“Thế giới này là một nơi nguy hiểm, không phải vì những kẻ xấu xa mà vì những người chỉ biết đứng nhìn và không làm gì cả” (Albert Einstein). Họ, những trí thức của thành phố, không hề khoanh tay đứng nhìn mà luôn đau đáu với ngổn ngang của thành phố, muốn nhiệt huyết của mình được đón nhận, trân trọng, bởi khát vọng muôn đời của trí thức là dấn thân cho một xã hội tốt đẹp hơn. Dưới đây là những ý kiến tâm huyết của hơn 200 trí thức với lãnh đạo TP HCM ngày 20/12.
Tri thức không thiếu, chỉ thiếu cơ chế
Giáo sư - tiến sĩ (TS) Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM cho biết, hiện Liên hiệp hội có khoảng 60.000 hội viên là các trí thức ở nhiều độ tuổi khác nhau, đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu, trong đó có nhiều đề tài mang tính liên ngành để giải quyết các vấn đề cấp bách của TP. Theo ông, để phát huy tối đa sức mạnh trí tuệ của đội ngũ này, ngoài việc gặp gỡ hàng năm, lãnh đạo TP cần gặp gỡ định kỳ, với từng nhóm đối tượng để nắm thông tin, lắng nghe các đề xuất cụ thể của giới làm khoa học.
Phó giáo sư (PGS) - TS Dương Anh Đức, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, trên địa bàn TP, có 67 trường đại học, cao đẳng. Có thể nói, TP.HCM đang có một lực lượng trí thức đông đảo, nhiệt huyết ở đa lĩnh vực, ngành nghề; vấn đề còn lại là có cơ chế sử dụng hiệu quả sự đóng góp trí tuệ của họ vào việc xây dựng và phát triển TP.
Là một trí thức trẻ, PGS-TS Đỗ Thị Hồng Tươi, giảng viên Trường Đại học Y Dược TP.HCM đặc biệt quan tâm tới cách lãnh đạo TP sử dụng đội ngũ trí thức trẻ, bởi rất nhiều trí thức trẻ sau khi du học đều mong muốn được về cống hiến cho đất nước và TP nhưng thực tế, một bộ phận đã thất vọng, mất phương hướng do chúng ta vẫn còn chưa thật sự công khai mọi cơ chế, chính sách…
|
Ảnh minh họa. |
Nhiều vấn đề chưa được "cởi trói"
PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) lưu ý, một trong những bất cập được nói nhiều, bàn nhiều là đổi mới khoa học và công nghệ nhưng 5 năm qua, TP.HCM mới chi khoảng 500 tỷ đồng cho lĩnh vực này, tức là khoảng 2%/ năm cho nghiên cứu khoa học. Nếu TP không có đột phá trong vấn đề này, chắc chắn không thể dẫn đầu cả nước.
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc Tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) làm “nóng” không khí cuộc đối thoại khi có những trao đổi đầy tâm huyết từ thực tế ở đơn vị mình: “Vấn đề đặt ra là cơ chế, biện pháp gì để thu hút Việt kiều và trí thức về làm việc, đóng góp. Chúng ta đã có rất nhiều đề án về vấn đề này, nhiều cuộc bàn bạc nhưng vẫn còn vướng nhiều lắm, mà theo tôi, cốt lõi là cải tiến chế độ tiền lương. TP cần làm cuộc cách mạng về tiền lương, trả lương xứng đáng để các nhà nghiên cứu yên tâm làm việc, thì mới cho ra sản phẩm nghiên cứu tốt. Cứ để họ phải canh đến 4 giờ chiều là lo chạy khỏi phòng nghiên cứu thì… thua. Cần có một sự tưởng thưởng xứng đáng để khuyến khích sự sáng tạo, đóng góp toàn tâm toàn sức của đội ngũ nghiên cứu khoa học".
PGS-TS Đỗ Thị Hồng Tươi đề xuất TP.HCM cần có chiến lược quy hoạch đội ngũ trí thức trẻ, tạo điều kiện cho người trẻ tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến; mạnh dạn đặt hàng đội ngũ trí thức trẻ tham gia giải quyết các vấn đề mà lãnh đạo và người dân TP đang quan tâm. Ngoài cải cách chính sách về tiền lương, cần quan tâm đến cải thiện môi trường làm việc cho đội ngũ trí thức.
Phải để nhà khoa học tập trung cho nghiên cứu
Đáp lại những boăn khoăn của đội ngũ trí thức, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của TP.HCM không chỉ đặt mục tiêu về số lượng cán bộ đạt trình độ về thạc sĩ, tiến sĩ. Chương trình này nhằm bổ sung nguồn lực cho các ngành chủ lực, các lĩnh vực khoa học của TP. Hiện TP có nguồn lực rất lớn là đội ngũ trí thức, vì vậy TP sẽ quan tâm việc xây dựng cơ chế nhằ m phát huy sự sáng tạo, đóng góp của đội ngũ này để khoa học công nghệ là động lực phát triển kinh tế.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thức vào sự phát triển mạnh mẽ của TP.HCM. Chia sẻ về băn khoăn của các nhà khoa học, ông Đinh La Thăng khẳng định, lãnh đạo TP.HCM rất trân trọng lắng nghe các ý kiến tại buổi gặp gỡ và đề nghị đội ngũ trí thức tiếp tục có những đề xuất, kiến nghị trên các lĩnh vực, đặc biệt là các giải pháp thực hiện ngay, hiệu quả chương trình đột phá của TP. Sau hội nghị, Thành ủy và UBND TP.HCM sẽ có phân công cụ thể để triển khai thực hiện các đề xuất, kiến nghị của đội ngũ trí thức từ buổi đối thoại này.
Ông Thăng đề nghị chính quyền TP có chính sách phát triển khoa học công nghệ theo quy hoạch, từ đầu tư, đặt hàng, đến việc hình thành các mô hình liên kết. Phải nghiên cứu để đơn giản hó a các thủ tục, hạn chế những nhiêu khê, rườm rà để các nhà khoa học có thời gian tập trung nghiên cứu.
Tiêu Hà