Hoạt động nằm trong chương trình thăm và làm việc tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của Đoàn đại biểu nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022). Tham gia cùng đoàn còn có các nguyên lãnh đạo TPHCM và đại diện các ban, ngành, đoàn thể của TPHCM, lãnh đạo Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, huyện Côn Đảo; các cựu tù chính trị từng bị giam giữ tại Côn Đảo, thân nhân các Liệt sĩ yên nghỉ tại Nghĩa trang Hàng Dương.
|
Bà Tô Thị Bích Châu (giữa) - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cùng các nguyên lãnh đạo TPHCM dâng hương tại Nghĩa trang Hàng Dương |
Tại nghĩa trang Hàng Dương, các đại biểu đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ anh linh và dâng hoa, dâng hương các anh hùng dân tộc, anh hùng liệt sĩ, đồng bào yêu nước. Các đại biểu đã đến từng phần mộ thắp hương cho liệt sĩ đang an nghỉ tại đây, như mộ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, mộ nữ Anh hùng Võ Thị Sáu…
|
Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức dâng hương tại Nghĩa trang Hàng Dương |
Côn Đảo là hòn đảo ngọc thiêng liêng của Tổ quốc. Suốt chặng đường lịch sử của dân tộc, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã biến nơi đây thành “địa ngục trần gian” để giam cầm, tra tấn và giết hại hàng vạn người con ưu tú của dân tộc. Trong cuộc chiến đấu khốc liệt ấy, nhiều đồng chí đã hy sinh, có người phải mang thương tật suốt đời. Nhưng, các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước Việt Nam luôn giữ vững khí tiết đấu tranh cho đến thắng lợi cuối cùng, đã để lại nhiều tấm gương sáng ngời trong lịch sử dân tộc.
|
Ông Nguyễn Thành Phong - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM cùng các nguyên lãnh đạo Trung ương, TPHCM dâng hương |
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho hay, Nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước qua nhiều thế hệ tù đày kéo dài 113 năm đã lần lượt hy sinh dưới sự tàn bạo của thực dân và đế quốc; là nơi âm vang những trang sử hào hùng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
“Khắc sâu đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tổ chức vận động nhân dân TP tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng” đối với các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh nói chung và các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh bị tù đày tại Côn Đảo” - Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định.
Nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của gần 20.000 chiến sĩ cách mạng và nhà yêu nước qua nhiều thế hệ, trong đó chỉ có 793 ngôi mộ lưu rõ danh tính, quê quán, phần còn lại là những ngôi mộ chưa đủ thông tin. Còn Nghĩa trang Hàng Keo là nơi vùi chôn khoảng 10.000 tù nhân bị thực dân Pháp giết hại tại nhà tù Côn Đảo. Năm 1997, các phần mộ tìm thấy ở đây đã được cải táng di dời sang Nghĩa trang Hàng Dương. Nơi này hiện chỉ còn lại rừng cây tự nhiên và những hài cốt của tù nhân nằm dưới lòng đất chưa tìm thấy.
Tham gia cùng Đoàn, trung tướng Châu Văn Mẫn (SN 1950, nguyên Phó Tổng Cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an) cho hay, hàng năm, kể từ lúc nghỉ hưu đến nay, ông đều đặn thực hiện lời hứa với chính mình là ra Côn Đảo để thăm viếng, cúng giỗ các tiền nhân, anh hùng, liệt sĩ đã nằm xuống tại mảnh đất linh thiêng này. Nơi đây cũng chính là nơi một đoạn đời ông gắn bó. | Trung tướng Châu Văn Mẫn trước bia mộ nhà cách mạng Lưu Chí Hiếu |
Theo trung tướng Châu Văn Mẫn, đầu năm 1965, tròn 15 tuổi, ông bước vào con đường hoạt động cách mạng. Năm 1970, trong một lần gặp gỡ cơ sở bí mật tại vùng địch kiểm soát, ông bị địch bắt và giam tại nhà tù Buôn Mê Thuột. Giặc tra tấn, mua chuộc, dụ dỗ moi thông tin đều không có kết quả nên sau đó, đã chuyển ông đến trung tâm cải huấn Côn Sơn (Côn Đảo) - nơi được gọi là “địa ngục trần gian”. | Trung tướng Châu Văn Mẫn bồi hồi kể lại một đoạn lịch sử ở "địa ngục trần gian" Côn Đảo |
Trung tướng Châu Văn Mẫn bồi hồi: “Với tôi, đây cũng là giai đoạn thử thách ác liệt, giai đoạn đấu tranh cách mạng mới trong “trường học lớn””. Sinh hoạt tại Đảng bộ Lưu Chí Hiếu - đảng bộ duy nhất được thành lập và hoạt động mạnh ngay trong nhà tù, là ngọn cờ đầu trong phong trào bảo vệ khí tiết, nhân phẩm, đấu tranh đòi quyền dân sinh ở Côn Đảo, ông Châu Văn Mẫn kể, đêm 30/4/1975, được lực lượng yêu nước bên ngoài báo tin, hỗ trợ mở cửa nhà lao, Đảng ủy Lưu Chí Hiếu nhanh chóng nắm bắt thời cơ, xác định vai trò lịch sử, quyết định mở rộng thành phần, chuyển thành Đảo ủy lâm thời, tiến hành lãnh đạo giải phóng hoàn toàn các trại giam trong đêm, kết thúc 113 năm "địa ngục trần gian" nơi này. |
Tuyết Dân