính trị. Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, chính quyền thành phố đang nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cụ thể là sớm giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền của mình và tập hợp, báo cáo, kiến nghị giải quyết những nội dung thuộc cấp Trung ương: “Chúng tôi có niềm tin rằng lần này, chúng ta sẽ vượt qua được những cái từng vướng trong thời gian qua để đạt được ước mơ, kế hoạch, dự định đề ra. Niềm tin ấy đến từ việc chúng ta đã đoàn kết, chung sức vượt qua đại dịch COVID-19 bằng chính sức mạnh, nỗ lực của địa phương”.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng nhìn nhận những bất cập của TPHCM như liên kết doanh nghiệp, khoa học, đào tạo và Nhà nước chưa đạt hiệu quả cao, chưa chú trọng đúng mức phát triển hạ tầng công nghiệp, dịch vụ và giao thông, sự hợp tác với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa được như mong muốn…
Theo ông Phan Văn Mãi, từ nay đến năm 2030, Đảng bộ, chính quyền TPHCM xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hai giai đoạn: một là đến năm 2025, thành phố trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, là động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, nâng GRDP bình quân đầu người lên khoảng 8.500 USD; hai là đến năm 2030, thành phố trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, GRDP đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của Đông Nam Á.
Để đạt được những điều trên, TPHCM tập trung vào ba chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm, gồm đổi mới quản lý, phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực - văn hóa và phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển TPHCM. Đặc biệt, UBND TPHCM sẽ tăng cường tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp và chính quyền để kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn. Chủ tịch UBND TPHCM thông tin: “Sau hội nghị này, UBND TPHCM sẽ lập các tổ công tác tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp về những nội dung cụ thể và mong muốn tiếp tục đồng hành cùng các nhà đầu tư trong quá trình phát triển của thành phố”.
Tổng thống Donald Trump không ban hành sắc lệnh thuế như dự báo đã đẩy giá vàng thế giới tăng mạnh, giá vàng trong nước tăng giá 2 lần trong buổi sáng.
Giá vàng trong nước và thế giới quay đầu giảm, giá vàng trong nước giảm 400.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên liền trước.
Ngày 16/1, Nutifood đã đồng hành với Hội LHPN TPHCM trong chương trình 'Xuân yêu thương-Tết nghĩa tình', trao 530 suất quà sữa NutiMilk với tổng giá trị gần 50 triệu đồng.
Liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng 320 đồng/lít với xăng E5RON 92 lên 20.750 đồng/lít; trong khi đó, giá xăng RON95 tăng lên 21.220 đồng/lít.