Lãnh đạo Sở GD-ĐT nằm trong ban soạn thảo sách và nhận lương từ nhà xuất bản: Trường nào 'dám' chọn sách khác?

06/12/2019 - 08:02

PNO - Ở đây, nhà xuất bản là doanh nghiệp và lãnh đạo sở tham gia quá trình sản xuất kinh doanh sách giáo khoa thì khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi.

Từ năm 2015, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có Quyết định số 778 về việc chi thù lao Ban chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa miền Nam thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM. Có 11 người trong ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo - nằm trong danh sách được Bộ GD-ĐT phê duyệt. 

Trong đó, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM là trưởng ban; phó giám đốc Nguyễn Văn Hiếu là phó trưởng ban và các ủy viên là chánh văn phòng, hai phó chánh văn phòng, trưởng phòng giáo dục phổ thông, trưởng phòng giáo dục tiểu học, các phó trưởng phòng của hai phòng chuyên môn.

Lanh dao So GD-DT nam trong ban soan thao sach va nhan luong tu nha xuat ban: Truong nao 'dam' chon sach khac?
Sách giáo khoa lớp Một theo chương trình mới

Những người này được nhận thù lao của nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam. Theo đó, trưởng ban nhận 6 triệu đồng/tháng, phó trưởng ban là 5 triệu đồng. Những người khác nhận 3,5-4 triệu đồng/tháng. Thời gian bắt đầu nhận thù lao là ngày 1/5/2015.

Tiếp đó, năm 2018, NXB Giáo dục Việt Nam có Quyết định số 04 về việc thành lập ban chỉ đạo và mức chi thù lao cho ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) miền Nam. 11 người từ Sở GD-ĐT TP.HCM có thay đổi một vài nhân sự nhưng trưởng ban vẫn là ông Lê Hồng Sơn, phó trưởng ban là ông Nguyễn Văn Hiếu và ủy viên thường trực vẫn là bà Phạm Thị Kim Oanh, dù bà Oanh đã nghỉ hưu từ năm 2016 (trước đây bà là phó chánh văn phòng sở). Ngoài 11 thành viên này, còn có thêm 9 người của NXB Giáo dục Việt Nam.  

Ngoài ra, còn có nhóm tư vấn hỗ trợ gồm 15 người, trong đó 14 người là các chuyên viên các môn học hoặc phòng ban chuyên môn của Sở GD-ĐT TP.HCM. Nhóm hỗ trợ nhận thù lao 2,5 triệu đồng/tháng.

Một vài người có tên trong danh sách nhận lương nói trên cho rằng, việc nhận thù lao này là do tham gia thêm hoạt động khác ngoài công tác chính. Và thời điểm đó không phải là thời điểm lựa chọn bộ SGK nào. 

Việc các chuyên gia tham gia quá trình biên soạn và làm sách được kinh phí chi trả có thể là chuyện bình thường. Nhưng ban chỉ đạo lại toàn là những “chóp bu” của ngành giáo dục thành phố thì dư luận có quyền lo ngại lẫn nghi ngờ rằng, liệu có sự khách quan, không vị nể và… không “sợ” khi trường chọn SGK dạy cho học sinh? 

Thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên khoa Luật Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng xét ở góc độ xã hội thì việc các cán bộ chủ chốt của sở GD-ĐT nhận tiền thù lao hằng tháng từ phía NXB là xung đột lợi ích rất rõ. Một đơn vị có tiếng nói và hướng dẫn các trường phổ thông chọn SGK là sở lại nhận thù lao từ một đơn vị xuất bản và cung cấp SGK.

Xin nhấn mạnh NXB Giáo dục Việt Nam là một doanh nghiệp, còn sở là cơ quan quản lý nhà nước, lẽ ra phải là đối tượng giám sát những sản phẩm của NXB sẽ đưa vào trường học. Đằng này, lại tham gia quá trình sản xuất sản phẩm đó. Chưa kể, với quyết định này còn làm đảo lộn vị trí, trật tự vốn có: một doanh nghiệp được quyền thành lập ban chỉ đạo là những nhà quản lý trong lĩnh vực và trả lương cho những nhà quản lý đó thì có ngược ngạo?

“Còn ở góc độ luật, giám đốc sở và phó giám đốc sở đã sai. Hai vị này thuộc đối tượng công chức, căn cứ điều 20 Luật Cán bộ công chức thì công chức nhà nước không được tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, hoạt động trong cùng lĩnh vực mình quản lý. Ở đây, NXB là doanh nghiệp và lãnh đạo sở tham gia quá trình sản xuất kinh doanh SGK thì khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi?”, thạc sĩ Quang cho biết. 

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI