Góp ý cho diễn đàn "Phát triển TP.HCM thông minh, sáng tạo" của Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Lý Trường Chiến - Chủ tịch Trí Tri Group, chuyên gia tư vấn về tái cấu trúc, quản trị chiến lược và phát triển nguồn lực doanh nghiệp - đặc biệt nhấn mạnh đến sự thay đổi nhận thức của lãnh đạo trong bộ máy nhà nước:
- Trong nhiều thập niên qua, sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, tác động mạnh mẽ và toàn diện lên đời sống, nền kinh tế, chính trị, xã hội toàn thế giới và ảnh hưởng tới từng quốc gia, từng ngành nghề, công ty, tổ chức, gia đình và cá nhân. Trước đây, nhiều người quan niệm phải có xe, có nhà, có phòng mới cho thuê được, nhưng sự phát triển của kinh tế chia sẻ đã làm cho việc kết nối nhu cầu sử dụng và cung ứng trở nên quá dễ dàng.
Kinh tế chia sẻ khiến cho bất kỳ cá nhân nào cũng có thể tìm ra cơ hội làm kinh tế và phát triển. Ví dụ, dịch vụ gọi xe, các phần mềm tìm thợ (sửa điện nước, xây dựng, nội thất…) đã thay đổi tư duy. Trước đây, những người lao động này gần như phải làm cho công ty hay tổ chức nào đó thì ngày nay, họ có thể làm việc hoàn toàn tự do thông qua mạng lưới ứng dụng như vậy.
|
|
Vai trò của lãnh đạo là lắng nghe để kết nối và truyền cảm hứng hầu tạo ra giá trị mới mang tính sáng tạo - Ảnh: internet |
Nếu không thay đổi, người “ngồi trên” sẽ thành vật cản
Phóng viên: Những điều trên liên quan thế nào đến vấn đề mà chúng ta đang bàn, đó là “xây dựng TP.HCM thông minh, sáng tạo”, thưa ông?
Ông Lý Trường Chiến: Tôi nói những điều trên để thấy rằng, cuộc sống đã đổi thay quá nhiều, từ mô hình tổ chức cho đến các khái niệm. Do vậy, những người làm quản lý, lãnh đạo, quản trị cần phải thay đổi, không những kịp thời mà còn phải nhanh hơn để duy trì được vị thế dẫn dắt của mình.
Theo tôi, muốn dẫn dắt thành công và phát triển vững bền, yêu cầu đầu tiên và lớn nhất là thay đổi để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới, luôn chủ động sáng tạo, tương tác, liên thông. Nhân sự ở những vị trí cấp cao, nếu không thay đổi kịp, sẽ làm trì trệ tổ chức, hay nói cách khác, chính người ở vị trí dẫn dắt sẽ trở thành nhân tố làm cản trở sự phát triển.
Kỷ nguyên 4.0, nói cho vui, được thể hiện qua “bốn N”: nhanh, nhiều, nhộn nhịp. Thay đổi rất nhanh, thay đổi nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều ngành nghề, tạo ra sự nhộn nhịp chưa từng có. Mặc dù vẫn có những cái mất cân đối, thậm chí ảnh hưởng đến việc này việc khác, nhóm nọ nhóm kia, nhưng thay đổi mới là sự phát triển của xã hội. Không có cách nào khác là ta phải thích ứng với nó, bởi không thể cản trở được sự phát triển đó.
* Ông có thể nêu một vài thách thức để đối chiếu giữa đòi hỏi phát triển theo hướng thông minh, sáng tạo với những trì trệ hiện nay của bộ máy quản lý nhà nước nói chung?
- Thay đổi đơn giản là ta cần nhận ra mình phải nâng cao kiến thức về chuyên môn, khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ và kiến thức về các thay đổi của kinh tế, chính trị, xã hội. Lấy ví dụ, thương chiến Mỹ - Trung đã tạo ra một loạt cơ hội và cả những nguy hiểm cho người làm kinh doanh. Nếu có kiến thức để nhận biết được sớm, chúng ta sẽ có nhiều thời gian hơn để xây dựng chiến lược ứng phó một cách chủ động và khai phá được những cơ hội. Nếu không có năng lực tốt, chúng ta sẽ rơi vào “nguy” nhiều hơn là chiếm được “cơ”.
Thứ hai là thay đổi về kỹ năng quản trị một mô hình linh hoạt trong một thế giới biến động. Trong kinh doanh, ngày nay, người ta không còn đánh giá một công ty lớn theo kiểu có bao nhiêu nhân công nữa. Công ty lớn bây giờ được hiểu là nó đã ảnh hưởng tới bao nhiêu người. Những công ty công nghệ có rất ít người nhưng tạo ra ảnh hưởng đến hàng triệu người.
Ta thấy, khi các khái niệm thay đổi, ngay cả những người giỏi nhất cũng phải học và học lại. Học xóa đi những sự hiểu biết cũ kỹ, lạc hậu, không còn phù hợp nữa; học lại những gì mình đã từng biết với những thông tin cập nhật để có thể thích ứng.
Đó là mấy thách thức lớn nhất cần phải đối chiếu.
* Ông luôn xoáy sâu vào yếu tố con người cho các phân tích và giải pháp của mình, thưa ông?
- Đúng vậy. Khi bàn về 4.0, nhiều người bị chết ngộp. Một số thì quá lạc quan đến nỗi thành ra lạc quan tếu, còn một số người khác thì rơi vào hoang mang. Chúng ta phải hiểu một điều căn bản, dù tới kỷ nguyên “n.0” đi chăng nữa, nếu như còn con người, bản chất của cuộc sống vẫn là mối tương tác giữa con người với con người.
Tương tác này thể hiện qua quy trình vận hành mà tôi tạm gọi cho dễ nhớ là “ba con”. Trước tiên là con người. Thứ hai là mối tương tác giữa người với người hay nói gọn lại đó là con đường để chúng ta làm việc với nhau. Rồi khi làm việc với nhau, sẽ tạo ra kết quả và kết quả này phải thể hiện bằng con số. Vậy thì khi có con số, chúng ta lại tìm hiểu nó để đưa ra các chỉ số cần thiết mới, đặt ra vấn đề mới cho chính chúng ta. Con người lại tiếp tục suy nghĩ giải pháp mới, tức là lại thay đổi con đường, tức quy trình làm việc với nhau, để lại nâng cao chất lượng công việc và tạo ra con số mới.
Hiểu được bản chất như vậy, sẽ hiểu và thích ứng được với sự thay đổi của môi trường, cũng như làm chủ tốt nhất những phương tiện, thành tựu về khoa học công nghệ, đồng thời nắm bắt những cơ hội mới phát sinh ra trong sự thay đổi của nền kinh tế, chính trị, xã hội, người lãnh đạo sẽ thành công.
"Chúng ta phải hiểu một điều căn bản, dù tới kỷ nguyên “n.0” đi chăng nữa, nếu như còn con người, bản chất của cuộc sống vẫn là mối tương tác giữa con người với con người.", ông Lý Chiến Trường |
* Ông vừa đưa ra những thách thức trong kỷ nguyên 4.0, nhưng với cơ chế hiện nay, làm sao để bộ máy nhà nước có được những con người biết thích ứng như vậy?
- Tôi nghĩ, thời gian gần đây, những cơ quan cao nhất của Việt Nam, từ trung ương cho tới địa phương, nhất là địa phương lớn và có ảnh hưởng nhất như TP.HCM, đã có những nhận thức tích cực về ảnh hưởng của công nghệ. Nhưng cần có nhận thức tiếp theo nữa là thay đổi phải diễn ra toàn diện và sâu sắc. Chính chúng ta phải thay đổi các khái niệm, các mô hình quản trị, thậm chí thay đổi thể chế, tạo ra quy trình cần thiết để thực sự tìm ra được những con người đáp ứng cho kỷ nguyên này với gói “bốn T” tâm - trí - tài - tầm. Phải có tâm phụng sự, có năng lực về trí tuệ, tư duy độc lập, có khả năng thuyết phục, truyền thông, ảnh hưởng người khác và phải có tầm ảnh hưởng không chỉ với cộng đồng nhỏ ở địa phương, quốc gia mà phải ở tầm hội nhập quốc tế.
Nhìn chung, tôi chưa thấy có cá nhân hay nhóm nào thể hiện được bốn chữ T này một cách rõ ràng và mãnh liệt trong bộ máy nhà nước. Nếu có, họ đã tạo ra giá trị, nhận được sự chú ý rất lớn rồi.
Trong mọi sự thay đổi thì con người là thay đổi chậm nhất. Và dường như người Việt Nam lại bị xem là nằm trong nhóm người thay đổi chậm nhất trong số những kẻ chậm. Đáng buồn hơn, trong nội bộ người Việt Nam, những người được xem là thành công hay có vai trò nhất định lại là những người thay đổi chậm hơn số đông người Việt Nam kia nữa. Cuối cùng, như tôi đã nói, thay vì vai trò của mình là lãnh đạo, quản trị, dẫn dắt, mình lại đang là yếu tố gây trì trệ.
|
Ông Lý Trường Chiến: "Vai trò của lãnh đạo như sợi dây chuyền, kết nối các hạt ngọc nhưng người ta chỉ thấy ngọc mà không thấy sợi dây. Nhưng đừng quên, các hạt ngọc xếp lại với nhau theo hình ảnh của sợi dây." |
“Thông minh, sáng tạo” đừng chỉ là mục tiêu chính trị
* Theo ông, điều gì quan trọng nhất mà một đô thị thông minh, sáng tạo cần có và giải pháp như thế nào?
- Với tôi, những con người trong đô thị đó phải thông minh, sáng tạo, bao gồm các góc đối tượng: một là, những người có thể tạo ra những sản phẩm thông minh, sáng tạo; hai là, những người có thể sử dụng những kết quả, sản phẩm, thành tựu thông minh, sáng tạo của người khác để cải thiện, đổi mới công việc của mình nhằm tạo ra các giá trị có ảnh hưởng nhiều hơn; ba là, những người sống trong đô thị thông minh, sáng tạo đó phải thích ứng, duy trì, bảo vệ, phát triển những giá trị thông minh, sáng tạo đó cho đến cùng là phục vụ cho con người, rộng ra phục vụ cho sự phát triển của cộng đồng, quốc gia, dân tộc.
* Có nghĩa, thông minh, sáng tạo không thể chỉ là hình thức bên ngoài, gây dựng phong trào hay là một mục tiêu chính trị nào khác, đúng không thưa ông?
- Đúng, nếu mục tiêu chính trị đó theo hướng tích cực và thực sự khai phát tiềm năng của con người trở thành các khả năng, sau đó giúp người ta rèn luyện các khả năng thành kỹ năng, rồi giúp họ tích hợp các kỹ năng cùng với các khát vọng tốt đẹp để tỏa sáng thành tài năng. Và mỗi con người đều trở thành những người tài năng trong lĩnh vực, công việc của mình. Cuối cùng, một tổ chức hay một cộng đồng biết kết hợp những con người tài năng đó cho mục tiêu chung là phát triển nền kinh tế nước nhà thì chắc chắn quốc gia, dân tộc đó sẽ phát triển.
* Khi nói “thành phố thông minh, sáng tạo phải có những con người tạo ra sản phẩm thông minh, sáng tạo” là đã bao hàm luôn cả sản phẩm quản trị, hoạch định trong đổi mới phương thức lãnh đạo?
- Chính xác. Sáng tạo, đổi mới có thể ở bất kỳ lĩnh vực nào.
* Có ý kiến cho rằng, lãnh đạo của một tỉnh, thành phải như một CEO năng động, tích cực, gắn máu thịt vào sự sống còn, phát triển của địa phương đó. Ông có đồng tình với ý kiến này?
- Tôi cho rằng, đó là cụ thể hóa một cách nhìn khác biệt so với cách nhìn xưa cũ. Cách nhìn này muốn làm nổi bật hơn về ảnh hưởng của người lãnh đạo. Đó là người phải tạo ra được giá trị và ảnh hưởng một cách mạnh mẽ nhất, tích cực nhất đối với cộng đồng và cả người trong tổ chức.
Hình ảnh CEO của thành phố thì chắc chắn người đứng đầu đó phải có năng lực hoạch định chiến lược, đi tới kế hoạch và hành động luôn, đồng thời, đánh giá và liên tục hoàn thiện; khi đó mới tạo ra giá trị phát triển. Chứ đâu đó, tôi thấy vẫn còn lãnh đạo nêu chiến lược một đằng, kế hoạch một nẻo và hành động thì còn trời ơi đất hỡi hơn nữa, như vậy sẽ vẫn tệ như lâu nay.
"Einstein từng nói: “Thật ngớ ngẩn, khôi hài và phi lý nếu như chúng ta suy nghĩ như cũ, hành động như cũ mà lại muốn có kết quả mới”. Thành ra, muốn có kết quả thay đổi, chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ, hành động.", ông Lý Chiến Trường. |
Cách nhìn CEO của TP.HCM thể hiện ngay ở vai trò hàng đầu của CEO là lắng nghe. Nhiệm vụ của CEO là quan tâm sâu sắc, tư duy tích cực và thảo luận chí tình để chắc chắn ra được giải pháp thông minh. Thảo luận chí tình là gì? Chính là phải lắng nghe, như kế hoạch 305 KH/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM mà chúng ta đang bàn.
Lắng nghe là gì? Là nghe mà không phản bác, nghe cho tới lắng và biết lựa chọn lại những ý kiến, biến thành chiến lược. CEO phải chọn lọc, tập trung vào những cái quan trọng nhất, tinh túy nhất, phù hợp nhất, đúng nhất đối với cộng đồng của mình, mới khai phát được nguồn lực một cách hiệu quả nhất.
* Cách nhìn CEO tỉnh, thành mang tính truyền cảm hứng nhiều hơn, đúng không thưa ông?
- Vai trò của lãnh đạo như sợi dây chuyền, kết nối các hạt ngọc nhưng người ta chỉ thấy ngọc mà không thấy sợi dây. Nhưng đừng quên, các hạt ngọc xếp lại với nhau theo hình ảnh của sợi dây. Thế thì, nhà lãnh đạo phải làm thế nào để kết nối được những nhân tố tích cực - là những hạt ngọc - xung quanh mình, để tạo thành một chuỗi hạt giá trị, đó chính là nhiệm vụ quan trọng của nhà lãnh đạo.
Tôi thấy dáng dấp này ở cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông dám đột phá vào những điều mà trước đó được xem là đúng hoặc duy nhất đúng và đã dám phá bỏ nó. Ông dẫn dắt và xâu kết được các giới, đặc biệt là giới trí thức, kể cả những người cũ cũng đồng hành cho một mục tiêu chung.
* Có bao giờ ông được mời tư vấn cho một cơ quan nhà nước về chiến lược phát triển, xây dựng nguồn lực không, thưa ông?
- Cũng nhiều lần nhưng đã hơi lâu và khá ít nếu so với đơn vị tư nhân. UBND tỉnh Yên Bái, Bà Rịa - Vũng Tàu, tổ chức VCCI, hay UBND Q.8 (TP.HCM) có mời tôi nói chuyện về chủ đề khai mở và phát triển nguồn lực trong cộng đồng. Tôi cảm kích sự tham gia của họ. Ngay cả bí thư, chủ tịch đã trực tiếp ngồi nghe, ghi chép chứ không phải chỉ tới phát biểu chỉ đạo, khai mạc xong rồi đi...
* Xin cảm ơn ông.
Quốc Ngọc (thực hiện)